Một vụ việc - Nhiều bài học

08:01, 07/01/2022

Những ngày cuối cùng của năm 2021, một vụ việc đau lòng về bạo hành trẻ em đã làm rúng động công luận. Đó là việc bé V.A mới 8 tuổi (ở quận Bình Thạnh - Thành phố Hồ Chí Minh) bị người tình của bố bạo hành ngay trong nhà mình đến tử vong. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đã đủ làm dư luận căm phẫn. Nhưng liên tiếp sau đó, thông tin “tệ hại” hơn nữa lần lượt xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội càng cứa vào lòng tất thảy những người có lương tri, trái tim nếu đọc được: từ việc mẹ đẻ của bé từng uất ức đến mức phải tự tử khi chồng ngoại tình; rồi bị ép phải ly dị để bố sống với người tình; bé đã bị đọa đày, hành hạ ra sao ngay trong nơi tưởng là “tổ ấm” vì có bố đẻ và ông bà nội; người cha đó đã xóa chứng cứ trên camera hòng che giấu tội trạng của người tình… Rồi thông tin về việc gia đình bé cậy có thế lực, có tiền nhiều đã lập tức “hành động” để “chạy án” sớm khiến dư luận càng sôi sục giận dữ?!

Cùng với việc đưa các thông tin về tội trạng của cặp tình nhân Th., Tr., nhiều người đã bình luận trên mạng xã hội “lên án”, chê trách mẹ đẻ cháu bé trong suốt 1 năm trời không được bố đẻ cho gặp con mà cũng không tìm mọi cách để biết tình cảnh của con mà có thể ngăn chặn tội ác này, cứu đứa con bé bỏng tội nghiệp của mình! Với những thông tin có trên các báo và mạng xã hội cho thấy quả thật người mẹ và người thân của cháu V.A đã “đầu hàng” hoàn cảnh quá sớm, không tìm đến sự trợ giúp cần thiết để bảo vệ con. Trong khi hàng xóm cùng chung cư cho biết rằng họ thường xuyên nghe được những âm thanh cho thấy cháu V.A đã bị hành hạ trong thời gian dài; thậm chí họ cũng đã báo với Ban quản lý chung cư. Không chỉ Ban quản lý chung cư bàng quan, thiếu trách nhiệm, gia đình mẹ cháu cũng không hề tìm để biết. Nếu ráo riết hơn trong tìm kiếm thông tin của con mình thì họ không thể không biết gì về việc con bị bạo hành cả năm trời. Vụ việc này cũng như nhiều vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian qua cho thấy có những lỗ hổng, thậm chí nhiều lỗ hổng không nhỏ trong hệ thống và cung cách vận hành các hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đã từng có những bài báo, những vị đại biểu nhân dân trước đây phát biểu, thống kê rằng có tới hơn một chục cơ quan, tổ chức, đơn vị làm công tác liên quan đến việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, song vẫn có những đứa trẻ bị bạo hành ngay tại “tổ ấm” gia đình, lớp học, các cộng đồng gần gũi của mình(?!). Những vụ việc không chỉ xảy ra ở vùng sâu vùng xa, dân trí và điều kiện thông tin tuyên truyền thấp, nhiều hủ tục mà ở ngay cả đô thị, các địa bàn dân trí cao. Như bố và người tình của bé V.A., một người đi du học ở nước ngoài về, được tiếp nhận một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại; một người là hotgirl thường xuyên online cập nhật mọi thông tin nhanh nhất(?!). Và bố mẹ của Th., tức là ông bà nội của bé V.A, cũng là những người “có danh giá”, làm lãnh đạo ở bệnh viện - nơi cứu chữa chăm sóc sức khỏe, mạng sống con người, nơi đề cao chữ “Tâm”! Lẽ ra họ phải yêu thương bé V.A gấp nhiều lần vì bé thiệt thòi phải chịu cảnh tổ ấm tan vỡ. Nhưng thật đau lòng là họ đã không làm thế!? Rõ ràng, lỗ hổng trong giáo dục gia đình - môi trường giáo dục quan trọng, đầu tiên và gần gũi nhất nhưng bị xem nhẹ, không được quan tâm kịp thời, đúng cách và thích ứng với tốc độ phát triển của xã hội đã dẫn đến những hậu quả khôn lường! Đây là bài học không cho riêng gia đình nào!

Việc các cơ quan chức năng, có trách nhiệm đã hành động chậm trễ khi sự việc như “nước sôi lửa bỏng” trên các diễn đàn xã hội cũng là một bài học quản lý bởi đã khiến vụ việc bị đối tượng xấu lợi dụng để tuyên truyền nhằm chống phá Nhà nước về vấn đề nhân quyền trong nước. Những người lợi dụng sự việc đã cố tình lờ đi những vụ việc, tệ nạn đã và đang xảy ra với trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới. Họ lờ đi cả việc cá nhân bố đẻ của cháu V.A được đào tạo dạy dỗ ở đất nước “đề cao nhân quyền, nhân quyền được bảo vệ” như họ ca ngợi nhưng lại sống và hành động không có tình người với chính con đẻ của mình! Trong khi ngay sau khi vụ việc xảy ra thời gian ngắn, vụ việc đã được khởi tố. Tiếp đó, quá trình điều tra kẻ thủ ác đã tiếp tục bị khởi tố bổ sung tội danh tương xứng với hành vi gây ra. Việc để thông tin trong quá trình điều tra được cung cấp để đăng tải chi tiết trên một số báo điện tử rồi được các tài khoản mạng xã hội tiếp tục chia sẻ về cách thức hành hạ, “tra tấn” bé chỉ tạo thêm những cảm xúc tiêu cực, không cần thiết cho cộng đồng! Bởi những hình ảnh trước đó về các vết thương, dấu tích các trận đòn và cái chết của cháu đã là quá sức chịu đựng đối với mỗi người!

Với hành lang pháp lý, bộ máy tổ chức sẵn có, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các nền tảng, ứng dụng xã hội đa dạng thì các giải pháp, công cụ để bảo vệ trẻ em là không thiếu. Các cơ quan chức năng cần củng cố, thiết lập các hệ thống, thiết chế để có thể hành động ngay lập tức, kịp thời, không bị ràng buộc, chi phối hay cản trở bởi điều gì khi có thông tin về các vụ việc, tình huống gây nguy hiểm cho trẻ em. Chỉ khi nào việc bảo vệ trẻ em khỏi các mối nguy hiểm được nhận thức đầy đủ và người lớn mặc nhiên coi đó là trách nhiệm của mình “thấy sự bất bình chẳng tha” thì mới có thể đảm bảo “dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”./.

Vân Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com