Giáo hội Phật giáo tỉnh đồng hành cùng sự phát triển của địa phương

08:01, 12/01/2022

Chiêm bái Thiền viện Trúc Lâm Thiên Trường ngày cuối năm Tân Sửu 2021 trong tiết trời se lạnh, hòa cùng tiếng chuông ngân vang, lan tỏa, lòng người như lắng lại, bình yên. Dừng chân trước Bảo tháp Báo Ân, Báo Quốc, Hòa thượng Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh phấn khởi cho biết, với phương châm “hộ quốc, an dân”, “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo tỉnh nhà luôn là thành viên tin cậy, có nhiều đóng góp quan trọng, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu mạnh.

Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiên Trường - công trình văn hóa, tâm linh của Giáo hội Phật giáo tỉnh.
Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiên Trường - công trình văn hóa, tâm linh của Giáo hội Phật giáo tỉnh.

Trong 5 năm gần đây, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động các tăng ni, phật tử chấp hành nghiêm các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong phong trào xây dựng NTM, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp xây dựng nhiều công trình như đền thờ liệt sĩ, trạm y tế, cổng làng văn hóa, nhà văn hóa; hiến đất, làm đường giao thông bê tông; xây cầu cho đồng bào miền núi; mua sắm các trang thiết bị trường học, xây dựng phòng học; trồng cây xanh, cây bóng mát. Trên lĩnh vực từ thiện, xã hội, trong 5 năm gần đây, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và các huyện, thành phố đã tham gia nhiều chương trình hoạt động do Uỷ ban MTTQ các cấp, các ngành phát động; tích cực đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì biển, đảo, quỹ trẻ em mồ côi tàn tật... Qua đó, tăng ni, phật tử trong tỉnh đã xây dựng được 75 ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà tình thương; trao tặng hàng vạn phần quà gửi tặng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương, bệnh binh, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ đồng bào vùng núi cao, vùng thiên tai lũ lụt. Ngoài ra, Hội Phật giáo các cấp còn tổ chức tặng sổ tiết kiệm cho thanh niên lên đường nhập ngũ; tặng học bổng, xe đạp cho các cháu học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ cho các cháu sinh viên theo học đại học; mỗi năm nhận đỡ đầu và trao học bổng thường kỳ cho khoảng 200 học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn tỉnh. Hoạt động nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi tại một số chùa được quan tâm, mở rộng. Phong trào nồi cháo tình thương được tăng, ni, phật tử duy trì hàng tuần tại các bệnh viện cấp tỉnh, cấp huyện nhằm giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Tổng số tiền đóng góp vào các chương trình từ thiện trong 5 năm gần đây của Giáo hội Phật giáo tỉnh ước thực hiện hơn 72 tỷ đồng. Tiêu biểu như Hội Phật giáo huyện Ý Yên đóng góp trên 12 tỷ đồng, thành phố Nam Định 11,5 tỷ đồng, huyện Giao Thủy 11 tỷ đồng, huyện Nghĩa Hưng trên 10 tỷ đồng, huyện Xuân Trường 9,6 tỷ đồng... Cơ sở Phật giáo điển hình là Chùa Cẩm (Ý Yên) đã tham gia xây dựng 1 trạm y tế xã, 5 cổng làng, 5 căn nhà đại đoàn kết, 1 cổng nghĩa trang liệt sĩ, nhiều bể nước mưa cho học sinh trên địa bàn huyện Ý Yên, tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Chùa Hoành Nha Chính, Chùa Diêm Điền (Giao Thủy) đã ủng hộ và đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng nhiều công trình phúc lợi công cộng; phát thưởng khuyến học, khuyến tài, khuyến khích phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện. Hội Từ thiện Chùa Vọng Cung (thành phố Nam Định) đã xây dựng 15 ngôi nhà tình nghĩa; tặng 100 chiếc xe lăn cho người khuyết tật, 100 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó; phát đồ ăn hàng tuần cho bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần tỉnh; tặng trang thiết bị y tế cho tuyến đầu chống dịch; thăm và tặng quà cho các cháu học sinh, đồng bào lũ lụt khó khăn miền núi các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh... với tổng số tiền cho các chương trình từ thiện trên 5 tỷ đồng. Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) phát động tăng, ni Phật tử ủng hộ xây nhà đại đoàn kết, tặng quà từ thiện, tham gia phòng cháy chữa cháy, tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Chùa Tiên Hương (Vụ Bản) xây dựng 1 nghĩa trang liệt sĩ; tặng 5 ngôi nhà tình nghĩa và tổ chức nhiều hoạt động từ thiện trên địa bàn huyện Vụ Bản, tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Chùa Linh Ứng (Hải Hậu) đang nuôi dưỡng 20 trẻ mồ côi, 10 cụ già cô đơn không nơi nương tựa; năm 2021 tặng 10 nghìn suất cơm cho người dân cách ly tại Bệnh viện Phục hồi chức năng và các khách lưu trú trên địa bàn khu du lịch Thịnh Long do ảnh hưởng của dịch COVID-19... Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tổ chức lễ xuất quân cho 20 vị tình nguyện viên, chư tăng tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương, thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; ở thành phố Tân An, tỉnh Long An; Bệnh viện Dã chiến số 13 thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là đoàn chư tăng đầu tiên ở phía Bắc tình nguyện vào Nam chống dịch. Hình ảnh tình nguyện viên chư tăng của Phật giáo tỉnh Nam Định, đã lan tỏa hình ảnh đẹp đến cộng đồng, xã hội... Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã kêu gọi ủng hộ quỹ vắc-xin, quỹ phòng chống dịch COVID-19, trang thiết bị y tế cho tuyến đầu chống dịch; vận động các phật tử phát thiện tâm, ủng hộ bệnh nhân nhiễm COVID-19, ủng hộ lực lượng cắm chốt phòng chống dịch, nấu cơm nuôi dưỡng hàng nghìn người trong khu cách ly nhiều tháng liền, ủng hộ nhu yếu phẩm cùng nông sản cho đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch.

Tăng, ni Chùa Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) tặng quà cho người dân đang thực hiện cách ly y tế tại xã Xuân Ninh.
Tăng, ni Chùa Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) tặng quà cho người dân đang thực hiện cách ly y tế tại xã Xuân Ninh.

Cùng với xây dựng NTM, hoạt động nhân đạo, từ thiện, phong trào xây dựng chùa tinh tiến được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh quan tâm, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện tốt. Trong tổng số 791 ngôi chùa trên địa bàn tỉnh hiện có 31 cơ sở tự viện được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 69 địa điểm được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; hơn 60% chùa đạt tiêu chuẩn chùa tinh tiến; nhiều khu dân cư có đông đồng bào theo đạo Phật được công nhận là “Làng văn hóa”, “Khu dân cư tiên tiến”... Tăng ni, phật tử trong tỉnh còn nhiệt tình hưởng ứng các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, “Bình yên làng nghề” gắn liền với các phong trào thi đua yêu nước do Uỷ ban MTTQ tỉnh phát động; tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng chùa tinh tiến; gắn kết phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và các phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp” để phát triển bền vững” với 4 tiêu chí: Hạ tầng, cảnh quan, môi trường, văn hóa. Các cuộc vận động, các phong trào của Giáo hội Phật giáo tham gia đã và đang phát huy hiệu quả tốt, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của từng địa phương...

Phát huy tinh thần “Tâm sáng hướng thiện”, Đại hội đại biểu Phật Giáo tỉnh Nam Định lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027 xác định tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh nhằm xây dựng tỉnh ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Xuân Thu

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com