Sau 1 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới ở Xuân Trường

08:12, 28/12/2021

Toàn huyện Xuân Trường có 20 trường tiểu học, 478 lớp, 14.762 học sinh; trong đó khối lớp 1 có 98 lớp với 3.060 học sinh. Sau 1 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường tiểu học trên địa bàn huyện được tăng cường, đặc biệt, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với lớp 1 được nhà trường, phụ huynh học sinh và các tổ chức, cá nhân quan tâm, đầu tư. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn bài bản nên có nhận thức đúng đắn về nội dung chương trình GDPT, sách giáo khoa (SGK); được làm quen với SGK lớp 1 trước khi vào năm học mới; sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy, trao đổi chuyên môn, trao đổi với phụ huynh học sinh. Đa số học sinh đã lĩnh hội, tiếp thu tốt nội dung, kiến thức, kỹ năng, đạt được các yêu cầu tiêu chuẩn của chương trình từng môn học/hoạt động giáo dục, từng phẩm chất, năng lực theo quy định đối với lớp 1.  

Học sinh Trường Tiểu học Xuân Hòa trong một giờ học.  Bài và ảnh: Minh Thuận
Học sinh Trường Tiểu học Xuân Hòa trong một giờ học.

Có được kết quả trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện đã triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT về triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 tới các cơ sở giáo dục, tới đội ngũ giáo viên. Phòng GD và ĐT chỉ đạo các nhà trường rà soát đội ngũ để phân công giáo viên dạy lớp 1 tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu về lớp 1; không phân công giáo viên hợp đồng và giáo viên không tập huấn dạy lớp 1; điều chuyển giáo viên trẻ có năng lực dạy lớp 1 để làm nòng cốt lâu dài và phân công một số giáo viên tiếp tục dạy lên các lớp trên khi thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với các lớp 2, 3, 4, 5. Với tổng số giáo viên văn hóa đạt trình độ đại học (đạt chuẩn) dạy lớp 1 của toàn huyện chiếm tỷ lệ 64,3% (tỷ lệ giáo viên văn hóa đạt chuẩn cấp học là 60%) là điều kiện thuận lợi để triển khai chương trình SGK mới. Phòng GD và ĐT huyện xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn; cử cán bộ quản lý, giáo viên tập huấn ở Bộ GD và ĐT, ở tỉnh theo kế hoạch chung của Sở GD và ĐT; chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các trường cử 189 giáo viên văn hóa và giáo viên bộ môn dạy lớp 1 tham gia tập huấn về chương trình GDPT 2018 và sử dụng SGK lớp 1. Phòng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và 100% giáo viên dạy các khối lớp 2, 3, 4, 5 nắm được những nét khái quát về SGK lớp 1 là cầu nối cho lớp 2 và có thể lên lớp đảm bảo yêu cầu khi cần thiết; đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên dạy các môn lớp 1 về đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT. Phòng GD và ĐT huyện mời tác giả chủ biên của SGK môn Tiếng Việt 1 (bộ sách Cánh diều) và môn Toán 1 (bộ sách Vì sự bình đẳng - dân chủ trong giáo dục) về trao đổi với cán bộ quản lý và giáo viên dạy lớp 1; trực tiếp hội thảo, giải đáp những thắc mắc cụ thể chi tiết về nội dung và cách sử dụng SGK cho giáo viên để giáo viên tự tin lên lớp. Phòng GD và ĐT tổ chức Hội thảo về sử dụng SGK lớp 1 cho 54 cán bộ quản lý, 100 giáo viên dạy văn hóa và 89 giáo viên dạy bộ môn chuyên lớp 1. Sau khi hội thảo, Phòng GD và ĐT đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp huyện môn Toán và môn Tiếng Việt lớp 1 để giáo viên tiếp tục trao đổi, chia sẻ giải đáp những thắc mắc trong quá trình tổ chức dạy tại trường; tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp huyện đối với các môn còn lại. Quá trình thực hiện chương trình, Phòng GD và ĐT cử tổ giáo viên cốt cán khối 1 của huyện xuống các trường dự giờ và trao đổi chuyên môn, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn khi triển khai thực hiện tới giáo viên; đồng thời, tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp trường, liên trường để tiếp tục nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình và đánh giá học sinh về SGK, ngữ liệu, phương pháp, thiết bị dạy học... và có các biện pháp hỗ trợ hợp lý trong hoạt động sinh hoạt chuyên môn. Đã có tổng số 804 lượt giáo viên lớp 1 toàn huyện tham gia bồi dưỡng cấp trường. Phòng GD và ĐT chỉ đạo các trường tập huấn cho giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác các học liệu điện tử đi kèm sách giáo khoa và các bài giảng.

Với hệ thống thiết bị hàng trăm ti vi kết nối internet/máy chiếu và các biện pháp nghiệp vụ đồng bộ trong việc triển khai chương trình GDPT, SGK, các cơ sở giáo dục đã vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, phương pháp đánh giá... hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học. Giáo viên đã có chuyển biến cơ bản trong nhận thức về chương trình GDPT là pháp lệnh, SGK là tài liệu, phương tiện để thực hiện chương trình; làm quen với những phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực đảm bảo thực hiện chương trình hiệu quả; linh hoạt trong quá trình giảng dạy, chủ động trong hoạt động giáo dục, tích cực lan tỏa tinh thần đổi mới của chương trình GDPT 2018 tới cộng đồng. Qua 1 năm thực hiện, học sinh đã chủ động, tích cực nắm bắt kiến thức, ghi nhớ bài học tốt hơn. Cùng với đó, việc thực hiện các hoạt động ứng dụng, trải nghiệm đã giúp các em phát triển năng lực, phẩm chất của bản thân, biết liên hệ và vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống. Về các kỹ năng khác, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, đọc thành thạo các văn bản, tốc độ đọc nhanh hơn so với năm trước. Tiêu biểu là các trường tiểu học: Xuân Hồng, Xuân Hòa, Xuân Kiên... Kết quả giáo dục lớp 1 cuối năm học 2020-2021, toàn huyện có 51,40% học sinh lớp 1 hoàn thành xuất sắc; 20,48% học sinh hoàn thành tốt; 26,64% học sinh hoàn thành.

Vận dụng những kinh nghiệm từ việc triển khai chương trình GDPT, SGK đối với lớp 1, huyện Xuân Trường đã và đang chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để thực hiện chương trình GDPT 2018 trong năm học 2021-2022 ở khối lớp 2 và các khối lớp 3, 4, 5 trong những năm tiếp theo. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác xây dựng kế hoạch và triển khai các văn bản chỉ đạo, vận dụng phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng nhà trường. Đẩy mạnh truyền thông tới lãnh đạo Đảng, đoàn thể, chính quyền các địa phương, cha mẹ học sinh về chương trình GDPT, SGK và những đổi mới của ngành GD và ĐT nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội; tạo điều kiện để giáo viên chủ động linh hoạt kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tế trường, lớp, khả năng tiếp thu của học sinh; dành nhiều thời gian rèn nền nếp học tập cho học sinh trong thời gian đầu của năm học; tăng cường dự giờ, thăm lớp, tổ chức sinh hoạt chuyên môn qua nghiên cứu bài học để chia sẻ kinh nghiệm dạy học các môn học, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; sử dụng thành thạo các phương pháp giảng dạy và kỹ thuật dạy học phù hợp để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; chú trọng dạy học theo đối tượng; thầy là người tổ chức các hoạt động học cho học sinh... tạo không khí tích cực, sôi nổi trong giờ học; ứng dụng hợp lý công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả học liệu điện tử kèm theo SGK hoặc từ các nguồn đã được kiểm định để tăng tính trực quan, hấp dẫn, dễ hiểu... thường xuyên làm, sưu tầm và sử dụng hiệu quả đồ dùng, thiết bị dạy học. Làm tốt công tác xã hội hóa để bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT, SGK mới./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com