Sâu rộng phong trào đền ơn đáp nghĩa ở Nam Trực

08:08, 06/08/2021

Với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Huyện uỷ, UBND huyện Nam Trực luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn thực hiện tốt chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng; đồng thời huy động các nguồn lực, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Lãnh đạo huyện Nam Trực tặng quà gia đình chính sách xã Nam Tiến nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2021.
Lãnh đạo huyện Nam Trực tặng quà gia đình chính sách xã Nam Tiến nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2021.

Hiện nay huyện Nam Trực có trên 6.000 người có công thuộc các diện đối tượng và thân nhân liệt sĩ, trong đó có 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 3 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1.254 thương binh, 850 bệnh binh, hơn 3.000 thân nhân liệt sĩ… Để thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng, các ngành chức năng, các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách đối với người có công của Đảng, Nhà nước, nhất là những quy định mới ban hành; các cơ quan hữu quan thực hiện đúng, đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công; tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến. Trong 6 tháng đầu năm 2021, cùng với việc thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng chính sách, Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với các ngành liên quan giải quyết kịp thời chế độ mai táng phí cho 13 đối tượng người có công. Hàng năm Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với các ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với đối tượng chính sách người có công như: cấp thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện chế độ điều dưỡng, chế độ cấp trang thiết bị dụng cụ chỉnh hình cho thương binh, lập hồ sơ ưu đãi về giáo dục, đào tạo nghề cho con em gia đình chính sách… Năm 2020, Phòng LĐ-TB và XH đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện rà soát, tiến hành cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế cho 100% đối tượng người có công bảo đảm chính xác, kịp thời; thực hiện chế độ điều dưỡng cho 1.325 đối tượng chính sách và chi trả tiền trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho 99 người có công theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB và XH thẩm định hồ sơ và đề nghị Sở LĐ-TB và XH giải quyết chế độ ưu đãi cho hàng trăm học sinh, sinh viên là con người có công. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở”, đến nay, toàn huyện có 781 hộ được hỗ trợ, trong đó 234 hộ xây mới, 547 hộ sửa chữa với tổng kinh phí 20 tỷ 300 triệu đồng. Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện tích cực tham gia với những hoạt động cụ thể, thiết thực như: Nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, đóng góp quỹ “Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam”… Hàng năm, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện huy động được hàng trăm triệu đồng. Từ năm 2020 đến nay, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa duy trì trên 300 triệu đồng. Từ nguồn quỹ, huyện Nam Trực đã hỗ trợ nhiều gia đình chính sách khó khăn xây mới, sửa chữa nâng cấp nhà ở. Tiêu biểu như năm 2018 hỗ trợ xây mới 2 nhà ở, mỗi nhà 70 triệu đồng cho bà Ngô Thị Hồng, là vợ liệt sĩ, ở thôn Hồng Phong, xã Nam Hồng và cụ Vũ Thị Toại, là mẹ liệt sĩ ở xã Đồng Sơn. Năm 2019, bà Vũ Thị Vân ở xã Đồng Sơn là vợ liệt sĩ được hỗ trợ xây mới nhà tình nghĩa từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa. 

Vào các dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hàng năm, huyện đều tổ chức chuyển quà của Chủ tịch nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng; tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, tri ân những người có công với cách mạng như: mít tinh kỷ niệm, tổ chức Đại lễ cầu siêu, viếng đền thờ, nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân... Những năm gần đây, Ban quản lý Đền Liệt sĩ huyện phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống, tri ân, đưa học sinh đến viếng, tìm hiểu truyền thống, cách mạng của quê hương vào các dịp kỷ niệm lịch sử, học ngoại khóa. Vào dịp 30-4 hàng năm, Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện đều tổ chức cho lớp đảng viên mới tham quan, tìm hiểu về truyền thống của quê hương tại Đền Liệt sĩ. Trước ngày giao quân, các địa phương đều thăm hỏi, tặng quà động viên, đồng thời tổ chức cho thanh niên chuẩn bị nhập ngũ viếng Đền Liệt sĩ, kể chuyện truyền thống. Công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ được chính quyền và nhân dân đặc biệt quan tâm. Trên địa bàn huyện hiện có 28 nghĩa trang liệt sĩ, với gần 3.650 mộ liệt sĩ. Huyện đã chỉ đạo tổ chức phát động các phong trào vận động quyên góp, đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây mới, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ, bia tưởng niệm và hỗ trợ xây dựng lại mộ liệt sĩ do gia đình tự quản. Các nghĩa trang liệt sĩ được đầu tư, sửa chữa lớn ở các xã: Nam Thanh, Điền Xá, Nam Thắng…

Chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trở thành nét đẹp văn hoá ở huyện Nam Trực thể hiện đạo lý tri ân những người đã đóng góp xương máu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là cách thiết thực nhất để giáo dục thế hệ trẻ lòng biết ơn và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha ông cũng như bồi đắp lý tưởng, trách nhiệm cho thế hệ trẻ đối với quê hương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com