Thành phố Nam Định khắc phục khó khăn về quỹ đất cho các trường học

08:07, 15/07/2021

Thành phố Nam Định là một trong những đơn vị dẫn đầu tỉnh về chất lượng giáo dục; trong đó, nổi bật là chất lượng giáo dục bền vững nhiều năm liền; đổi mới mạnh mẽ công tác kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường tổ chức sân chơi trí tuệ, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh; công tác xã hội hóa giáo dục phát huy hiệu quả, tạo nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp cải tạo phòng học, bếp ăn, nước sạch, công trình vệ sinh và sân chơi, góp phần đổi mới toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TW.

Cô và trò Trường Mầm non Mỹ Xá (thành phố Nam Định) trải nghiệm hoạt động ở vườn trường (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Cô và trò Trường Mầm non Mỹ Xá (thành phố Nam Định) trải nghiệm hoạt động ở vườn trường (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Đạt được điều đó, Phòng GD và ĐT thành phố Nam Định đã tích cực tham mưu với UBND thành phố trong công tác quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo; đầu tư cơ sở vật chất; chỉ đạo các phường, xã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn. Do vậy, nhiều năm qua, cơ sở vật chất các trường học được tăng cường. Tiêu biểu như: Đầu tư xây dựng mới công trình 4 tầng 16 phòng học Trường THCS Lương Thế Vinh; nhà đa năng, lớp học của Trường Tiểu học Hùng Vương; xây dựng các Trường Mầm non Hướng Dương, Mầm non Bình Minh, Mầm non Văn Miếu; cải tạo chống thấm dột phòng học, xây nhà vệ sinh Trường Tiểu học Trần Phú; cải tạo khu vệ sinh, lớp học Trường Tiểu học Trần Quốc Toản; xây tường bao, sân tập Trường Tiểu học Chu Văn An; xây tường bao, chống thấm dột Trường THCS Tống Văn Trân; chống thấm Trường Mầm non Sao Mai; cải tạo, nâng cấp Trường THCS Trần Bích San, Phùng Chí Kiên... Từ nguồn xã hội hóa, nhiều trường học được đầu tư xây dựng, sửa chữa, tăng cường cơ sở vật chất như các trường tiểu học: Kim Đồng, Trần Phú, Trần Văn Lan, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Hồng Sơn, Chu Văn An, Trần Quốc Toản, Hồ Tùng Mậu, Hùng Vương; các trường THCS: Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Tống Văn Trân, Lý Tự Trọng, Trần Bích San, Lương Thế Vinh, Phùng Chí Kiên, Trần Đăng Ninh... Nhiều trường trước kia còn phòng học cấp 4 nay đã được xây dựng kiên cố, khang trang, góp phần quan trọng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn...

Tuy nhiên, nhiều trường học trên địa bàn hiện vẫn thiếu phòng học, phòng chức năng. Một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố khó khăn về việc mở rộng khuôn viên, nhất là các trường ở các khu phố cổ, dân cư sống xung quanh trường đã lâu. Ở khối mầm non, diện tích khuôn viên các trường nhìn chung rất hẹp, một số trường xây dựng đã lâu năm nên cơ sở vật chất xuống cấp. Trong khi số lượng trẻ trên lớp đông so với diện tích lớp học, tỷ lệ trẻ/giáo viên cao so với quy định nên khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, việc tăng dân số tự nhiên và dân số cơ học đã khiến nhiều trường trước đây đủ diện tích theo tiêu chuẩn thì đến nay lại trở nên chật. Việc thiếu diện tích đất để xây dựng các phòng học, phòng học chức năng dẫn đến khó thực hiện, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Thành phố đang tập trung các giải pháp để khắc phục khó khăn. Với các khu đô thị mới như: Dệt May, Nam sông Đào, Mỹ Trung, Lộc Hòa... thành phố bố trí đủ quy hoạch đất cho giáo dục. Với các trường trong nội thành, thành phố đã tiến hành rà soát và bố trí kinh phí để đầu tư xây mới, cải tạo tăng thêm phòng học cho các nhà trường. Thành phố cũng chỉ đạo các phường, xã xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, trong đó chú ý việc bổ sung quỹ đất cho các nhà trường. Đến nay thành phố đã cải tạo, nâng cấp xong các trường mầm non Sao Vàng, Hàn Thuyên, Văn Miếu; cải tạo, xây mới các phòng học, phòng chức năng các Trường Tiểu học Hùng Vương, Nguyễn Trãi; cải tạo nâng cấp các hạng mục phụ trợ Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu; xây mới phòng học Trường THCS Lương Thế Vinh… Cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học ngày càng được củng cố, bổ sung tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các nhà trường chú trọng việc “xanh hóa” trường, lớp; quy hoạch xây dựng vườn trường theo những khu trồng cây bóng mát, cây ăn quả, cây hoa, cây rau, cây thuốc nam… kết hợp làm giáo cụ trực quan phục vụ việc giảng dạy thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Tính đến hết tháng 6-2021, toàn thành phố đã có 41/68 trường đạt chuẩn quốc gia; 37/68 trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Trong năm học 2021-2022 và các năm học tiếp theo, thành phố tiếp tục rà soát quy hoạch đất để bổ sung đất cho giáo dục, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030. Tập trung đầu tư hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng các trường tiểu học Khu đô thị Dệt May, Khu đô thị Nam sông Đào; các hạng mục công trình cải tạo, mở rộng các trường tiểu học: Nguyễn Trãi, Nguyễn Viết Xuân, Phạm Hồng Thái. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non, tiểu học và THCS xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Căn cứ nhu cầu của những năm tiếp theo để tiếp tục đầu tư xây dựng các trường ở những điểm đã quy hoạch cho đất giáo dục. Phòng GD và ĐT thành phố tiếp tục tăng cường tham mưu chỉ đạo làm tốt công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các cấp học./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com