Thành phố Nam Định quan tâm phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

08:07, 15/07/2021

Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) dưới 5 tuổi là nhiệm vụ quan trọng trong công tác chăm sóc sức khoẻ trẻ em, tạo nền tảng tiên quyết giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể của thành phố Nam Định đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống SDD ở trẻ em; trở thành đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh trong công tác phòng chống SDDTE. 

Trường Mầm non Sao Vàng (thành phố Nam Định) khám sức khỏe định kỳ cho học sinh (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Trường Mầm non Sao Vàng (thành phố Nam Định) khám sức khỏe định kỳ cho học sinh (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Thành phố hiện có gần 17.700  trẻ em dưới 5 tuổi, bác sĩ Lã Khắc Thuyên, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết: Nhằm cải thiện thể chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai, thành phố Nam Định đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống SDDTE từ thành phố đến các phường, xã; củng cố mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng ở tất cả các phường, xã; đồng thời huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể thực hiện đồng bộ các biện pháp. Trong đó, đã tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2020-2025; Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của Chính phủ; Dự án Cải thiện dinh dưỡng trẻ em của tỉnh, đảm bảo cho trẻ phát triển tốt về thể chất. Trung tâm Y tế thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, giáo dục về dinh dưỡng, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống SDDTE như: Mở chuyên mục phát trên Đài Phát thanh thành phố và hệ thống truyền thanh các phường, xã; nói chuyện chuyên đề lồng ghép trong các cuộc hội họp của các đoàn thể, cộng đồng dân cư; kẻ vẽ băng rôn, pa-nô, áp phích phổ biến về dinh dưỡng hợp lý, phòng chống SDDTE; chăm sóc phụ nữ có thai. Trung tâm Y tế thành phố thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tư vấn, thực hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống SDDTE dưới 5 tuổi. Hàng tháng, trạm y tế các phường, xã tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông thực hành dinh dưỡng, trang bị kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ, phương pháp theo dõi mức độ tăng trưởng của trẻ cũng như cách chăm sóc, nuôi dưỡng và nhận biết các dấu hiệu SDD ở trẻ; phòng, chống SDD bào thai, uống bổ sung vi chất dinh dưỡng, sử dụng muối i-ốt, ăn bổ sung hợp lý, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh thường gặp; tiêm chủng, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ. Từ năm 2020 đến nay, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thành phố đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhóm nhỏ và tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình. Trong năm 2020, trên 11 nghìn lượt bà mẹ nuôi con nhỏ, phụ nữ đang mang thai, người chăm sóc trẻ, nhất là bà mẹ có con SDD đã được tập huấn, truyền thông thực hành dinh dưỡng tô màu bát bột, chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi; tư vấn chăm sóc thai nghén, ăn uống đủ dinh dưỡng. 6 tháng đầu năm 2021, đã tổ chức tập huấn, truyền thông thực hành dinh dưỡng cho trên 5.000 lượt bà mẹ nuôi con nhỏ, người chăm sóc trẻ. Công tác truyền thông được tăng cường bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực đã góp phần nâng cao nhận thức không chỉ cho bà mẹ nuôi con nhỏ, người chăm sóc trẻ mà còn hướng tới các đối tượng là thanh niên, phụ nữ mới kết hôn và các thành viên trong gia đình biết cách lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn và giàu chất dinh dưỡng giúp trẻ tăng cân hợp lý và phát triển khỏe mạnh. 

Cùng với việc cung cấp kiến thức về dinh dưỡng, công tác theo dõi tăng trưởng của trẻ dưới 5 tuổi, quản lý sức khoẻ trẻ SDD được thực hiện hiệu quả tại các phường, xã. Hàng tháng, các trạm y tế phường, xã tổ chức cân đo và đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 2 tuổi, thường đạt trên 99% số trẻ trong diện; tư vấn cho các bà mẹ đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ. 100% trẻ trong diện tiêm phòng đều được tiêm phòng, uống vitamin A liều cao đúng lịch; đảm bảo đúng quy định phòng chống COVID-19 trong các buổi, điểm tiêm chủng. Phụ nữ trong thời gian mang thai được khám thai và tiêm phòng uốn ván đầy đủ trong thai kỳ. Bổ sung viên sắt, viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. 100% trẻ mới sinh được cân, đo trong vòng 12 giờ đầu sau sinh; hầu hết trẻ được bú sữa mẹ ngay từ 30 phút đầu sau sinh; khuyến khích bà mẹ cho trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, duy trì bú mẹ đến 24 tháng. Các cơ sở y tế khuyến khích các bà mẹ khi có thai bổ sung vi chất dinh dưỡng và sau khi sinh trong vòng 1 tháng bổ sung vitamin A liều cao 200 nghìn UI… Cộng tác viên dinh dưỡng, cán bộ y tế luôn chủ động đến thăm và tư vấn cách chăm sóc cho gia đình có trẻ dưới 5 bị tuổi SDD, bị ốm để có các biện pháp điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ. Cùng với hoạt động của ngành Y tế, công tác phòng, chống SDDTE còn nhận được sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã đưa kiến thức về dinh dưỡng hợp lý vào chương trình giảng dạy trong trường học; phối hợp với ngành Y tế tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, phòng, chống SDD, phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em cho cán bộ quản lý tại các trường mầm non. Hội Phụ nữ lồng ghép các nội dung chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vào chương trình hoạt động của Hội; phối hợp với ngành Y tế tổ chức các buổi nói chuyện truyền thông về sức khỏe sinh sản, dân số, kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp, công tác phòng, chống SDDTE của thành phố Nam Định có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ SDDTE giảm dần qua các năm. Tiêu biểu là các phường: Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Trần Đăng Ninh… Năm 2020, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể nhẹ cân còn 7,65%; đến hết tháng 6-2021 giảm còn 7,6% (tỷ lệ toàn tỉnh là 10,14%). Tỷ lệ  trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể thấp còi hiện nay giảm còn 9,91% (tỷ lệ toàn tỉnh là 12,8%). 

Với mục tiêu phấn đấu tiếp tục giảm tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi cả ở thể nhẹ cân và thể thấp còi, từng bước kiểm soát thừa cân, béo phì, thời gian tới, thành phố Nam Định đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý cho các bà mẹ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Duy trì hoạt động cân, đo chấm biểu đồ theo dõi tăng trưởng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi vào ngày 25 hàng tháng, kịp thời phát hiện, can thiệp đối với trẻ SDD. Mỗi bà mẹ, mỗi gia đình cần quan tâm, thực hiện tốt việc nuôi dưỡng, chăm sóc, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo độ tuổi để trẻ tăng trưởng và phát triển, khỏe mạnh, thông minh./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com