Hội Cựu chiến binh Nam Trực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

07:07, 27/07/2021

Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Nam Trực hiện có trên 10 nghìn hội viên, sinh hoạt tại 394 chi hội cơ sở. Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, những năm qua, Hội CCB huyện đã tích cực vận động hội viên hưởng ứng phong trào thi đua “CCB giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”. Nhờ đó, nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên trở thành những hộ gia đình làm kinh tế giỏi với mức thu nhập hàng năm cả trăm triệu đồng.

Hội viên cựu chiến binh huyện Nam Trực phát triển kinh tế từ nghề trồng cây cảnh.
Hội viên cựu chiến binh huyện Nam Trực phát triển kinh tế từ nghề trồng cây cảnh.

Đến thăm Công ty TNHH Dệt may Trường An của CCB Đặng Văn An, xóm Đông Thành, xã Nam Hồng (Nam Trực) mới cảm nhận được ý chí làm giàu của ông. Năm 1983, sau khi xuất ngũ, ông trở về địa phương. Từ năm 1983-1990, ông An xin vào làm công nhân dệt tại HTX Dệt Trung Tiến, chuyên dệt khăn tắm xuất đi các nước Đông Âu. Năm 1990, khi thị trường Đông Âu biến động, HTX Dệt Trung Tiến rơi vào cảnh ngưng trệ, sa sút, sau đó giải thể. Mất việc, ông An cảm thấy bất lực, vừa lo lắng. Sau một thời gian trăn trở, ông đã tự đứng ra mở xưởng sản xuất. Năm 2000, ông thành lập xưởng dệt gia đình chuyên sản xuất các loại khăn mặt, khăn ăn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Những ngày đầu mới mở xưởng, ông An gặp khó khăn về vốn để mua máy móc, trả lương cho người lao động và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Để thành lập xưởng sản xuất, ông đã vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), người thân, anh em, bạn bè; đồng thời lao vào học thêm về nghề, tìm hiểu thị trường, mày mò cải tiến các công đoạn dệt. Sau khi đi tìm hiểu thực tế ở nhiều vùng có nghề dệt truyền thống và tiếp cận với thị trường, ông An nhận thấy không thể dừng lại ở cung cách dệt và bán sản phẩm như trước đây mà phải có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và tiêu thụ mới tăng năng suất lao động, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh việc đầu tư vào máy móc, nhà xưởng, cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, ông tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ. Ông đem sản phẩm đi chào hàng khắp mọi nơi, thuyết phục các đại lý, chủ cửa hàng nhập sản phẩm khăn của xưởng về bán. Dần dần ông liên kết được với các đại lý khăn sợi ở thành phố Nam Định, một số tỉnh, thành phố khác. Sản phẩm của xưởng được chủ các đại lý đánh giá cao ở chất lượng và giá thành phù hợp. Cần mẫn làm ăn, CCB Đặng Văn An dần mở rộng được quy mô sản xuất, thành lập Công ty TNHH Dệt may Trường An. Đến nay, công ty đã có 2 cơ sở sản xuất đặt tại xã Nam Thắng và thành phố Nam Định. Trung bình hàng năm, công ty xuất ra thị trường khoảng 100 tấn hàng hóa, tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động tại chỗ và vệ tinh với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, sau khi trừ chi phí ông thu về trên 200 triệu đồng tiền lãi. 

Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội CCB huyện Nam Trực thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng đời sống hội viên, đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua và xây dựng tiêu chí phấn đấu ở mỗi đơn vị cơ sở, chi hội và gia đình hội viên. Hàng năm, các cấp Hội CCB trong huyện phối hợp với các đơn vị chức năng mở nhiều lớp tập huấn về khuyến nông, tập huấn nâng cao kiến thức về phát triển kinh tế; hướng dẫn hội viên đưa cây, con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi; tổ chức cho hội viên đi tham quan các mô hình tiêu biểu và tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến. Qua đó, phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế được đẩy mạnh, khơi dậy tình đồng chí, đồng đội, tinh thần đoàn kết và ý chí nỗ lực vượt khó vươn lên trong mỗi cán bộ, hội viên. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên đến cán bộ, hội viên do CCB quản lý; tích cực tham gia với chính quyền, các đoàn thể rà soát đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách có đủ điều kiện vay vốn của Ngân hàng CSXH; phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay ở cơ sở, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích. Vì vậy, chất lượng nguồn vốn vay luôn bảo đảm, không có nợ quá hạn. Đến nay, Hội CCB huyện đang nhận ủy thác qua kênh của Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ 25 tỷ 923 triệu đồng cho 847 hộ vay. Ngoài ra, các cấp Hội còn duy trì nguồn quỹ Hội do hội viên đóng góp với số tiền trên 4 tỷ đồng, số dư tiền tiết kiệm đạt trên 1,4 tỷ đồng cho hàng trăm hộ vay với lãi suất thấp giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương có thu nhập ổn định. Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, nhiều CCB đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng lên rõ rệt. Hiện số hội viên nghèo của huyện giảm xuống còn 0,16%, hộ cận nghèo giảm còn 2,21%; số hộ khá, giàu tăng lên 3.808 hộ, đạt 40,53%. Toàn huyện có 21 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 1 HTX dịch vụ, 3 gia trại do hội viên CCB làm chủ; 42 hội viên CCB mở mô hình kinh doanh dịch vụ thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

Thời gian tới, các cấp Hội CCB huyện Nam Trực tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đồng hành, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Triển khai các phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo; tạo điều kiện cho các hộ CCB thuộc diện cận nghèo, hộ nghèo có điều kiện tham gia phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đẩy mạnh các phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển, nhân rộng các mô hình làm kinh tế giỏi; khuyến khích các CCB là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã giải quyết việc làm cho CCB, con em CCB, cựu quân nhân…, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com