Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học ở Trường Tiểu học Hải Nam

08:06, 25/06/2021

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy và học đang góp phần đắc lực quyết định thành công của đổi mới giáo dục phổ thông. Trong nhiều năm qua, Trường Tiểu học Hải Nam (Hải Hậu) đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ dạy và học.

Giờ Tin học của thầy và trò Trường Tiểu học Hải Nam (Hải Hậu) (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Giờ Tin học của thầy và trò Trường Tiểu học Hải Nam (Hải Hậu) (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Trường Tiểu học Hải Nam có 18 lớp với 607 học sinh. Trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, có thư viện tiên tiến và có đầy đủ các phòng chức năng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng CNTT vào dạy và học đã được nhà trường quan tâm đầu tư. Việc kết nối internet được nhà trường thực hiện song song với việc trang bị phòng máy tính, máy chiếu phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, dạy học cũng được áp dụng rộng rãi. Phòng bộ môn Tin học của trường có diện tích 50m2 được trang bị 20 máy tính bàn cho học sinh, 1 máy tính dành cho giáo viên, 1 máy chiếu và màn hình. Số máy tính đảm bảo 2 học sinh/1 máy/1 giờ học. Các phòng học của khối lớp 1 và thư viện trường được trang bị máy chiếu hoặc tivi, được kết nối internet qua wifi để phục vụ khai thác ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập.

Xác định ứng dụng và phát triển CNTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục, nhà trường đã quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về vai trò, lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý giáo dục; tổ chức tập huấn khai thác, sử dụng phần mềm hỗ trợ giảng dạy các môn học cho cán bộ, giáo viên toàn trường; thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT cho giáo viên. Từ đó, giáo viên ứng dụng để thiết kế bài giảng điện tử; tìm kiếm, chọn lọc khai thác các tài liệu trên mạng để phục vụ công tác giảng dạy; cập nhật kho bài giảng, kho thiết bị đồ dùng dạy học, tranh ảnh minh họa, bài hát, điệu múa; tăng cường ứng dụng phần mềm “Trường học kết nối” phục vụ sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ và học hỏi giữa các đơn vị. Hiện tại nhà trường đã xây dựng và khai thác hiệu quả website của trường; tăng cường sử dụng mô hình học tập kết hợp giữa giáo án truyền thống với giáo án điện tử, khuyến khích giáo viên hỗ trợ việc học tập của học sinh trên nền tảng CNTT đã có sẵn; tăng cường ứng dụng CNTT trong tổ chức các hoạt động học tập trong lớp và hoạt động ngoài giờ lên lớp (trò chơi học tập, thiết kế chương trình rung chuông vàng, phát động chủ điểm tháng)… Trường quản lý kết quả học tập của học sinh bằng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; sổ liên lạc điện tử; khuyến khích giáo viên soạn giáo án điện tử; tổ chức dạy kỹ năng sống cho tất cả học sinh theo chương trình POKI. Giáo viên toàn trường được tập huấn “Đổi mới giáo dục phổ thông 2018” thông qua hệ thống LMS của Viettel và tự bồi dưỡng trên trang địa chỉ các nhà sách do nhà trường chọn để giảng dạy. Tất cả cán bộ, giáo viên tìm tài liệu, nghiên cứu tài liệu tập huấn, học trực tuyến, làm bài kiểm tra đánh giá kết quả tập huấn... 100% số tiết Tin học học sinh được học và thực hành trên máy tại phòng bộ môn Tin học, được kiểm tra đánh giá ngay trên máy. Nhà trường chủ động đăng ký với Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT huyện triển khai dạy chương trình IC3 Spack cho học sinh bắt đầu từ khối 3. Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường để phòng chống dịch bệnh COVID-19, trường đã tổ chức tập huấn các phần mềm cho giáo viên để bồi dưỡng về phương pháp, kỹ năng cần thiết về dạy học qua internet cho giáo viên; thường xuyên liên hệ với nhà mạng Viettel để đảm bảo yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật trong tổ chức và quản lý hoạt động dạy học qua internet cho giáo viên và học sinh; phối hợp với gia đình học sinh trong việc tổ chức dạy học qua internet như: thông báo lịch học, nội dung bài học của mỗi lớp học. Chương trình học và luyện tập được xây dựng theo tuần gửi qua Email, Zalo, Facebook, sổ liên lạc điện tử. Căn cứ điều kiện thực tế của học sinh từng lớp, giáo viên phối hợp với cha mẹ học sinh triển khai dạy học thông qua các hình thức: dạy học trực tuyến qua các phần mềm hoặc mạng xã hội (có sự tương tác của học sinh) như: Zoom, Olm.vn, Youtube, Facebook chụp bài gửi vào Zalo; Messenger, biên soạn bài giảng PowerPoint theo hình thức E-learning gửi học sinh. Sử dụng trang thông tin điện tử (website) của trường để đăng tải bài giảng PowerPoint, phiếu bài tập cho từng khối lớp...

Ban Giám hiệu nhà trường cho biết: Từ thực tế ứng dụng CNTT phục vụ dạy và học và qua thực tế các bài giảng ứng dụng CNTT tại trường, giáo viên sử dụng CNTT sinh động, hấp dẫn hơn nhiều so với bài giảng theo phương pháp truyền thống. Học sinh thật sự là “chủ thể hóa” của hoạt động nhận thức thông qua việc trực tiếp quan sát, thảo luận, thí nghiệm từ các hình ảnh sinh động, âm thanh hấp dẫn… Hầu hết các học sinh đều nắm chắc kiến thức kỹ năng các môn học và vận dụng làm bài kiểm tra tốt. 100% học sinh của trường hoàn thành chương trình lớp học; 100% học sinh lớp 5 của trường hoàn thành chương trình tiểu học. Năm học 2019-2020, trường được UBND tỉnh tặng danh hiệu “Tập thể Lao động tiên tiến”. Hiệu trưởng nhà trường được Bộ GD và ĐT tặng Bằng khen. Trường xếp thứ 12/34 trường tiểu học trong toàn huyện. 

Thời gian tới, để việc ứng dụng CNTT phục vụ dạy và học được hiệu quả, nhà trường tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong dạy học; tổ chức, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên về ứng dụng CNTT; tiếp tục ứng dụng CNTT trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn, quản lý kết quả học tập của học sinh; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, cộng đồng; sử dụng hiệu quả sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, khuyến khích phê duyệt giáo án trực tuyến (sử dụng phần mềm, email hoặc google drive...). Tăng cường điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên Tin học; thường xuyên hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm đối với các đơn vị triển khai thí điểm dạy Tin học theo chương trình IC3 Spark. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ, đột xuất việc sử dụng và bảo quản các trang thiết bị về CNTT, kịp thời động viên, khuyến khích các cá nhân, tổ chuyên môn phát huy tốt việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com