Phòng ngừa tệ nạn xã hội trong công nhân, viên chức, lao động

08:06, 24/06/2021

Theo số liệu của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, toàn tỉnh hiện có 137.324 đoàn viên công đoàn thuộc 1.683 công đoàn cơ sở. Trong đó 3 khu công nghiệp Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh có hơn 35 nghìn công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); ở 20 cụm công nghiệp đang hoạt động nằm rải rác tại các huyện, thành phố, số lượng công nhân lao động khoảng gần 100 nghìn người. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều công nhân lao động chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, da giầy, đa phần là lao động phổ thông, tuổi đời còn trẻ, nhận thức pháp luật còn hạn chế, nhiều người ở các địa phương khác đến làm việc, xa gia đình nên phải thuê nhà trọ… Từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của công nhân lao động. Một bộ phận người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm dẫn đến khó khăn, tiêu cực trong cuộc sống nên có nguy cơ phạm tội, mắc tệ nạn xã hội.

Công nhân Công ty Điện lực Nam Định vận hành hệ thống điện 110kV cung ứng cho địa bàn huyện Nghĩa Hưng.
Công nhân Công ty Điện lực Nam Định vận hành hệ thống điện 110kV cung ứng cho địa bàn huyện Nghĩa Hưng.

Trước thực trạng trên, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng đề ra các giải pháp khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; đồng thời phối hợp với lực lượng Công an tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội trong CNVCLĐ. Hàng năm LĐLĐ tỉnh đều có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ với các nội dung phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là hậu quả, tác hại của tệ nạn ma túy; phương thức, thủ đoạn lừa đảo, hậu quả của việc vay tiền qua ứng dụng trên mạng, vay tín dụng đen, chơi cờ bạc, cá độ; đồng thời tổ chức các buổi nói chuyện về tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, triển khai xây dựng mô hình khu nhà trọ công nhân không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Từ năm 2020 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 20 hội nghị tuyên truyền; chỉ đạo Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức 17 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó có nội dung phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho trên 3.000 CNVCLĐ trong tỉnh; tập trung vào người lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt là lao động trẻ. Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy, hậu quả, tác hại của ma túy. Trích 80 triệu đồng từ nguồn kinh phí hoạt động để in, mua tài liệu tuyên truyền. Phối hợp chặt chẽ với Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lao động, đăng, phát nhiều tin, bài, ảnh, phóng sự; ra chuyên mục về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác phòng ngừa tội phạm và các tệ nạn xã hội trong CNVCLĐ. Bên cạnh đó LĐLĐ tỉnh đã thành lập Facebook nhóm “Người lao động Nam Định” để cung cấp các thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các thông tin về pháp luật, an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời đáp ứng yêu cầu về thông tin trong CNVCLĐ. Sau hơn một năm đi vào hoạt động, Facebook nhóm có 1.625 thành viên, chia sẻ, tuyên truyền trên 1.250 tin, bài về đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm chưa đúng về Đảng, Nhà nước, Công đoàn, các quy định mới của pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của CNVCLĐ. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh tích cực phối hợp với Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các huyện, thành phố tích cực xây dựng mô hình “Khu công nghiệp, cụm công nghiệp an toàn về an ninh trật tự”. Đến nay, toàn tỉnh có 7 trong 11 LĐLĐ huyện, thành phố, Công đoàn các khu công nghiệp đã ký kế hoạch phối hợp với Công an các huyện, thành phố. Hiện có 5 trong 11 LĐLĐ huyện, thành phố và Công đoàn các khu công nghiệp đã xây dựng, triển khai thực hiện tốt mô hình điểm “Khu công nghiệp, cụm công nghiệp an toàn về an ninh trật tự”. Công đoàn các cấp còn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức; hội nghị người lao động; tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Ngoài ra LĐLĐ tỉnh phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại doanh nghiệp. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng tham gia giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh từ việc trả lương, thưởng, tiền phép, tiền thưởng tết, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và một số nội dung khác có liên quan đến quyền lợi của người lao động. 

Đồng chí Ngô Chí Thục, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Thông qua các cuộc vận động, các phong trào công nhân và bằng nhiều biện pháp triển khai thực hiện cụ thể, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã vận động CNVCLĐ tham gia thực hiện tốt công tác phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong CNVCLĐ, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của người lao động. Thời gian tới, Công đoàn tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNVCLĐ. Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh triển khai, nhân rộng mô hình “Khu công nghiệp, cụm công nghiệp an toàn về an ninh trật tự” với nhiều hình thức, biện pháp đổi mới, sáng tạo hơn, hiệu quả hơn, huy động mọi nguồn lực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động, góp phần phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu, cụm công nghiệp, phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, thu nhập cho người lao động. Tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp; tăng cường tư vấn pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho công nhân lao động. Tích cực tham gia giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp lao động tập thể bảo đảm quyền lợi người lao động, gắn với phòng ngừa phát sinh tội phạm./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com