Phát triển mô hình hợp tác xã của cựu chiến binh, phụ nữ

08:06, 30/06/2021

Thời gian qua, hoạt động của các hợp tác xã (HTX) trong tỉnh đã đáp ứng nhu cầu xã hội, hướng đến mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh có 463 HTX trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế thu hút trên 382 nghìn thành viên là cá nhân, hộ gia đình và trên 500 nghìn lao động làm việc. Ngoài ra còn có các mô hình HTX đặc thù như: HTX của cựu chiến binh (CCB), HTX của phụ nữ, HTX của thanh niên, HTX của người khuyết tật, HTX chợ, HTX môi trường làng nghề, HTX của các trang trại, gia trại… cũng đóng góp quan trọng cho kinh tế tập thể của tỉnh.

Giới thiệu sản phẩm của các hợp tác xã tại Đại hội thành lập Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nam Định.
Giới thiệu sản phẩm của các hợp tác xã tại Đại hội thành lập Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nam Định.

HTX CCB Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) được thành lập năm 2014 với 21 thành viên là các CCB và con em của CCB, chủ các trang trại sản xuất nông nghiệp. HTX đã đẩy mạnh các hoạt động tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại; xác định được sản phẩm chủ lực là cây lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt. Nhờ tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết giữa các thành viên, liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp từ khâu cung ứng giống đến tiêu thụ sản phẩm, HTX đã xây dựng được thị trường ổn định, có sức cạnh tranh; mạnh dạn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên với các sản phẩm thóc gạo, lợn sạch, rau sạch, thủy sản cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh... Trung bình hàng năm, HTX đạt sản lượng 140 tấn lúa hàng hóa, lúa an toàn, 80 tấn thịt lợn sạch, 40 tấn cá, 300 tấn gà các loại; các sản phẩm sạch của HTX tăng từng năm. Trong quy trình chăn nuôi, sản xuất, từ khâu chọn giống, đất, nguồn nước đến thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn, thuốc thú y đều được thành viên HTX tuân thủ và được áp dụng theo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, sản phẩm của HTX đạt năng suất cao và đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, được tổ chức thu mua, tiêu thụ 100%. Đến nay, sản phẩm trong vùng sản xuất hàng hóa không đủ cung cấp theo yêu cầu của thị trường; thu nhập bình quân của hộ thành viên (2 lao động) đạt 80-100 triệu đồng/năm.

HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) được thành lập năm 2017. Là HTX kiểu mới do Hội Phụ nữ xã thành lập và điều hành, cán bộ, hội viên tự góp vốn, đất đai do các thành viên đóng góp còn hạn chế. Tuy vậy, với Hội đồng quản trị là đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ được đào tạo chính quy, qua 4 năm đi vào hoạt động, bằng sự quyết tâm, không quản ngại khó khăn, số lượng thành viên tham gia đã tăng lên. Các dịch vụ nông nghiệp chính của HTX bao gồm cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm sinh học, các chế phẩm công nghệ cao để áp dụng trong trồng trọt, đặc biệt là sản xuất cây cà chua, dưa lê, dưa hấu, cải bẹ, hành giống... Cán bộ HTX thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin và hướng dẫn các thành viên về thời vụ trồng, kỹ thuật canh tác, tình hình sâu bệnh; tư vấn cho bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: Dùng ni lông phủ mặt luống, tưới nước bằng vòi tự động, tăng bón các loại phân hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, chế phẩm công nghệ na no. Việc tổ chức sản xuất nông sản an toàn (rau hẹ, dưa, cà chua) theo chuỗi liên kết được đẩy mạnh. Phương châm hoạt động của HTX là lấy dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp là nền tảng cho tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; tư vấn kỹ thuật khoa học là đòn bẩy để tăng năng suất, chất lượng, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa; tổ chức sản xuất các loại rau an toàn theo chuỗi giá trị, từng bước mở rộng quy mô đi đôi với quản lý chất lượng. Vì vậy, HTX tăng cường vai trò giám sát chéo giữa các hộ thành viên để đảm bảo chất lượng sản phẩm; thường xuyên tập huấn, hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong mỗi tổ sản xuất. Một loại hình HTX đặc thù do phụ nữ làm chủ là HTX trồng cây dược liệu xã Hải Lộc (Hải Hậu). Những năm qua, cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ xã đã mạnh dạn đưa vào canh tác một số giống cây dược liệu như: đinh lăng, dây thìa canh đem lại giá trị kinh tế cao… Tuy nhiên, thời gian đầu, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ, máy móc, thiết bị chưa được đầu tư; kỹ thuật chăm sóc cây dược liệu chưa nghiêm ngặt và đảm bảo yêu cầu nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo, đầu ra chưa ổn định, hiệu quả kinh tế thấp. Từ chủ trương của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, được sự hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh, từ tháng 7-2014, HTX trồng cây dược liệu được thành lập, thu hút 30 xã viên là cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia; tổng diện tích canh tác là 150 sào chủ yếu là trồng cây dây thìa canh. Trung ương Hội hỗ trợ HTX một máy sấy dược liệu trị giá 90 triệu đồng. Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng mua phân bón, đồng thời phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn cho xã viên về quy trình, kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái đến chế biến theo công nghệ VietGap. Tham gia HTX trồng cây dược liệu, cán bộ, hội viên phụ nữ còn được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vốn quỹ tiết kiệm, đặc biệt là chính sách ưu tiên cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lãi. Hội viên còn được hướng dẫn quy trình kỹ thuật, đầu tư giống, phân bón, xây dựng hệ thống cọc chống, đỡ, giàn lưới… nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, thu nhập tăng gấp 5-6 lần so với trồng lúa. Mô hình HTX trồng cây dược liệu đã hỗ trợ hàng chục hội viên phát triển kinh tế nâng cao mức sống, thu nhập tạo điều kiện để phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Ngoài các HTX trên, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tăng cường phối hợp, hỗ trợ thành lập hàng chục mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác, HTX do phụ nữ quản lý; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành cho các thành viên của Ban quản trị các HTX. Tiêu biểu như HTX Tâm Sáng (thành phố Nam Định); HTX nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản Hải Đăng, xã Hải Lý; HTX chăn nuôi và cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch Sơn Hải, xã Hải Sơn (Hải Hậu)... Phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo, nhanh nhạy nắm bắt thị trường, các HTX của CCB, phụ nữ... đã tạo điều kiện cho các thành viên cải thiện điều kiện sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo hài hòa lợi ích với mục tiêu làm giàu cho các thành viên và tích lũy đầu tư phát triển cho HTX.

Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, trong đó có các mô hình HTX đặc thù của CCB, phụ nữ…, góp phần để kinh tế tập thể, HTX ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng trong kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com