Mô hình "Trường học hạnh phúc" góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

08:06, 30/06/2021

Lấy cảm hứng từ mô hình “Happy School” của UNESCO, mô hình “Trường học hạnh phúc” bắt đầu triển khai ở tỉnh ta từ năm học 2018-2019. Thực tiễn xây dựng mô hình đã dần khẳng định đây là một trong những giải pháp đắc lực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Cô và trò Trường Tiểu học Xuân Hồng (Xuân Trường) đọc sách giờ ra chơi sáng thứ Năm hàng tuần (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Cô và trò Trường Tiểu học Xuân Hồng (Xuân Trường) đọc sách giờ ra chơi sáng thứ Năm hàng tuần (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Tại Trường Tiểu học Hải Anh (Hải Hậu), từ nền tảng của phong trào xây dựng “trường học thân thiện - học sinh tích cực”, nhà trường đã từng bước xây dựng “Trường học hạnh phúc” theo từng tiêu chí cụ thể. Nhà trường luôn chú trọng tạo dựng cảnh quan môi trường “xanh - sạch - đẹp” để tạo không khí trong lành cho giáo viên, học sinh. Cây xanh ở vườn trường, sân trường được giao cho các lớp thường xuyên chăm sóc để vừa đảm bảo cảnh quan tươi xanh, vừa giáo dục tình yêu và ý thức bảo vệ thiên nhiên cho học sinh. Về phương pháp dạy học khuyến khích sử dụng phương pháp tương tác, gợi mở, giúp học sinh chủ động tìm hiểu và lĩnh hội tri thức mới; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào tiết dạy; lấy học sinh làm trung tâm để tiếp cận bài học. Các cuộc thi giáo viên giỏi, các tiết hội giảng, sinh hoạt chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học luôn được trường chỉ đạo sát sao và yêu cầu giáo viên nghiêm túc thực hiện. Các giải pháp thay đổi này bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Trong mỗi buổi học, thầy cô luôn thay đổi phương pháp dạy, tạo không khí lớp học thoải mái để học sinh dễ tiếp thu kiến thức và tiếp cận, lĩnh hội kiến thức một cách nhanh nhất. Sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương học sinh được thể hiện lồng ghép trong các hoạt động học tập, văn hóa - văn nghệ - thể thao và cả trong từng bữa ăn, giấc ngủ, tạo không khí thực sự hạnh phúc, làm cho học trò muốn đến lớp, nhớ thầy cô, nhớ trường...

Từ năm học 2018-2019, mô hình “Trường học hạnh phúc” được các trường trên địa bàn tỉnh vận dụng thực hiện tùy từng điều kiện cụ thể. Mô hình “Trường học hạnh phúc” được hình thành và phát triển trên cơ sở “Lớp học hạnh phúc” với 3 mục tiêu và 3 tiêu chí. 3 mục tiêu gồm: Học sinh đến trường có hứng thú, niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm, không áp đặt phát triển theo khuôn mẫu mà giáo viên đóng vai trò định hướng để trẻ được làm những gì mình yêu thích và say mê; Thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh về đạo đức, trí tuệ, nghị lực; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giúp giáo viên nhận thức được sứ mệnh của người thầy, luôn luôn tự học, tìm tòi, sáng tạo, đặc biệt chú ý đến “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức giáo viên vì một trường học hạnh phúc”. 3 tiêu chí gồm: An toàn (Trường học phải được an toàn về thể chất và tinh thần. Giáo viên và học sinh phải được bảo vệ. Nhà trường không có bạo lực học đường); Tôn trọng (Tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới, không áp đặt, không đem giá trị của cá nhân để áp đặt cho cái chung. Tôn trọng sự khác biệt để phát huy sáng tạo và đổi mới); Yêu thương (Thầy, cô quan tâm đến đồng nghiệp, quan tâm đến học trò và học sinh quan tâm đến nhau. Mỗi người có thuận lợi, khó khăn riêng. Do đó sự chia sẻ cho đi, nhận lại sẽ tạo ra một sự gần gũi và gắn kết mọi người với nhau. Thầy, cô tin tưởng đồng nghiệp, tin tưởng học sinh và ngược lại...). Tất cả các tiêu chí và mục tiêu nhằm mục đích lan tỏa những giá trị: Yêu thương, An toàn và Tôn trọng trong các nhà trường. 

Thầy Nguyễn Văn Toản, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Hồng (Xuân Trường) cho biết: “Việc triển khai mô hình đã làm thay đổi về nhận thức trong việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường và cộng đồng; đặc biệt là nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động cho học sinh; làm thay đổi về nhận thức của cha mẹ học sinh trong việc phối hợp với nhà trường để tổ chức các hoạt động ngoại khóa của học sinh... Nhà trường cũng xây dựng và duy trì mối quan hệ thân thiện, tích cực giữa các thành viên trong nhà trường; Ban Giám hiệu; giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với cha mẹ học sinh. Học sinh đến trường được khuyến khích chủ động, tích cực tham gia các hoạt động, mạnh dạn nói điều học sinh suy nghĩ, chia sẻ với thầy cô, bạn bè; được tôn trọng những sự khác biệt của bản thân và không bị so sánh với các học sinh khác”.

Mô hình “Trường học hạnh phúc” đã và đang tạo cơ hội cho các nhà trường và đội ngũ nhà giáo đổi mới, thực hiện phương pháp giáo dục và ứng xử các tình huống sư phạm phù hợp, đảm bảo các quy định về đạo đức nhà giáo và giáo dục học sinh đạt hiệu quả. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình này hiệu quả, giáo viên phải tích cực tự học, tự rèn luyện, bổ sung kỹ năng nghiệp vụ, nâng cao năng lực ứng xử sư phạm. Giáo viên cũng phải chuyển đổi phương pháp dạy, học, đọc, chép sang dạy học tương tác, không áp đặt mặc định “thầy cô luôn đúng”, cùng học sinh phân tích mổ xẻ vấn đề của bài học; mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới, đồng thời cũng không đánh mất vai trò trung tâm của người thầy, giáo viên cần chủ đạo định hướng, gợi mở cho học sinh chủ động tìm kiếm những thông tin liên quan đến bài học. Bên cạnh đó, các nhà trường phải tổ chức các hoạt động tìm hiểu cuộc sống, gia cảnh của giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh và cán bộ công nhân, viên chức trong trường bằng các phương pháp: Tổ chức đối thoại; tìm hiểu và lắng nghe; vận động và hiến kế; nói đi đôi với làm; trưng cầu, thăm dò và phản hồi dư luận... Tiêu biểu trong thực hiện mô hình có thể kể đến một số trường: Tiểu học Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), Tiểu học Xuân Hồng (Xuân Trường), Tiểu học Hải Anh (Hải Hậu), Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định)... 

Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện mô hình tại các trường cho thấy không ít khó khăn: Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chưa đồng đều về chất lượng. Một số cán bộ, giáo viên cao tuổi còn chậm, chưa bắt nhịp được với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội cũng như yêu cầu ngày càng cao của giáo dục, điều này tác động không nhỏ đến cách thức thực hiện, phương pháp giáo dục học sinh trong giai đoạn hiện nay. Việc phối hợp giáo dục giữa giáo viên và gia đình học sinh chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều gia đình vì quá chú trọng tới làm ăn kinh tế, không có hoặc ít dành thời gian cho con cái, hoặc quá ỷ lại vào nhà trường trong việc giáo dục nhân cách các em, dẫn tới các em không được kịp thời bảo vệ và định hướng, không phòng ngừa được những hành vi lệch chuẩn của các em. Một số trường cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh phí triển khai hạn hẹp...

Để mô hình “Trường học hạnh phúc” sớm được nhân rộng, cần nâng cao nhận thức của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ. Có giải pháp khắc phục tồn tại một cách hiệu quả để mô hình thực sự được lan tỏa, hiệu quả, ý nghĩa, đảm bảo với học sinh, giáo viên “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, trường học thực sự là “nơi ước đến, chốn mong về” của đông đảo học sinh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com