Những cựu binh trên mặt trận mới

04:06, 11/06/2021

Sau những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt trên các chiến trường, những thương binh, bệnh binh trở về đời thường mang trên mình nhiều thương tật. Đất nước hòa bình, những người lính Cụ Hồ lại kiên cường trên trận tuyến mới, tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng quê hương. “Tàn nhưng không phế” họ chính là những thương binh bình dị tỏa sáng giữa đời thường.

Ông Phạm Ngọc Cầu (81 tuổi), xã Bạch Long (Giao Thủy) bệnh binh mất sức 61% và nhiễm chất độc hóa học Dioxin là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế ở địa phương.
Ông Phạm Ngọc Cầu (81 tuổi), xã Bạch Long (Giao Thủy) bệnh binh mất sức 61% và nhiễm chất độc hóa học Dioxin là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế ở địa phương.

Ở xóm Đông, xã Thành Lợi (Vụ Bản), nhiều người cảm phục bệnh binh Vũ Nguyên Bình (65 tuổi) bởi ông là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Năm 1976, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên trẻ Vũ Nguyên Bình đã tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 26, Thiết giáp thuộc Quân khu 9. Vào quân ngũ, Vũ Nguyên Bình không chỉ được tham gia lớp học về chế tạo và sửa chữa xe tăng, mà còn trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, tham gia quân tình nguyện, giải phóng Thủ đô Phnômpênh (Campuchia). Năm 1979, ông dính mìn và bị thương khi đang làm nhiệm vụ. Sau thời gian điều trị vết thương, ông được điều về làm trợ giáo Trường Huấn luyện xe tăng Quân khu 9. Năm 1981, vết thương tái phát, ông được chuyển ra nghỉ dưỡng tại Đoàn 586, Quân khu 3, Tỉnh Đội Hà Nam Ninh. Xuất ngũ năm 1982 với tỷ lệ thương tật là 65%, bệnh binh Vũ Nguyên Bình trở về quê hương, lập gia đình riêng và bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Năm 1988, ông Bình mạnh dạn thuê đất của nhà dân cùng xóm đầu tư xây dựng tổ hợp đồ gỗ, chuyên chế tạo máy dệt, phục vụ đắc lực cho nghề dệt truyền thống của địa phương, tạo việc làm cho 10 lao động là những đồng đội cùng “vào sinh ra tử” với ông. Năm 1994, ông Bình chuyển sang làm hàng đồ gỗ dân dụng. Ngoài ra, ông đã đầu tư mua máy xay xát gạo và thành lập 4 cơ sở thu mua lương thực trên địa bàn xã Thành Lợi, vừa là phục vụ xay xát gạo, vừa thu mua thóc gạo dư thừa của nhân dân. Năm 2004, ông thuê 540m2 đất công của xã để thành lập xưởng cơ khí, chuyển sang sản xuất máy ép gạch bê tông. Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chế tạo máy, nên những năm đầu sản xuất, ông Vũ Nguyên Bình gặp rất nhiều khó khăn. Máy làm ra và đưa vào sản xuất thử nghiệm đều không thành công, gạch ép ra đều bị vỡ. Sau 3 năm nghiên cứu, vừa học, vừa làm, cơ sở cơ khí của ông đã sản xuất thành công máy ép gạch bê tông và được thị trường ưa chuộng. Nhờ sự năng động, chịu khó của bản thân, nên thu nhập của gia đình bệnh binh Vũ Nguyên Bình tăng dần. Trong đó, có nhiều năm thu nhập đạt từ 500 đến 700 triệu đồng mỗi năm.  Bên cạnh việc phát triển kinh tế, bệnh binh Vũ Nguyên Bình còn mang nghề mộc về địa phương, ông dạy nghề và chuyển giao kỹ thuật cho nhiều xưởng mộc trên địa bàn xã.

Ở xóm 11, xã Giao Hà (Giao Thuỷ), ông Doãn Đức Thành, thương binh hạng 3/4 luôn nỗ lực vươn lên, vừa làm kinh tế giỏi vừa tích cực tham gia các phong trào của địa phương, nhất là tham gia xây dựng NTM, hỗ trợ giống, vốn giúp nhân dân thoát nghèo. Tháng 9-1971, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong một trận chiến ác liệt với quân địch, ông bị thương vùng đầu. Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Quân y 112, ông được chuyển về Đoàn 586 điều dưỡng và đến tháng 12-1979 ông xuất ngũ. Trở về địa phương ông tham gia sản xuất nông nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Năm 1990, tình cờ trong một lần đến thăm đồng đội cũ, sau cuộc trò chuyện ôn lại những kỷ niệm chiến trường ông được nghe người đồng đội giới thiệu về mô hình trồng cây đinh lăng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về nhà, ông tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật trồng trọt, có vốn kiến thức ông quyết định đưa cây đinh lăng về trồng trong vườn nhà. Đất không phụ công người, đinh lăng phát triển tốt. Sau 7 năm cây cho thu hoạch, bình quân mỗi sào thu được gần một tấn sản phẩm đinh lăng (cả lá, thân cây lẫn củ). Ngay vụ đầu tiên, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng. Cứ vậy ông tiếp tục phát triển thêm các loại cây dược liệu khác. Không chỉ trồng đinh lăng để tận dụng hết diện tích đất trống, ông Thành tiếp tục thí điểm và thành công với mô hình trồng cây hòe. Ông dành khoảng 1.500m2 đất trồng trên 200 gốc hòe. Hiện nay, nguồn thu từ đinh lăng và hòe, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 70 đến 100 triệu đồng. Bên cạnh phát triển kinh tế, với tinh thần và trách nhiệm của bản thân trong công việc cộng đồng dân cư, năm 2010, ông Thành được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ xóm 11. Với cương vị được giao, ông luôn hết lòng với công việc, không ngại khó khăn vất vả. Ông khuyến khích, vận động anh em, bạn bè, người dân trong xóm 11 và một số xóm khác tham gia đấu thầu đất chuyển đổi để trồng cây dược liệu, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ người khó khăn trồng cây, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, ông luôn nêu cao tinh thần tự giác, vận động đảng viên trong xóm tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Ông đã cùng với ban chi ủy xóm tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay góp sức hoàn thiện các tiêu chí về NTM, tập trung xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông xóm, hiến đất làm đường giao thông nội đồng.

Trong số các thương binh, bệnh binh tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình ở xã Bạch Long (Giao Thuỷ) phải kể đến ông Phạm Ngọc Cầu (81 tuổi) là bệnh binh mất sức 61% và nhiễm chất độc hóa học Dioxin. Tháng 2-1960, ông Phạm Ngọc Cầu nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường phía Nam. Hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đến năm 1977, ông xuất ngũ trở về địa phương tham gia phát triển kinh tế gia đình. Những ngày đầu về địa phương, ông Phạm Ngọc Cầu đã trăn trở suy nghĩ tìm kế phát triển kinh tế lâu dài. Ông nhận thấy trên địa bàn xã chưa có một cơ sở nào đứng ra thu mua muối của diêm dân nên ông đã nghĩ đến hướng xây dựng kho chứa muối, bao tiêu các sản phẩm cho diêm dân. Ông đã chịu khó tìm tòi, học hỏi các công đoạn thu mua, bao tiêu sản phẩm và bán buôn cho các đầu mối. Nhờ nhanh nhạy trong giới thiệu sản phẩm, cơ sở của ông đã dần có lượng khách hàng ổn định. Với những nỗ lực, quyết tâm của ông, cơ sở thu mua muối của ông Cầu đã cung cấp nguồn hàng cho khắp các tỉnh, thành phố miền Bắc như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng… Bình quân hàng năm, cơ sở thu mua của diêm dân trong vùng từ 3.000-3.500 tấn muối. Có vốn, ông tiếp tục mở rộng quy mô xưởng và đầu tư thêm thiết bị máy móc để chế biến các sản phẩm muối sạch, muối i-ốt, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bên cạnh nghề muối, từ năm 1985 ông đầu tư thời gian học hỏi trồng cây cảnh tạo thế… Gần đây, thị trường muối trầm lắng, ông chuyển hẳn sang lĩnh vực phát triển kinh tế sinh vật cảnh cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, vườn cây cảnh của ông Cầu có hàng trăm loại với giá trị kinh tế ước tính hàng tỷ đồng. Là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Bạch Long, ông đã mở nhiều lớp dạy trồng cây cảnh, tạo thế… trong đó gần 40% số học viên tham gia là các thương binh, bệnh binh ở xã.

Vượt qua nỗi đau về thể xác do di chứng của chiến tranh để lại, các thương binh, bệnh binh đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trở thành những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com