Mang yêu thương đến với trẻ khuyết tật

07:06, 11/06/2021

Với trách nhiệm và nhiệt huyết của mình, nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định luôn tận tình chăm sóc, giảng dạy, ứng dụng các phương pháp trị liệu tối ưu giúp trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng. 

Một buổi học của cô và trò Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Một buổi học của cô và trò Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Ông Trần Hải, Giám đốc Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định cho biết: Thời gian đầu đi vào hoạt động, hơn 40 người tình nguyện tham gia công tác tại trung tâm không hưởng lương, phụ cấp. Mỗi năm trung tâm đã tiếp nhận hàng chục trẻ em khuyết tật (chủ yếu trẻ khuyết tật vận động) để can thiệp trị liệu, dạy văn hoá và các nghề may, tin học… Năm 2006, Hội từ thiện Vì Tâm của Pháp do bà Silvitoucas làm Chủ tịch đã hỗ trợ xây dựng trung tâm với 1 toà nhà 3 tầng, 6 phòng học. Cơ sở vật chất khá đồng bộ đã nâng cao chất lượng dạy học và điều trị cho trẻ em. Từ năm 1996-2010, Trung tâm đã cứu chữa, trị liệu cho hàng nghìn trẻ khuyết tật vận động tái hoà nhập cộng đồng; hơn 30 em khuyết tật nhẹ sau khi học nghề may ở Trung tâm có việc làm tại các công ty, cơ sở may. Đến nay, nhiều học sinh khuyết tật vận động của trung tâm đã trưởng thành, tự nuôi được bản thân và gia đình như các anh: Nguyễn Tuấn Anh (27 tuổi), khuyết tật 2 chân, mở doanh nghiệp quảng cáo; Vũ Văn Tuấn (28 tuổi) kinh doanh dép ở thành phố Nam Định… Từ năm 2011 đến nay, số trẻ khuyết tật vận động giảm nhiều, Trung tâm tập trung tiếp nhận các cháu câm điếc, mắc bệnh tự kỷ, down, rối loạn tâm thần với số lượng từ 50-70 cháu mỗi năm. Để đảm bảo điều kiện khám, chữa bệnh và dạy cho trẻ khuyết tật, năm 2014, Trung tâm được Nhà nước Cô-oét tài trợ xây dựng 7 bể thủy trị liệu và nhà phục hồi chức năng trị giá 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm tạo điều kiện cho giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về chăm sóc trẻ khuyết tật của Trung ương Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam và Bộ LĐ-TB và XH tổ chức; đồng thời gửi nhiều lương y, y tá, giáo viên lên Viện nghiên cứu khoa học giáo dục chuyên biệt để học tập các phương pháp điều trị phù hợp như châm cứu kết hợp dạy ngữ âm; dạy nói và dạy chữ chỉ có một cô, một trò. 

Hiện nay, Trung tâm tiếp nhận 50 trẻ khuyết tật trí tuệ chia thành 7 lớp, dạy nhóm từ 3-5 cháu phân theo mức độ bệnh tật của học sinh, trong đó lớp cá biệt chỉ một cô - một trò. Hàng tuần lãnh đạo Trung tâm dự giờ từng lớp; 3 tháng 1 lần làm công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy của giáo viên; định kỳ 6 tháng tổ chức sát hạch, kiểm tra sự tiến bộ của từng trẻ để đánh giá hiệu quả giáo dục. Nhờ cách làm bài bản, đến nay chất lượng dạy học, điều trị cho trẻ khuyết tật ở Trung tâm đã có nhiều chuyển biến, giúp các em sớm hoà nhập cộng đồng. Theo báo cáo của Trung tâm, hơn 70% trẻ em khuyết tật điều trị tại Trung tâm có tiến triển tốt, phục hồi được chức năng vận động, nghe nói; biết tự chăm sóc mình và giao tiếp đơn giản. Cô Nguyễn Thị Tú (61 tuổi), Trưởng ban giáo vụ, Trưởng bộ phận y tế trị liệu ngôn ngữ đã công tác 13 năm tại Trung tâm chia sẻ: “Mỗi cháu đến với Trung tâm có đặc thù riêng về bệnh tật, khác nhau về điều kiện, hoàn cảnh gia đình. Điều quan trọng với người thầy thuốc là phải “bắt” đúng bệnh của mỗi cháu để có phương pháp trị liệu phù hợp, trong đó phải tạo được sự gần gũi, thân thiện để trẻ sẵn sàng hợp tác với thầy thuốc trong quá trình điều trị”... Những cháu bị câm, điếc được điều trị kết hợp nhiều phương pháp vừa dùng tâm lý trị liệu và y học trị liệu, vừa xoa bóp, bấm huyệt giúp kích thích dây thần kinh ngoại biên, dạy phát âm giúp các cháu rèn luyện cơ miệng, cơ môi. Đối với những trường hợp chậm nói do mắc bệnh tự kỷ, bên cạnh phương pháp y học trị liệu, cô Tú và đồng nghiệp còn sử dụng các biện pháp tâm lý học để động viên, khuyến khích các cháu mạnh dạn trong giao tiếp, từ đó phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ. Bằng tấm lòng thương yêu, chia sẻ, sự kiên trì, nhẫn nại, từ năm 2008 đến nay, mỗi năm lương y Nguyễn Thị Tú đã can thiệp giúp 3-6 trẻ hoà nhập cộng đồng; nhiều trẻ câm, điếc đã biết nói được chuyển đến Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh để tiếp tục học nghề theo nguyện vọng. Một trong số câu chuyện xúc động mà lương y Nguyễn Thị Tú chia sẻ đó là trường hợp cháu Phạm Quang Khoa ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Cháu bị mắc bệnh chậm nói, sau khi được người thân giới thiệu, gia đình đã đưa Khoa ra Trung tâm. Được lương y Nguyễn Thị Tú trực tiếp trị liệu cho cháu kết hợp châm cứu, bấm huyệt, dạy cách phát âm. Sau ba tháng chữa trị tích cực, cháu đã bập bẹ gọi “Mẹ… cho... con ăn…”. Qua hai kỳ (mỗi kỳ khoảng bốn tháng) chữa trị tại Trung tâm, cháu phục hồi được chức năng nghe nói, thuộc một số bài hát thiếu nhi đơn giản. Khi kết thúc thời gian học và trị liệu tại Trung tâm, Khoa đã viết những dòng lưu bút đầy xúc động: “Cháu tên là Phạm Quang Khoa, 7 tuổi. Cháu đến Trung tâm chữa bệnh chậm nói, nay cháu đã đọc, viết được. Cháu rất cảm ơn các ông, bà, cô chú của Trung tâm”. 

Cùng chung tay góp sức với cán bộ, lương y, giáo viên của Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định là những tấm lòng hảo tâm. Hàng năm Trung tâm đón nhận 4-6 lượt tài trợ, ủng hộ tiền, hiện vật từ các nhà hảo tâm, hội từ thiện trong và ngoài tỉnh như: Hội từ thiện chùa Vọng Cung, Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định, Công ty Cổ phần D&J Nam Định, Công ty Cổ phần Nam Tiệp, Trường Mầm non Hoa Sữa… Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Trung thu, Trung tâm phối hợp với các nhà trường trên địa bàn như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định) tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, động viên các em khuyết tật tại Trung tâm tiếp tục kiên trì học tập, trị liệu. Hoạt động giao lưu còn giúp các em học sinh các nhà trường trải nghiệm tình yêu thương, sự cảm thông chia sẻ cộng đồng với những số phận kém may mắn như các em.

Bằng tấm lòng yêu trẻ, cảm thông với từng số phận và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, những cán bộ, lương y, giáo viên ở Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định đã tạo dựng được niềm tin cuộc sống cho nhiều trẻ em thiếu may mắn, giúp các em có cơ hội hòa nhập cộng đồng, trở thành địa chỉ tin cậy, mái ấm tình thương cho trẻ em khuyết tật./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com