Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

08:08, 28/08/2020

Thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, từ năm 2017 đến nay các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong nhân dân. 

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “Một cửa” UBND xã Trực Hùng (Trực Ninh).
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “Một cửa” UBND xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Ngay sau khi, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8-5-2017, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các kế hoạch, văn bản hướng dẫn thực hiện hàng năm. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của các sở, ngành, đoàn thể và địa phương trong triển khai xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật tập trung phối hợp chặt chẽ với Phòng Tư pháp các huyện, thành phố hướng dẫn, thực hiện, giải đáp các vấn đề phát sinh xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; chỉ đạo, tập trung triển khai các hoạt động xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại 1 đơn vị cấp xã để xây dựng xã điểm đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. 

Xã Trực Hùng là một trong những xã, thị trấn của huyện Trực Ninh được xét công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng chí Hoàng Văn Đan, Chủ tịch UBND xã cho biết, với những thủ tục hành chính liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân như: đăng ký giấy khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực… công chức Bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả” luôn cố gắng giải quyết nhanh chóng trong ngày, tránh quá hạn. Mọi chủ trương của xã đều được công khai để người dân theo dõi, nắm bắt, giám sát việc thực hiện, tạo được sự đồng thuận, các thủ tục, hồ sơ được niêm yết công khai rõ ràng, thuận tiện để người dân theo dõi. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, công chức Tư pháp - Hộ tịch của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn quản lý; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai xây dựng, thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật, nhất là những tiêu chí, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực Tư pháp (như phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, ban hành văn bản quy phạm pháp luật...); tổ chức đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Xác định công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận là nhiệm vụ quan trọng, Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị phổ biến, giới thiệu về nội dung cơ bản, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tới đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; biên soạn 20 tin, bài tuyên truyền về tình hình triển khai và kết quả thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên trang thông tin điện tử của Sở, Bản tin Tư pháp. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền các nội dung về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại hơn 100 buổi, hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên và nhân dân. Hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Tư pháp cho công chức Phòng Tư pháp cấp huyện và cán bộ, công chức Tư pháp - Hộ tịch của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó đã in ấn, cấp phát 480 cuốn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tới 10 Phòng Tư pháp và 226 xã, phường, thị trấn của tỉnh; đồng thời phối hợp với UBND huyện Trực Ninh tổ chức hội nghị tuyên truyền, quán triệt thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho hơn 200 đại biểu là thành viên Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật, lãnh đạo UBND, công chức Tư pháp - Hộ tịch và trưởng Công an các xã, thị trấn. Thực hiện sự chỉ đạo của Sở, Phòng Tư pháp cấp huyện đã chủ động tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn; tăng cường thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở để nhân dân hiểu rõ và cùng thực hiện, giám sát. Theo quy định, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được đánh giá bằng 5 tiêu chí, gồm: bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã; thực hiện dân chủ ở cơ sở; hòa giải ở cơ sở. Mỗi tiêu chí có các chỉ tiêu riêng, được đánh giá trên tổng điểm 100. Trên cơ sở kết quả tự chấm của cấp xã, năm 2019, Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện đã thẩm tra, đánh giá toàn tỉnh có 219 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm tỷ lệ 95,63%./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com