Quản lý, khai thác hiệu quả tủ sách pháp luật

07:07, 31/07/2020

Tủ sách pháp luật là nơi lưu giữ, khai thác tài liệu pháp luật nhằm giúp tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao kiến thức cho cán bộ, đảng viên, người dân ở cơ sở. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet và các phương tiện truyền thông hiện đại, mô hình tủ sách pháp luật hiện nay đang bộc lộ nhiều hạn chế, gây lãng phí đầu tư từ ngân sách.

Cán bộ xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) kiểm tra, sắp xếp tài liệu tại tủ sách pháp luật tại UBND xã.
Cán bộ xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) kiểm tra, sắp xếp tài liệu tại tủ sách pháp luật tại UBND xã.

Từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 355/1999/QĐ-TP ngày 22-11-1999 của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo “Quy chế xây dựng quản lý khai thác tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn”, đến nay mỗi đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh đều có tủ sách pháp luật. Ngoài ra, tất cả các cơ quan Nhà nước, tổ chức đoàn thể, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang cũng được trang bị tủ sách pháp luật để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, cán bộ, công chức Nhà nước, học sinh, sinh viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, tủ sách pháp luật ở nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu tồn tại hình thức, chưa thu hút người dân tới đọc, tìm hiểu thông tin pháp luật. Khảo sát về tình hình trang bị và sử dụng tủ sách pháp luật, chúng tôi đến trụ sở UBND xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc). Tại đây, tủ sách pháp luật được đặt ngay ở bộ phận “Một cửa”, trang bị rất nhiều đầu sách pháp luật về nhiều lĩnh vực như: Hành chính, dân sự, tư pháp, hình sự, đất đai, hôn nhân và gia đình… cùng với các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, dù có nhiều người đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” song không thấy ai tìm đến tủ sách pháp luật để tìm hiểu, tra cứu văn bản pháp luật. Đồng chí Lê Công Toán, Phó Chủ tịch HĐND xã Mỹ Thịnh, cho biết: Tủ sách pháp luật của xã hiện nay có gần 100 đầu sách với gần 200 cuốn song thường chỉ có cán bộ, công chức xã tra cứu, tìm hiểu khi có nhu cầu xử lý công việc. Ngoài ra, không có người dân tìm đến tủ sách pháp luật để tra cứu văn bản. Còn đối với những người đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa”, nhìn thấy tủ sách cũng không mấy quan tâm. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân cho rằng không có nhu cầu, hoặc viện lý do hình thức trình bày tủ sách pháp luật chưa thật sự hấp dẫn, khó đọc... Không riêng gì khu vực nông thôn, tình trạng thờ ơ với tủ sách pháp luật cũng phổ biến tại khu vực thành phố Nam Định. Tại UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố dù tủ sách pháp luật được đặt ngay bộ phận “Một cửa”, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, người dân tới đây làm thủ tục hành chính hầu như không ngó ngàng gì tới. Ông Trần Văn Thắng, ở phường Hạ Long (thành phố Nam Định) đến làm thủ tục tại bộ phận “Một cửa” cho biết: Tôi chủ yếu đến UBND phường để làm thủ tục công chứng, còn tủ sách pháp luật thì tôi chưa quan tâm đến vì đọc và nghiên cứu sách ở đây sẽ mất nhiều thời gian. Trong khi đó, hiện nay mạng internet rất phát triển, cập nhật nhanh các văn bản pháp luật, chỉ với chiếc điện thoại thông minh tôi có thể tìm hiểu thông tin pháp luật ở bất cứ nơi đâu có kết nối internet.

Mặc dù, số lượng sách hàng năm được cấp về các địa phương khá lớn, mỗi năm, Sở Tư pháp cấp 5 tủ sách pháp luật và 60 đầu sách cho một số xã, thôn trên địa bàn tỉnh và các tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, nhiều tủ sách pháp luật không phát huy tác dụng như kỳ vọng trong việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật. Trước những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện tủ sách pháp luật trên cả nước, ngày 13-3-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về “Xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật”. Ngày 6-6-2019, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 14 của Thủ tướng Chính phủ mục đích chính là nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, nâng cao giá trị sử dụng, khai thác sách, tài liệu thông qua tủ sách pháp luật điện tử quốc gia. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch… phối hợp với các ban, ngành chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả, xác định nhu cầu sử dụng, khai thác tủ sách pháp luật; thực hiện quy trình cập nhật sách, tài liệu pháp luật trên tủ sách pháp luật điện tử quốc gia, xác định nhu cầu sử dụng tủ sách pháp luật tại các địa phương, đơn vị để có giải pháp hiệu quả.

Bên cạnh đó các ngành chức năng cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới cơ chế vận hành và cách thức tổ chức phục vụ, thu hút người dân đến đọc, tìm hiểu. Tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21-4), Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11). Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới người dân trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com