Nới lỏng giãn cách xã hội nhưng không chủ quan trước dịch COVID-19

07:04, 28/04/2020

Thời gian qua, để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng, các cấp chính quyền trên địa bàn thành phố Nam Định đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội đã xuất hiện tình trạng người dân chủ quan trong phòng, chống dịch.

Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) thực hiện đo thân nhiệt đối với người dân khi vào chợ tạm Cầu Sắt.  Ảnh: Việt Thắng
Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) thực hiện đo thân nhiệt đối với người dân khi vào chợ tạm Cầu Sắt. Ảnh: Việt Thắng

Hiện tại, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở thành phố Nam Định đã được phép hoạt động trở lại. Vì vậy, một bộ phận người dân đã chủ quan, vội vàng từ bỏ nỗ lực “ở yên trong nhà” để lặp lại thói quen sinh hoạt bên ngoài, bất chấp những nỗi lo từ dịch bệnh vẫn rất phức tạp, có nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Trên các đường phố ở thành phố Nam Định đã tấp nập người và xe, trong đó có nhiều nhóm thanh niên tập trung đi lại. Ở vỉa hè một số tuyến đường và trên bờ đê sông Đào, người dân ở mọi lứa tuổi tập thể dục, trong số đó có nhiều nhóm người tụ tập ở khoảng cách gần nhưng không đeo khẩu trang. Cứ khoảng 4 giờ chiều, ông Phong nhà ở đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) lại bê bàn cờ tướng ra vỉa hè ngồi chơi cùng mọi người. “Anh em chúng tôi đều là hàng xóm láng giềng, nghỉ chơi một thời gian rồi nên thấy buồn chân buồn tay. Với lại Nam Định có ai bị nhiễm dịch bệnh đâu chúng tôi lại hầu hết đều có tuổi nên chẳng có ai đi đến đâu ra khỏi nhà nên cũng không phải lo lắm” - Ông Phong cho biết. Còn bà Nga, ở đường Trần Nhân Tông do có thói quen đi bộ nên ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, bà quay trở lại việc tập luyện. Do không quen đeo khẩu trang nên cả quãng đường dài đi bộ trên vỉa hè, dù thỉnh thoảng dừng lại nói chuyện khi gặp người quen, bà và mọi người đều thấy “bình thường”. Trong ngõ và tại các khu chợ dân sinh, hoạt động buôn bán diễn ra nhộn nhịp. Dường như một bộ phận người dân đang chủ quan với dịch bệnh, bất chấp sự an toàn của chính mình, người thân và cộng đồng. Tại các quầy bán thực phẩm, hoa quả, rau, người dân chen nhau mua bán như trước khi có dịch bệnh. Qua quan sát, vẫn còn tình trạng người ra chợ không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách và không bảo đảm giữ khoảng cách an toàn. Chị Trang bán hoa quả ở chợ Văn Miếu cho biết: “Những ngày gần đây nhiều người không đeo khẩu trang khi đến mua hàng, nhưng vì giữ khách nên mình chỉ nhắc những khách quen và tự phòng cho mình bằng cách hạn chế nói chuyện và đeo khẩu trang”. 

Đến thời điểm này, tỉnh ta chưa ghi nhận trường hợp có xét nghiệm dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Sự chủ quan của người dân là nguy cơ tiềm ẩn sự bùng phát dịch bệnh trở lại. Bài học về sự chủ quan tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến họ phải chịu sự bùng phát của dịch bệnh giai đoạn 2. Vì vậy, nếu người dân tiếp tục thờ ơ, không nghiêm chỉnh chấp hành, nguy cơ các giải pháp chống dịch bị vô hiệu hóa là rất cao. Và nếu tình trạng chủ quan tiếp tục diễn ra sẽ xóa bỏ toàn bộ thành quả đã đạt được từ những nỗ lực trong chỉ đạo, quản lý điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự đoàn kết, chung tay, sự hy sinh của đội ngũ y bác sĩ, của lực lượng quân đội, công an và các tình nguyện viên nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho nhân dân.  Công cuộc này không đòi hỏi hay bắt buộc người dân phải làm việc hay cống hiến quá nhiều, mà chỉ bằng những việc đơn giản như: không ra đường khi không thật cần thiết; tạm gác lại những hoạt động vui chơi, giải trí hàng ngày; nhắc nhở nhau thực hiện các việc phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên…

Trước tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành về tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, không lơ là, chủ quan; đồng thời thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Xác định phòng, chống dịch bệnh là lâu dài, các cấp, các ngành tập trung khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách đối với người khác, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khai báo y tế, không tụ tập đông người và các khuyến cáo khác của Bộ Y tế. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu được hoạt động, chợ dân sinh phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế. Các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ được phép hoạt động nhưng phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tạm dừng các lễ hội, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông người… Người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch bệnh, nên tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân trước dịch bệnh. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa nhằm thực hiện triệt để và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, cũng như không để tái diễn vi phạm các quy định khi thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội./.

Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com