Chuyển mình ở một vùng quê biển

08:04, 27/04/2020

Trong khí thế sôi nổi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 45 năm Chiến thắng 30-4, về thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), chúng tôi cảm nhận sự chuyển mình ở một vùng quê biển anh hùng. Khí thế hào hùng của những tháng năm không thể nào quên như đang đồng vọng cùng những đổi thay mạnh mẽ của nông thôn mới (NTM) Thịnh Long hôm nay.

Diện mạo nông thôn mới thị trấn Thịnh Long.
Diện mạo nông thôn mới thị trấn Thịnh Long.

Cán bộ thị trấn đưa chúng tôi đến gặp đồng chí Phạm Văn Tuyển, nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn. Đã 83 tuổi nhưng ông Tuyển vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Những năm tháng hào hùng ấy, ông từng là Tiểu đội phó du kích, sau đó là Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn. Ông cho biết, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thị trấn Thịnh Long là nơi hứng chịu bom đạn nhiều nhất của cả tỉnh, bởi máy bay Mỹ sau khi vào đất liền oanh tạc các mục tiêu, trước khi tháo chạy, còn bao nhiêu bom đạn, chúng đều trút hết xuống vùng biển này. Từ năm 1965 đến năm 1972, đế quốc Mỹ đã trút xuống mảnh đất “đầu sóng” này hơn 700 tấn bom đạn các loại. Đảng bộ thị trấn đã lãnh đạo quân, dân Thịnh Long kiên cường vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Các chiến sĩ dân quân tay cày, tay lưới, tay súng, giặc đi là sản xuất, giặc đến là đánh. Trên mảnh đất nóng bỏng căm hờn này, quân dân Thịnh Long đã anh dũng đánh trả hải quân, không quân Mỹ trên 500 trận; đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội chiến đấu bắn rơi 2 máy bay phản lực Mỹ, phối hợp cùng đơn vị bạn bắn rơi 6 chiếc khác và bắn cháy 1 tàu chiến Mỹ. Đồng thời chi viện 5.226 tấn lương thực, 52 nghìn tấn muối và hơn 1.550 tấn thực phẩm, hải sản cho tiền tuyến lớn ở miền Nam. Tổng kết 10 năm chống Mỹ cứu nước, đảng bộ, chính quyền, các tập thể, cá nhân Thịnh Long được tặng thưởng 13 Huân chương các loại, hàng chục Bằng khen, Cờ thi đua; 2 liệt sĩ được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 2 bà mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Với những thành tích đạt được, năm 1973, Thịnh Long được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Truyền thống cách mạng của quê hương đã và đang được các thế hệ cán bộ, nhân dân Thịnh Long phát huy, tiếp nối trên mặt trận kinh tế, xây dựng quê hương đổi mới. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được thị trấn thực hiện đạt hiệu quả cao. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Thịnh Long đã tích cực chuyển đổi các vùng sản xuất theo quy hoạch, điều chỉnh cơ cấu về mùa vụ, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống và cơ giới hóa sản xuất để nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giá trị nông sản. Hiện trên địa bàn thị trấn đã hình thành 5 vùng sản xuất lúa tập trung, 4 vùng trồng rau màu và hàng chục “cánh đồng lớn liên kết với doanh nghiệp”. Tổng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác năm 2019 đạt trên 145 triệu đồng/ha/năm. Trên mũi nhọn kinh tế biển, Thịnh Long đã khuyến khích, động viên ngư dân tích cực chuyển đổi phương tiện, ngư cụ đánh bắt. Nhờ phát triển đội tàu khai thác có công suất lớn, trang bị ngư lưới cụ hiện đại nên người dân Thịnh Long xưa anh hùng trong chống Mỹ, nay tiếp tục vươn khơi xa bám biển dài ngày, vừa nâng cao hiệu quả khai thác, vừa tiếp tục góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển, đảo Tổ quốc. Hiện nay, các sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp trên địa bàn như: Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Định, Công ty TNHH Vạn Hoa, Công ty TNHH Cường Là, Doanh nghiệp tư nhân Phú Long, Công ty Chế biến hải sản Tân Long, Công ty TNHH Hải sản Hải Thịnh được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Từ năm 2013, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010-2015, với tinh thần chủ động theo phương châm “Xây dựng NTM là việc làm thường xuyên chỉ có khởi đầu, không có điểm dừng” Thịnh Long đã bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”. UBND thị trấn đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình, từng giai đoạn của Bộ tiêu chí, xây dựng tổ dân phố, gia đình NTM kiểu mẫu và ban hành cơ chế hỗ trợ, khen thưởng xây dựng NTM từ nguồn ngân sách của địa phương. Đến nay, cả 22 tổ dân phố được công nhận tổ dân phố NTM bền vững và phát triển, trong đó tổ dân phố số 8 đang phấn đấu hoàn thành mô hình NTM kiểu mẫu điểm của huyện. Thị trấn đạt 16/20 tiêu chí NTM kiểu mẫu, 4 tiêu chí còn lại là xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, bảo hiểm y tế, nước sạch và cảnh quan môi trường đang được phấn đấu hoàn thành trong năm nay. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc nâng cấp thị trấn Thịnh Long từ đô thị loại V lên đô thị loại IV và đề án xây dựng thị xã Thịnh Long trực thuộc tỉnh Nam Định. Thị trấn đã đạt cơ bản các tiêu chuẩn về chức năng đô thị như: quy mô dân số, mật độ dân số, cơ cấu kinh tế và các hệ thống công trình hạ tầng, hệ thống giao thông, hệ thống điện, đèn chiếu sáng, xử lý môi trường, kiến trúc cảnh quan đô thị từng bước được cải thiện chỉnh trang theo Quy hoạch chung đô thị Thịnh Long đến năm 2030, góp phần làm thay đổi diện mạo của đô thị ven biển.

45 năm ngày đất nước thống nhất, chứng kiến sự thay đổi của diện mạo nông thôn Thịnh Long càng thấy cảm phục hơn ý chí phấn đấu, sự nỗ lực không ngừng về phẩm chất anh hùng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây và tin tưởng về một đô thị kiểu mẫu ven biển thành công trong thời gian không xa./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com