Phát triển du lịch sinh thái làng nghề sinh vật cảnh

08:12, 04/12/2019

Cùng với việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa, mang đến thu nhập khá cho người dân, kinh tế sinh vật cảnh còn đóng vai trò nòng cốt trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Phát triển du lịch sinh thái tại các làng nghề sinh vật cảnh mở ra nhiều kỳ vọng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh.

Khách tham quan triển lãm sinh vật cảnh trưng bày trong lễ hội Đền Giáp Ba, thị trấn Nam Giang (Nam Trực).
Khách tham quan triển lãm sinh vật cảnh trưng bày trong lễ hội Đền Giáp Ba, thị trấn Nam Giang (Nam Trực).

Thôn Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) nằm ven đê sông Hồng, cách thành phố Nam Định khoảng 5km, được coi là vùng đất tổ của nghề trồng hoa, cây cảnh. Tương truyền làng nghề thuộc trấn Sơn Nam hạ xưa chuyên phục vụ cây, hoa cho cung đình và các điền trang của quan lại thời xưa nên thôn Vị Khê được nhiều du khách biết đến là “quê gốc” của nhiều loài hoa đẹp, quý như: đào, lan, hải đường, đỗ quyên, trà với đủ chủng loại (bạch trà, hồng trà, thâm hồng, bát diện)... Đặc biệt, theo các bậc cao niên, đây còn là vùng quất nguyên thuỷ của Việt Nam, loại cây mang biểu tượng của sự sum họp, niềm hạnh phúc khi Tết đến, xuân về. Cây cảnh và hoa của thôn Vị Khê đa dạng về chủng loại, phong phú về kiểu dáng, thế cây được truyền từ đời này qua đời khác; trong đó có nhiều tác phẩm cây cảnh nghệ thuật được tạo hình thành các công trình kiến trúc nổi tiếng như Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Phổ Minh... Làng hoa, cây cảnh Vị Khê còn vinh dự khi có đôi cây nguyệt quế và hàng vạn tuế được lựa chọn trồng tại khuôn viên Lăng Bác. Nghề trồng hoa, cây cảnh nơi đây ngày càng phát triển, dần trở thành địa điểm làng sinh thái đón du khách thập phương đến tham quan, thưởng ngoạn các tác phẩm nghệ thuật sinh vật cảnh. Xã Điền Xá được Tổng cục Du lịch Việt Nam chọn làm điểm du lịch sinh thái vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, nằm trong tour du lịch sinh thái của tỉnh. Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều tour du lịch tham quan làng nghề, với những tác phẩm cây cảnh, cây thế độc đáo do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tạo ra và chọn một số gia đình có những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật tiêu biểu để đón du khách tới tham quan. Xã lập sơ đồ quy hoạch tổng thể làng nghề cùng 10 gia đình nghệ nhân tiêu biểu, trưng bày công khai để phục vụ du khách tham quan. Nhằm tạo điểm nhấn trong không gian làng nghề giúp khách du lịch dễ dàng định hướng tham quan, xã đã quy hoạch chi tiết các vùng trồng, chăm sóc hoa cây cảnh như: các loại hoa tại khu vực đất bãi đê hữu Hồng xóm Trần Phú; vùng trồng cây cỏ Nhật, cỏ lá tre tại khu vực Nội Vị Khê, Nội Lã Điền, đất bãi đê hữu sông Hồng, xóm Hoàng Thụ; vùng trồng cây trang trí khuôn viên, cây thế lâu năm, cây công trình... Mỗi hộ dân trong các làng nghề cũng tự thiết kế, quy hoạch đất vườn của gia đình thành các khu trồng các cây hoa, khu trồng cây phôi, khu trưng bày tác phẩm cây cảnh nghệ thuật… theo mô hình nhà vườn kiểu mẫu, đảm bảo cảnh quan môi trường, phù hợp với đặc thù điểm du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, khu vực làng nghề truyền thống được quy hoạch để tập trung đầu tư thành Trung tâm văn hóa - du lịch - thương mại với các công trình liên hoàn gồm: Đình tổ làng nghề, khu trưng bày sản phẩm làng nghề với đầy đủ các tư liệu lịch sử, công cụ lao động sản xuất; triển lãm ảnh các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật của làng nghề qua các thời kỳ; xây dựng, nâng cấp các công trình cầu, cống, đường giao thông, trồng hoa dọc các tuyến đường tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; xây dựng website quảng bá, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành. Theo thống kê, mỗi năm làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê đón tiếp gần 10 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Trong đó lễ hội truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê được tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng hàng năm thu hút lượng lớn du khách. Lễ hội truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê và Hội chợ Xuân xã Điền Xá thường niên thực sự là “bữa tiệc” mắt đối với người tham quan bởi trưng bày các cây cảnh độc đáo với các thế bonsai nhiều cỡ, nhiều dáng cùng các chậu địa lan quý hiếm của làng nghề và của các tỉnh, thành phố phía Bắc. Ngoài trưng bày các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, trong lễ hội còn có các hoạt động rước hoa, cây cảnh của 5 thôn, dâng hương ông tổ làng nghề, biểu diễn văn nghệ, thi đấu các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian như cờ người, cờ tướng, tổ tôm điếm, các cuộc thi tạo thế cây, thi hoa, cây cảnh.

Ngoài làng nghề trồng hoa, cây cảnh Vị Khê, nhiều địa phương trong tỉnh cũng phát triển phong trào trồng hoa, cây cảnh; là tiền đề để xây dựng các tour du lịch sinh thái. Huyện Hải Hậu nhiều năm qua đã phát triển mạnh phong trào sinh vật cảnh; trong đó 12 làng nghề được UBND huyện phê duyệt trở thành làng nghề sinh vật cảnh. Tiêu biểu như xã Hải Sơn có 5 làng nghề sinh vật cảnh gồm: Năm Sơn, Đông Thành, Trần Phú, Hưng Thịnh và Nam Bình. Trong đó, làng nghề cây cảnh Trần Phú có tổng diện tích 34,4ha với 170 hộ và gần 80% số lao động trong xóm tham gia làm nghề. Phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của các làng nghề truyền thống, một số doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh đã triển khai các hoạt động du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa làng nghề; phối hợp với Ban nghệ nhân tại các làng nghề xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm, giáo dục hướng tới đối tượng thiếu niên, học sinh, du khách nước ngoài. Đến với các tour du lịch sinh thái tại Hải Hậu, khách du lịch được chiêm ngưỡng những tác phẩm cây cảnh độc đáo, được giao lưu với nghệ nhân về cách trồng, chăm sóc, uốn, tỉa cây cảnh... Để khai thác và thúc đẩy phát triển mảng du lịch này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các huyện, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của các làng nghề sinh vật cảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các cuộc khảo sát tiềm năng làm du lịch, thiết kế tour du lịch với sự tham gia của các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành trong và ngoài tỉnh; các cuộc hội thảo chuyên đề về phát triển du lịch sinh thái, khuyến khích tổ chức và khai thác hiệu quả của chợ Xuân thường niên của các địa phương.

Thực tế cho thấy, xây dựng các làng nghề sinh vật cảnh thành các điểm du lịch sinh thái hiện nay đang là hướng đi đúng nhằm khai thác thế mạnh tiềm năng, có tính bền vững của tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các địa phương và các đơn vị kinh doanh lữ hành hỗ trợ các làng nghề xây dựng và quảng bá những giá trị đặc trưng của nghề sinh vật cảnh địa phương, để xây dựng được nhiều sản phẩm, tour du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với làng nghề./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com