Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại

07:10, 07/10/2019

Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động từ ngày 1 đến 7-10, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lấy chủ đề “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại” để triển khai tới các địa phương và cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Đây là hoạt động góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc đọc sách và học tập suốt đời; qua đó góp phần xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi người dân, mọi lứa tuổi tham gia học tập. 

Học sinh Trường Trung học cơ sở Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) được nhận sách nhân tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2019.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) được nhận sách nhân tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2019.

Từ nhiều năm nay, phong trào đọc sách và các hoạt động đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời được các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức thường xuyên như một nét đẹp văn hóa của nhân dân. Sau 3 năm tổ chức Ngày sách Việt Nam tỉnh Nam Định và triển khai chương trình “Xây dựng 12.662 tủ sách lớp học”, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 8.995 tủ sách lớp học ở tất cả các cấp học với 199.069 đầu sách, 725.186 bản sách, tổng giá trị hơn 14 tỷ đồng; tổ chức 4 chương trình giao lưu, nói chuyện chuyên đề. Ngoài ra, trong các chương trình “Ngày Sách Việt Nam”, Ban tổ chức đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như: “Gala ngày hội sách và tiếng Anh”, chương trình giao lưu “Vai trò của phần mềm Index tra cứu từ khoá trong đọc sách và trưng bày các dự án khoa học”, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, triển lãm “Đất học Nam Định xưa và nay”… Tham gia trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách trong chương trình “Ngày Sách Việt Nam tỉnh Nam Định”, các đơn vị, nhà tài trợ, nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách đã mang về khối lượng hàng chục nghìn cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: khoa học, lịch sử, văn hoá, kỹ năng sống… Hội chợ sách hàng năm đã thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan và mua sách, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Ở các nhà trường, bên cạnh các thư viện truyền thống với hàng nghìn đầu sách, nhiều trường trung học phổ thông đã được đầu tư thư viện điện tử, đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu, tìm kiếm sách và tài liệu tham khảo ngày càng cao của cán bộ, giáo viên và học sinh. Trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cung ứng cho các thư viện các nhà trường các loại tạp chí với số lượng phát hành trên 22.200 bản, cung ứng hàng triệu bản sách giáo khoa, sách tham khảo cho giáo viên và học sinh, trị giá hàng tỷ đồng. Các trường học cũng tích cực đầu tư, cập nhật, bổ sung thêm tài liệu, sách báo chuyên ngành làm công cụ học tập của thầy và trò, phục vụ nhu cầu mượn và đọc sách của giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, với việc xây dựng tủ sách dùng chung, mỗi năm các trường học trong tỉnh đã quyên góp được số lượng lớn sách giáo khoa để tặng, cho mượn đối với những học sinh là con gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không để bất cứ học sinh nào đến trường phải thiếu sách học. Ở cấp tiểu học, mô hình “Thư viện thân thiện’’, “Thư viện xanh’’ được nhiều trường áp dụng đã góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong học sinh. Để đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân, đặc biệt là lao động nông thôn, tỉnh đã có nhiều chính sách như: đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, hỗ trợ vốn… Đặc biệt, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã được mở rộng, củng cố đáp ứng nhu cầu học tập văn hóa của nhân dân; các Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn đưa các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đến nhân dân để nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Hệ thống các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các cơ sở thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và phát huy hiệu quả trong việc triển khai việc dạy học văn hoá kết hợp với học nghề cho học sinh, từng bước gắn kết việc đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các ngành kinh tế và thị trường lao động. Hàng năm, số lượng học viên theo học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông tương đối ổn định, trong đó học sinh học liên kết nghề và văn hóa tăng. Công tác liên kết đào tạo không chính quy, từ xa được duy trì, góp phần nâng cao tỉ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh và các ngành chức năng thực hiện tốt Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 tỉnh Nam Định và triển khai việc nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn nhằm thúc đẩy hoạt động và đảm bảo các điều kiện để trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả. Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 187.513 lượt người tham gia các lớp học chuyên đề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, y tế, pháp luật, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, trẻ em, thực hiện an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội... Các lớp học chuyên đề đã góp phần duy trì kết quả xóa mù chữ, giúp nông dân biết lựa chọn cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, chấp hành pháp luật, chăm sóc sức khoẻ, phòng chống tệ nạn xã hội... Nhờ đó đã nâng cao nhận thức cho nhân dân về đời sống xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo; chất lượng cuộc sống được nâng lên, an ninh trật tự ở địa phương được giữ vững, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Phong trào thi đua xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập cũng được Hội Khuyến học, ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện ở các địa phương. Trong đó, 82% thôn làng, tổ dân phố đăng ký cộng đồng học tập và có 66% được công nhận; 87,5% đơn vị đã đăng ký đơn vị học tập và 77,2% đơn vị được công nhận. Về cộng đồng học tập cấp xã, có 100% xã, phường, thị trấn đã đăng ký; trong đó có 148 xã, phường, thị trấn đã được công nhận, đạt 64,6%. Phong trào xây dựng gia gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập đã góp phần gắn kết giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội; đồng thời là nhân tố mới trong cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi và xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư. 

Để phong trào “Đọc và học tập suốt đời theo gương Bác Hồ” ngày càng phát triển và lan tỏa trong xã hội, thời gian tới các cấp, các ngành trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc đọc sách và học tập suốt đời. Làm tốt công tác truyền thông về xây dựng xã hội học tập, về việc cần thiết phải học tập suốt đời. Nâng cao ý thức của các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời đối với sự phát triển toàn diện của cá nhân, của xã hội. Tích cực điều tra nhu cầu học tập, tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kỹ năng, chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống,... cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân với hình thức tổ chức lớp học đa dạng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân có cơ hội học tập dễ dàng, học mọi lúc, mọi nơi, cần gì học nấy; học sinh không chỉ học trong nhà trường, học trong sách vở mà học trong cuộc sống hàng ngày, thông qua các hoạt động trải nghiệm; học ở thầy, học ở bạn, học ở những người xung quanh bằng sự quan sát tỉ mỉ, chi tiết, nhận thức đúng vấn đề và hành động theo quỹ đạo của văn hóa./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com