Sôi nổi hoạt động khuyến học, khuyến tài

07:10, 02/10/2019

Như thường lệ, vào dịp đầu năm học mới, phong trào khuyến học, khuyến tài lại diễn ra sôi nổi khắp các xã, phường, các trường học, thôn làng, dòng họ, xứ họ đạo… trong tỉnh với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực nhằm động viên con em vươn lên trong học tập và rèn luyện. 

Các em học sinh làng Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực) tranh thủ trao đổi bài tập dưới sự hướng dẫn của thầy giáo trong làng.
Các em học sinh làng Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực) tranh thủ trao đổi bài tập dưới sự hướng dẫn của thầy giáo trong làng.

Dòng họ Vũ Đại tộc ở xóm Hậu, thôn Gia Hòa, xã Nam Cường (Nam Trực) có 177 hộ với 600 nhân khẩu, cũng như bao dòng họ khác ở trong xã lưu giữ truyền thống hiếu học từ đời này sang đời khác. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi ông Vũ Xuân Sinh, trưởng ban khuyến học dòng họ nói rằng: “Cả dòng họ đã và đang dồn sức cho việc học hành của con cháu. Tuy nhiều gia đình còn khó khăn về kinh tế nhưng “của để dành” là những đứa con chăm ngoan, học giỏi thì rất nhiều. Đó chính là niềm tự hào của dòng họ chúng tôi”. Truyền thống hiếu học của dòng họ Vũ Đại được minh chứng sinh động ở những gia đình có 2 đến 5 con có trình độ đại học, 150/177 gia đình đăng ký phấn đấu trở thành “Gia đình học tập”. Trong dòng họ, mỗi gia đình vừa là đơn vị độc lập, vừa được điều chỉnh bởi các mối quan hệ huyết thống hết sức gắn bó. Vì vậy, ở Vũ Đại tộc, không hiếm những gia đình có nhiều thế hệ học hành thành đạt, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn vẫn nuôi con trưởng thành, đó chính là nhờ ý thức tự tôn gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, họ Vũ cũng luôn nhắc nhở các bậc cha mẹ không quá kỳ vọng vào thành tích tạo áp lực cho con cái, không nhất thiết cứ phải đỗ vào đại học, tùy vào khả năng, hoàn cảnh có thể học nghề và đặc biệt chú trọng giáo dục học làm người. Đến nay, dòng họ đã có 73,3% số hội viên khuyến học, 137 gia đình được UBND xã công nhận là “Gia đình học tập”. Tất cả trẻ em trong dòng họ đều được đến trường, không có học sinh vì hoàn cảnh mà phải bỏ học giữa chừng. Với sự tích cực ủng hộ của những người con thành đạt, dòng họ hiện có quỹ khuyến học 1,1 tỷ đồng, mỗi năm trao thưởng cho trên 100 lượt học sinh giỏi các cấp với số tiền trên 80 triệu đồng. Có năm, học sinh xuất sắc của dòng họ được trao thưởng mức tiền trên 10 triệu đồng/học sinh. Sự quan tâm, động viên của chi hội khuyến học là động lực để các em học sinh vươn lên trong học tập. Hiện tại, dòng họ đã có 3 tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 16 người tốt nghiệp đại học, 36 sinh viên đang học tại các trường đại học. Dòng họ Vũ Đại đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen về những thành tích và đóng góp trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại địa phương.

Với phương châm hoạt động lấy khuyến học thôn làng làm nền tảng, khuyến học dòng họ là trung tâm, khuyến học gia đình là then chốt, hiện nay toàn tỉnh đã có 5.269 chi hội khuyến học, 5.793 ban khuyến học dòng họ; 33.621 hội viên khuyến học; tỷ lệ hội viên khuyến học đạt gần 29% dân số; 60,3% số gia đình (344.712 gia đình) đăng ký gia đình học tập, trong đó 52,6% gia đình được công nhận; 87,6% dòng họ đã đăng ký dòng họ học tập, trong đó 69,1% được công nhận; 82% thôn làng, tổ dân phố đăng ký cộng đồng học tập và được công nhận là 66%; 87,5% đơn vị đã đăng ký đơn vị học tập và 77,2% số đơn vị được công nhận. Về cộng đồng học tập cấp xã, có 100% xã, phường, thị trấn đã đăng ký; trong đó có 148 xã, phường, thị trấn đã được công nhận, đạt 64,6%. Có được kết quả này, bên cạnh sự cố gắng của các cấp Hội Khuyến học còn có sự phối kết hợp của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” gắn với khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Thực tiễn hoạt động khuyến học, khuyến tài trong những năm qua ở tỉnh ta cho thấy, ở các địa phương, đơn vị nếu được cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thì Hội Khuyến học nơi đó vững mạnh, phong trào phát triển nhanh, bền vững, thu hút đông đảo nhân dân cùng chăm lo. Ở nhiều dòng họ, thôn làng, từ cán bộ đương chức, cán bộ về hưu và nhân dân đều tích cực ủng hộ xây dựng quỹ khuyến học để khen thưởng cho học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tiếp tục đến trường. Sổ ghi công những tấm lòng vàng của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục được đặt trang trọng ở từ đường, nhà văn hóa thôn. Vào dịp tiết Thanh minh, ngày giỗ Tổ hay khai giảng năm học mới, con cháu các dòng họ, các thôn làng đều tập trung đông đủ về nhà thờ dâng hương, thành kính báo cáo với tiên tổ kết quả học tập và quyết tâm phấn đấu vượt khó, học giỏi. Việc xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài ở các địa phương, đơn vị đều có sự lãnh đạo thống nhất của tổ chức Đảng, chính quyền, lấy cơ sở làm gốc để đẩy mạnh phát triển phong trào; hầu hết các Hội, chi Hội Khuyến học đều do bí thư, phó bí thư chi bộ làm chủ tịch Hội, chi hội trưởng khuyến học. Hoạt động khuyến học, khuyến tài đã lan tỏa thu hút các tổ chức tôn giáo tham gia. Từ năm 2005 đến nay, chi Hội Khuyến học Chùa Diêm Điền (Giao Thủy) hoạt động nền nếp với hơn 100 hội viên đều là tăng, ni, phật tử xây dựng quỹ khuyến học được hơn 100 triệu đồng, hàng năm tổ chức phát thưởng cho học sinh nghèo vượt khó chăm ngoan học giỏi ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, mỗi nơi 4-5 suất. Trong các buổi giảng lễ ở nhà thờ xứ xã Hải Lý (Hải Hậu), linh mục luôn lồng ghép tuyên truyền, vận động khuyến học giúp bà con giáo dân hiểu đúng về việc chăm lo sự học của con cháu; tuyên truyền rộng rãi đến các giáp, các họ không tổ chức lễ sớm vào buổi sáng để giữ gìn sức khỏe cho con trẻ đến trường. Ở tỉnh ta, hầu hết các gia đình Công giáo đều đã dành sự quan tâm, tạo điều kiện để con em được học hành. Nhờ vậy, đã có 100% con em đồng bào công giáo trong độ tuổi được đến trường; các xứ, họ đạo đều nỗ lực, kêu gọi, động viên các nhà hảo tâm, phụ huynh tiếp tục quan tâm giúp đỡ tinh thần và vật chất để tổ chức tốt phong trào khuyến học, khuyến tài phấn đấu ngày càng có nhiều học sinh chăm ngoan, học giỏi, thành đạt.

Với sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội, cùng sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ cán bộ Hội, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã đa dạng hóa cách vận động xây dựng quỹ Hội, coi trọng phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ các nguồn tài trợ, phấn đấu các cấp Hội đều xây dựng được quỹ khuyến học để cấp học bổng, giúp đỡ kịp thời học sinh, sinh viên gặp khó khăn, khen thưởng động viên các giáo viên dạy giỏi, học sinh học giỏi. Đến nay, tổng số quỹ khuyến học của các cấp Hội quản lý đạt 167 tỷ đồng. Riêng năm 2018, toàn tỉnh khen thưởng 160.126 lượt giáo viên và học sinh với tổng số tiền 22 tỷ 260 triệu đồng, trao học bổng và hỗ trợ học sinh nghèo toàn tỉnh số tiền là 11 tỷ 488 triệu đồng. Riêng dịp năm học mới 2019-2020, Hội Khuyến học các địa phương, các chi Hội Khuyến học cơ sở đã trao hàng nghìn suất học bổng, khen thưởng cho học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Hội Khuyến học tỉnh đã trao 2.000 suất học bổng, trong đó có 1.000 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên các em phấn khởi bước vào năm học mới nỗ lực vươn lên giành thành tích cao hơn, góp phần cùng ngành Giáo dục và Đào tạo giữ vững thành tích nhiều năm liền trong tốp đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục và đào tạo./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com