Hội Nông dân huyện Nam Trực tham gia bảo vệ môi trường nông thôn mới

08:10, 16/10/2019

Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Nam Trực đã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia bằng nhiều hoạt động thiết thực như: thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh phát triển sản xuất, hiến đất, đóng góp công sức, tiền của xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và tham gia bảo vệ môi trường.

Nông dân xã Nam Lợi ra quân vệ sinh môi trường nghĩa trang nhân dân. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Nông dân xã Nam Lợi ra quân vệ sinh môi trường nghĩa trang nhân dân.
Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Thực hiện Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Hội Nông dân được giao đảm nhận vệ sinh môi trường đồng ruộng. Từ năm 2013, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện và đảng ủy, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện mô hình “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật”. Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện xây dựng các phương án, bàn giải pháp tổ chức thực hiện như: xây dựng bể chứa hoặc đặt bao xác rắn, gắn biển thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đặt tại những vị trí trung tâm cánh đồng, khu vực đầu các mương máng; tuyên truyền cho nông dân khi đi phun thuốc tập trung vỏ bao bì vào điểm tập kết; thuê khoán cho người thu gom rác ở khu dân cư. Các xã, thị trấn đã cơ bản chọn phương án xây bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật thuận tiện cho việc thu gom, tiêu hủy. Hết năm 2017, toàn huyện đã xây dựng được 1.126 bể chứa. Đến năm 2019, nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các tiêu chí để cán đích huyện nông thôn mới, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn bổ sung bể thu gom có nắp đậy theo quy chuẩn. Đến nay, việc tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa được các chi Hội Nông dân thực hiện nền nếp. Đã có 2.930 bể chứa được đặt tại các cánh đồng, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của hội viên nông dân trong việc thu gom, để vỏ bao bì thuốc bảo vệ vào đúng nơi quy định, hạn chế tình trạng vứt bỏ bừa bãi gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, không khí như trước đây. Nhiều xã như Nam Tiến, Nam Hùng còn ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư và Kỹ thuật tài nguyên môi trường với chi phí 18 triệu đồng/năm để vận chuyển, xử lý nguồn rác thải độc hại này theo đúng quy định. Nhờ đó, môi trường tại các cánh đồng về cơ bản ngày càng sạch sẽ. Bên cạnh đó, thực hiện Thông báo số 502, ngày 4-7-2018 của Thường trực Huyện ủy về tổ chức ngày “Chủ nhật xanh” tại các khu dân cư, trong đó giao tổ chức Hội Nông dân chủ trì thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các nghĩa trang nhân dân vào tuần đầu tháng 2, tháng 8 hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị quán triệt triển khai tới các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện, Chủ tịch Hội Nông dân các xã, thị trấn để thảo luận và thống nhất các biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện. Sau hội nghị ở huyện, Hội Nông dân các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch, Báo cáo Thường trực Đảng ủy, UBND xã, thị trấn, đồng thời phối hợp với Ban công tác mặt trận triển khai tới các chi hội về chủ trương, cách thức tổ chức thực hiện và thời gian thực hiện. 100% các chi Hội Nông dân trong toàn huyện đã họp và phối hợp với Ban công tác mặt trận thôn, xóm, khu dân cư triển khai tới toàn thể cán bộ, hội viên, nhân dân. Thường trực Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Đài phát thanh huyện viết tin, bài, tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, nội dung và các biện pháp tổ chức thực hiện để toàn thể cán bộ hội viên nông dân, nhân dân trong toàn huyện tích cực tham gia; biên soạn tài liệu tuyên truyền gửi các xã, thị trấn để phát thanh trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Kết quả đến nay, toàn huyện đã thực hiện được 3 cuộc vệ sinh môi trường tại 163 nghĩa trang nhân dân trên địa bàn 18 xã, thị trấn. Một số xã làm tốt như: Hội Nông dân các xã Nam Thắng, Điền Xá, Nam Mỹ, Nam Hoa, Nam Hồng, Nam Hùng… Cùng với mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, tháng 5 vừa qua, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Ban Kinh tế (Hội Nông dân tỉnh) xây dựng mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” tại xã Nam Hùng. 34 hộ nông dân tham gia mô hình thuộc chi Hội thôn Rục Kiều đã được tuyên truyền, tập huấn kiến thức về xử lý rác thải hữu cơ, được nhận hỗ trợ thùng chứa chế phẩm xử lý rác, góp phần tận dụng, biến rác thải hữu cơ trở thành nguồn phân bón phục vụ sản xuất. Từ hiệu quả của mô hình, Hội Nông dân huyện đã có kế hoạch nhân rộng ra các xã chuyên làm đồng màu, trồng hoa cây cảnh như Điền Xá, Nam Hồng… Ngoài việc hưởng ứng các mô hình, phong trào của Hội Nông dân huyện, tại các xã, thị trấn, nhiều chi Hội cơ sở và hội viên nông dân đã tích cực chỉnh trang khuôn viên gia đình xanh - sạch - đẹp, xây dựng các mô hình thu gom rác thải, đảm nhận thực hiện các phần việc bảo vệ môi trường… Tiêu biểu như: Hội Nông dân xã Nam Tiến với mô hình “Dòng sông không rác thải”; Hội Nông dân xã Nam Hùng đảm nhận “Con đường không rác thải” ven sông Châu Thành; Hội Nông dân xã Nam Toàn đảm nhận “Con đường không rác thải” ven đường S2; Hội Nông dân xã Nam Mỹ thực hiện mô hình “Tuyến đường nông dân tự quản”; Hội Nông dân xã Nam Hoa với mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải nông thôn”…

Các hoạt động của Hội Nông dân huyện đã góp phần quan trọng thực hiện tốt tiêu chí về môi trường, đưa huyện Nam Trực được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới” năm 2019./.

Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com