Trong phong trào "Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi - Vì nghĩa tình đồng đội"

08:10, 16/10/2019

Sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho cách mạng, trở về với cuộc sống đời thường, các cựu thanh niên xung phong huyện Trực Ninh vẫn không ngừng nêu cao ý chí kiên cường, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Công nhân làm việc tại cơ sở may của cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Ngôn, thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh).
Công nhân làm việc tại cơ sở may của cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Ngôn, thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh).

Huyện Trực Ninh hiện có 807 hội viên cựu thanh niên xung phong, sinh hoạt tại 21 hội cơ sở. Thực hiện phong trào “Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi - Vì nghĩa tình đồng đội”, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy tinh thần “tự lực, tự cường”, vượt khó vươn lên của các hội viên. Hàng năm, các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ, hội viên, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao; tổ chức các buổi thảo luận và tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả. Cùng với đó, Hội còn thường xuyên tổ chức khảo sát đời sống của các hội viên, xác định những trường hợp khó khăn nhằm kịp thời giúp đỡ thông qua việc gây quỹ tại chỗ, đứng ra tín chấp từ các tổ chức tín dụng cho hội viên vay để đầu tư phát triển sản xuất… Đến nay, nguồn quỹ hội do hội viên đóng góp đạt bình quân 300 nghìn đồng/hội viên để duy trì các hoạt động tình nghĩa thăm hỏi hội viên ốm đau, gia đình có việc hiếu, hỷ, trợ cấp những trường hợp khó khăn đột xuất, đồng thời cho các hội viên vay phát triển kinh tế… Từ nguồn quỹ này, từ đầu năm 2019 đến nay, các cấp Hội Cựu thanh niên xung phong đã tổ chức thăm hỏi cho 300 lượt hội viên đau ốm, hiếu, hỷ... Phát huy tinh thần của thế hệ thanh niên một thời không tiếc máu xương tình nguyện lên đường vì sự nghiệp cách mạng, nhiều cựu thanh niên xung phong trong huyện đã nỗ lực phát triển kinh tế gia đình và trở thành sợi dây gắn kết, là chỗ dựa vững chắc để những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên xây dựng cuộc sống. Đến nay, toàn huyện có 13 hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi, số hội viên khá và giàu tăng lên; số hội viên nghèo còn 35 hộ. Một số hội viên từ chỗ cuộc sống còn nhiều khó khăn đã vươn lên làm giàu bằng những mô hình phát triển kinh tế phù hợp, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Điển hình như cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Ngôn ở thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh). Năm 1971, ông tình nguyện tham gia thanh niên xung phong thuộc đơn vị C30 N25 Đoàn 559 với nhiệm vụ đảm bảo giao thông. Đến năm 1974, ông được xuất ngũ về địa phương và làm việc tại Hợp tác xã nông nghiệp xã Trực Phú (nay là thị trấn Ninh Cường). Ngoài công tác ở Hợp tác xã, ông cùng gia đình cấy 1,5 mẫu lúa, chăn nuôi 100 con lợn thịt để tăng thu nhập. Năm 2005, xã có chủ trương chuyển đổi diện tích lúa năng suất thấp sang kinh doanh ngành nghề, ông đã thuê 10 nghìn m2 đất nông nghiệp để san lấp mặt bằng. Năm 2011, ông thành lập Doanh nghiệp may công nghiệp tư nhân Thuận Phượng trên diện tích nhà xưởng rộng 1.200m2, trang bị 200 máy may công nghiệp, 2 máy cắt, tạo việc làm cho 200 lao động, trong đó có 52 lao động là con cháu cựu thanh niên xung phong, với mức lương từ 4,5-5,5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, công việc của gia đình ông khá ổn định, thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, hàng năm ông còn trích một phần lợi nhuận của doanh nghiệp với số tiền 125 triệu đồng để thăm hỏi, giúp đỡ đồng đội, hỗ trợ hoạt động của Hội và địa phương; hỗ trợ Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện, Hội Khuyến học huyện mỗi đơn vị 5 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, làm nhà văn hóa, làm đường giao thông của thị trấn; ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lũ… Cũng là một cựu thanh niên xung phong đi đầu trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, song ông Trịnh Quang Trự, xã Trực Thái lại đi theo hướng khác. Sau khi xuất ngũ trở về, ông Trự làm việc tại UBND xã Trực Thái cho đến năm 2005 mới nghỉ hưu. Phát huy bản chất người lính Cụ Hồ, ông đã đầu tư vốn để trồng hàng trăm cây cảnh. Bằng sự cần cù, chịu khó và đồng thuận vợ chồng, đến nay, gia đình ông đã có một vườn cây với hàng trăm cây cảnh khác nhau. Không chỉ vậy, với niềm say mê và am hiểu về kiến thức nuôi ong qua sách báo và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong ở huyện, ông đã phát triển mô hình nuôi ong với 10 đàn ong mật. Điều kiện kinh tế gia đình ông từ đó ngày càng ổn định, có thêm điều kiện tham gia vào các phong trào nhân đạo từ thiện của địa phương. Ngoài tấm gương của các ông Nguyễn Văn Ngôn, Trịnh Quang Trự còn nhiều hội viên tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế giỏi khác như: hội viên Phạm Quang Tuyến, Hội Cựu thanh niên xung phong xã Trực Thái, với mô hình chăn nuôi VAC, doanh số kinh doanh lớn; cựu thanh niên xung phong Trần Quang Hưng, hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong xã Trực Cường với mô hình chăn nuôi lợn gà, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng…

Thời gian tới, Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Trực Ninh tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghĩa tình đồng đội, tạo mọi điều kiện, động viên, khuyến khích hội viên, con em hội viên có điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com