Định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ: Chọn học nghề - tại sao không?

06:07, 03/07/2019

Sau khi tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, đây là thời diểm các bậc phụ huynh và các em học sinh lại "đau đầu" khi chọn trường, chọn ngành nghề cho những năm học tiếp theo. Học gì để sau 4 năm ra trường có việc làm bởi thực tế hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không xin được việc làm hoặc phải làm những công việc trái ngành trái nghề. Nhiều người phải “giấu bằng đại học” để quay lại đi học nghề thì mới “được” làm công nhân (!?) gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội.

Giờ thực hành của học sinh lớp Điện, Trường Trung cấp Cơ điện Nam Định. Ảnh: Minh Tân
Giờ thực hành của học sinh lớp Điện, Trường Trung cấp Cơ điện Nam Định. Ảnh: Minh Tân

“Thừa thầy thiếu thợ”

Theo thống kê trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 900 nghìn thí sinh dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, trong đó có khoảng 70-75% tham gia xét tuyển cao đẳng, đại học, số học sinh đăng ký học nghề rất ít chỉ chiếm khoảng 10%. Nguyên nhân là do tâm lý của hầu hết các bậc phụ huynh đều hướng con em mình vào các trường đại học, cao đẳng với “khát vọng” sau này trở thành “thầy”, chứ không muốn làm “thợ. Dù khó khăn đến đâu cũng mong muốn con mình được vào đại học cho “bằng anh bằng em”.

Tư tưởng đó, suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Học nghề để sau này làm thợ chỉ là phương án lựa chọn thứ yếu của các bậc phụ huynh và các em học sinh. Chỉ khi nào các em thi trượt đại học, hoặc một số em có hoàn cảnh khó khăn và một bộ phận ít học sinh có học lực trung bình mới đăng kí vào các trường, các trung tâm dạy nghề. Nhiều học sinh sức học chỉ đạt trung bình vẫn quyết tâm thi vào đại học. Không trúng tuyển năm đầu, các em ôn luyện để tham gia xét tuyển những năm tiếp theo. Ðiều đáng nói là sau 4 năm học đại học, tiêu tốn một số tiền không nhỏ của gia đình, sau khi cầm tấm bằng đại học, các em lại không xin được việc làm gây lãng phí cho gia đình và xã hội.

Em Nguyễn Quang Huy, quê xã Trực Ðạo (Trực Ninh) tốt nghiệp Ðại học Giao thông Vận tải đã 3 năm nhưng hiện vẫn chưa xin được việc làm. Em cho biết “để nuôi em học đại học cùng 2 đứa em đang học phổ thông, ngoài làm ruộng, hàng ngày, bố mẹ em phải đi mấy chục cây số lên Thành phố Nam Ðịnh để làm thợ nề và phụ hồ cho một chủ thầu xây dựng ở thành phố. Sau khi ra trường mặc dù tốt nghiệp loại giỏi song em vẫn không xin được việc làm dù đã nộp hồ sơ nhiều nơi. Thời gian đầu cố bám trụ ở Hà Nội, để có tiền trang trải cuộc sống, em phải làm đủ nghề từ bốc vác, chạy xe ôm để chờ cơ hội xin việc nhưng đến đâu cũng bị từ chối. Thấy quá mệt mỏi, em dự định về quê, cất tấm bằng đại học một chỗ rồi nộp hồ sơ xin vào làm công nhân ở một công ty gần nhà cho đỡ vất vả”. Rơi vào tình cảnh như Huy không phải là hiếm, trung bình mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên ra trường không xin được việc làm, phần đa trong số đó phải làm các công việc trái ngành trái nghề không liên quan đến chuyên môn đã được học. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đã khiến nhiều người có bằng đại học phải giấu nhẹm đi để xin làm công nhân tại các công ty hoặc làm những công việc không phù hợp. Nhiều công ty cũng ngại nhận công nhân có bằng đại học vì sợ phải trả lương cao hơn so với lao động phổ thông. Ðiều này đang gây lãng phí lớn cho xã hội bởi để nuôi một cử nhân đại học, gia đình tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ, nhất là với các gia đình ở nông thôn chỉ trông vào cây lúa.

Sinh viên ra trường thất nghiệp trong khi rất nhiều doanh nghiệp lại đang “khát” công nhân lành nghề. Nghịch lý này đang đặt ra một yêu cầu cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc định hướng nghề nghiệp cho con em mình. Học đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời, còn rất nhiều sự lựa chọn khác, quan trọng là phù hợp với năng lực, sở trường của các em.

Chọn học nghề - tại sao không?

Trước tình trạng cử nhân ra trường không xin được việc làm như hiện nay, những năm gần đây, ngành Giáo dục và Ðào tạo cũng đã bắt đầu quan tâm đến công tác định hướng phân luồng học sinh ngay từ bậc trung học cơ sở. Nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đã chủ động mời các chuyên gia, các nhà quản lý, cán bộ các Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề về trao đổi, cung cấp thông tin nghề nghiệp giúp các em có sự lựa chon đúng đắn cho tương lai của mình.

Bản thân các bậc phụ huynh cũng đã dần nhận thức được vấn đề, đã có sự thay đổi về quan niệm, không nhất thiết cứ phải học đại học mới thành công. Thậm chí hiện nay một số gia đình còn định hướng cho con theo học nghề ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở bởi với chính sách ưu tiên như hiện nay, học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 9 có thể nộp hồ sơ vào các trường Trung cấp nghề. Ðược miễn học phí hoàn toàn trong 2 năm học, các em vừa hoàn thành chương trình văn hóa bậc trung học phổ thông lại vừa có thêm bằng nghề có thể đi làm luôn hoặc tiếp tục học liên thông lên cao đẳng, đại học. Như vậy, ở tuổi 18 học sinh hoàn toàn đủ năng lực để tham gia thị trường lao động có chuyên môn kỹ thuật. Chị Nguyễn Kim Dung ở Thành phố Nam Ðịnh chia sẻ: Năm 2018, con gái chị tốt nghiệp bậc trung học cơ sở. Nhận thấy sức học của con chỉ ở mức trung bình, vả lại trước tình trạng nhiều em học đại học ra không xin được việc làm phải đi làm xe ôm, chạy bàn hay làm công nhân, chị quyết định nộp hồ sơ vào một trường Cao đẳng nghề để con học nghề may thời trang đúng với sở thích của con. Sau 1 năm theo học, thấy con rất phấn khởi, đam mê với nghề, chị thấy sự lựa chọn của gia đình là hoàn toàn đúng đắn!

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có gần 1.500 cơ sở dạy nghề, bao gồm 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề, 997 trung tâm dạy nghề và 1.000 cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp khác tham gia dạy nghề. Hầu như tỉnh, thành phố nào cũng có các trường đào tạo nghề. Nhiều trường nghề mở với quy mô đào tạo rất lớn và hiện đại để đáp ứng nhu cầu học tập, phù hợp với thực tiễn xã hội hiện nay. Trong khi cử nhân ra trường thất ngiệp thì đối với các trường nghề, nhiều ngành khi các em đang còn học trong nhà trường đã có doanh nghiệp đến “đặt hàng” trước. Hoặc khi các em ra trường cũng rất dễ xin việc, hưởng lương theo năng lực tay nghề nên nhiều lao động lành nghề có lương cao hơn nhiều các cử nhân, thạc sĩ… Một giáo viên có kinh nghiệm ôn luyện đại học lâu năm trên địa bàn Thành phố Nam Ðịnh cho biết: Thực tiễn qua nhiều năm ôn đại học, tôi khuyên các bậc phụ huynh nên có sự cân nhắc tính toán trước khi định hướng con đường học hành cho con em mình bởi thực tế nhiều em học lực trung bình nhưng cố ôn thi bằng được vào một trường đại học để rồi sau 4 năm ra trường lại thành cử nhân thất nghiệp trong khi với chừng ấy thời gian, các em có thể hoàn thành chương trình học tại các trường nghề và tìm được việc làm phù hợp. Hiện nay các doanh nghiệp trong nước, những doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài lại đang rất “khát” lao động có tay nghề cao. Nhất là khi chúng ta mở cửa thị trường lao động ASEAN thì rất cần những lao động lành nghề để hội nhập.

Việc mỗi năm hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm đang gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội. Ðể giảm được tỷ lệ cử nhân ra trường thất nghiệp, trước hết các ngành chức năng cần có sự khảo sát, đánh giá đúng nhu cầu của thị trường để xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển sinh hàng năm và theo từng giai đoạn. Bên cạnh đó tăng cường công tác hướng nghiệp, tư vấn cho học sinh và các bậc phụ huynh ngay từ khi các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường để học sinh có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực sở trường bản thân, với hoàn cảnh kinh tế, tránh lãng phí tiền của của gia đình và xã hội./.

Hoài Phương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com