Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại các di tích

08:03, 08/03/2019

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.344 di tích trong danh mục kiểm kê đã được UBND tỉnh công bố, trong đó có 365 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 81 di tích cấp quốc gia, 282 di tích cấp tỉnh. Các di tích với đặc điểm kiến trúc theo lối cổ có nhiều cấu kiện gỗ và vật liệu dễ cháy như: vàng mã, hương, nến, vải... tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy cho di tích, nhiều địa phương đã chỉ đạo Ban quản lý di tích thành lập đội phòng cháy, chữa cháy để kịp thời ứng phó khi xảy ra sự cố bất ngờ. Ở quần thể di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp, nơi thường xuyên thu hút đông đảo du khách thập phương về tham quan, lễ bái, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy được triển khai đồng bộ. Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp cho biết: Cơ sở vật chất và nhân lực cho công tác phòng cháy, chữa cháy tại di tích luôn được đảm bảo. Tại Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch, Đền Trùng Hoa hiện nay đều được trang bị xô nước, chậu cát, gậy, bình bọt cứu hỏa, chăn len... Đền có bể nước ngầm gần 30 khối với 2 máy bơm nước công suất lớn gồm 1 máy chạy bằng điện, 1 máy chạy bằng dầu. Các đền đều có họng nước cứu hỏa và mỗi đền được trang bị 4 cuộn dây dẫn nước chữa cháy, mỗi cuộn dài 20m. Hệ thống điện của quần thể di tích Đền Trần - Chùa Tháp được thiết kế tối ưu cho việc phòng cháy, chữa cháy. Lò hóa sớ, đồ mã được xây dựng cách đền thờ 20m có hệ thống thông gió, vách ngăn bụi, tàn hương và thường xuyên có người túc trực để nhắc nhở người dân... Đội phòng cháy, chữa cháy của đền có hơn 20 người, đều là bảo vệ và thủ nhang, hàng năm được tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy. Hàng tuần, đội phòng cháy, chữa cháy ở đền đều khởi động hệ thống bơm nước phòng cháy, chữa cháy và luyện tập các kỹ năng đấu ống nối; tất cả các hoạt động trên đều được ghi vào sổ “nhật ký khởi động hệ thống cứu hỏa”. Từ nhiều năm nay, khách thập phương khi đến Đền Trần được nhà đền nhắc nhở chỉ thắp hương ở ban thờ trung thiên đặt ở phía sân đền để hạn chế nguy cơ hỏa hoạn.

Đội phòng cháy, chữa cháy ở di tích Đền Trần, phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định) thường xuyên kiểm tra các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại di tích.
Đội phòng cháy, chữa cháy ở di tích Đền Trần, phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định) thường xuyên kiểm tra các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại di tích.

Ở Phủ Tiên Hương thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Phủ Dầy (Vụ Bản), tổ công tác phụ trách việc bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ được thành lập. Hàng chục bình chữa cháy được bố trí ở bên trong các khu thờ tự. Bên ngoài, các téc nước, bể chứa đều được bơm đầy nước, sẵn sàng đáp ứng nguồn nước chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Tại các ban thờ trong phủ đều có người trực để sẵn sàng xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ. Ban đêm, bên trong khu thờ tự đều ngắt điện, tắt nến để đề phòng chập cháy. Hệ thống điện trong di tích thường xuyên được kiểm tra và có công tắc ngắt tự động ở từng khu vực khi gặp sự cố...

Để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại các di tích, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07) (Công an tỉnh) đã phối hợp với các đơn vị chức năng, các địa phương thực hiện nhiều biện pháp công tác đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Phòng PC07 đã phối hợp với các Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa tổ chức tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy, mở các lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy; niêm yết các nội quy, tiêu lệnh phòng cháy, chữa cháy; tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh trong các lễ hội...; cử cán bộ kiểm tra, hướng dẫn các tăng, ni, thủ nhang, nhà đền khắc phục những thiếu sót trong công tác phòng cháy, chữa cháy và trang bị các phương tiện chữa cháy. Từ năm 2013 đến nay, Phòng PC07 đã phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức 7 lớp trường Hạ huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho hàng nghìn lượt tăng, ni các chùa và người của các đền, phủ. Hiện nay, theo quy chế phối hợp số 676/QCPH-CAT-SXD ngày 15-6-2018 giữa Công an tỉnh và Sở Xây dựng trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với dự án công trình, các công trình tôn giáo, di tích lịch sử xây dựng mới, trùng tu, cải tạo đều được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy hoặc lấy ý kiến về giải pháp phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trước khi triển khai thi công góp phần giảm thiểu nguy cơ cháy nổ cho công trình ngay từ ban đầu. Để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy trong các lễ hội, UBND tỉnh ban hành Công văn số 33/UBND-VP7 chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội năm 2019, trong đó có nội dung chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích rà soát hệ thống thiết bị và công tác phòng, chống cháy nổ tại di tích, hạn chế tối đa du khách đốt vàng mã và thắp hương trong khu vực nội tự di tích.

Thời gian tới lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đẩy mạnh kiểm tra tại các di tích, điểm tổ chức lễ hội; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn ban quản lý, ban khánh tiết ở các đình, chùa, đền, miếu và nhân dân về phòng cháy, chữa cháy, tạo môi trường an toàn cho khách thập phương đến tham quan các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com