Những trưởng thôn 8X tiêu biểu

02:01, 22/01/2019

Làm cán bộ cơ sở vốn được coi là công việc vô cùng khó khăn, vất vả vì “việc gì cũng đến tay”, ngoài tinh thần nhiệt tình trách nhiệm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, cán bộ cơ sở còn phải là người có nhiều kinh nghiệm sống và có “tiếng nói” uy tín với nhân dân trong thôn xóm. Với những tiêu chí đó, chức trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, xóm lâu nay thường chỉ do người “có tuổi”, những cán bộ về hưu, bộ đội phục viên đảm nhận. Thế nhưng, những năm gần đây, tỉnh ta đã có nhiều cán bộ cơ sở thế hệ 8X tạo được nhiều dấu ấn về phát triển kinh tế - xã hội, được nhân dân tin yêu, nể trọng.

Anh Phan Xuân Kiều (ngoài cùng, bên trái) trưởng xóm 4, xã Xuân Phương (Xuân Trường) cùng ban đại diện nhân dân xóm bàn kế hoạch tổ chức vui Xuân đón Tết cho bà con nhân dân trong xóm.
Anh Phan Xuân Kiều (ngoài cùng, bên trái) trưởng xóm 4, xã Xuân Phương (Xuân Trường) cùng ban đại diện nhân dân xóm bàn kế hoạch tổ chức vui Xuân đón Tết cho bà con nhân dân trong xóm.

Sinh năm 1988, giữ cương vị trưởng thôn khi mới 25 tuổi, bằng sức trẻ, trí tuệ và bản lĩnh, đảng viên trẻ Phan Xuân Kiều, xóm 4, xã Xuân Phương (Xuân Trường) đã chinh phục lòng tin yêu của bà con nhân dân trong vùng. Được kết nạp Đảng ngay trong quân đội nên khi xuất ngũ về địa phương, Kiều vừa tập trung phát triển kinh tế gia đình, vừa tham gia công tác Đoàn ở địa phương. Sau một thời gian được chi bộ Đảng xóm 4 rèn luyện, Kiều được nhân dân trong thôn tín nhiệm bầu giữ chức danh trưởng xóm và là trưởng xóm trẻ tuổi nhất của xã từ trước tới nay. Lãnh đạo một xóm có 147 hộ, 450 nhân khẩu là thử thách không đơn giản với một thanh niên. Nhưng với bản lĩnh của một cựu quân nhân, một đảng viên trẻ, Kiều luôn tìm được hướng giải quyết hài hoà mọi công việc, phát huy trí tuệ tập thể để thực hiện tốt các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư. Chẳng hạn với nhiệm vụ phát triển kinh tế hộ gia đình, Kiều chọn mô hình trang trại tổng hợp với công thức trồng rau xanh, cây màu ngắn ngày kết hợp với nuôi lợn, gà, thả cá truyền thống theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn 1ha rau màu vụ đông cùng 1 tấn cá truyền thống; ngoài ra còn lợn, gà, hoa quả bốn mùa cung ứng đều đặn ra thị trường đã mang lại khoản thu nhập khá cho gia đình. Thành công từ mô hình này là cơ sở để định hướng cho người dân trong xóm tích cực trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa; tận dụng đất đai, gò vườn để trồng rau màu phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, riêng xóm 4 đã trồng được 6ha cây vụ đông trong tổng diện tích 7ha cây vụ đông của cả xã. Chưa dừng lại ở đó, Kiều tìm hiểu những mô hình phát triển kinh tế của bạn bè cùng quân ngũ để học hỏi và đưa những thanh niên trong thôn đến học tập. Đã có 2 thanh niên trong xóm qua giao lưu học hỏi tìm được con đường lập thân, lập nghiệp bằng nghề may gia công. Trăn trở với việc giúp các hộ gia đình nghèo, neo đơn kiếm việc làm thích hợp, Kiều lại có giải pháp trích kinh phí xóm hỗ trợ mỗi hộ nghèo trong thôn 50 con gà và 10 con ngan giống để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Với cách làm này, cả thôn đến nay chỉ còn 2 hộ nghèo. Dấu ấn trong quá trình làm nhiệm vụ trưởng thôn của anh Phan Xuân Kiều được bà con nhân dân đánh giá cao và trở thành mô hình điểm cho các xóm lân cận đến học hỏi còn ở việc xây dựng hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phổ biến công việc của làng, xóm và cũng là phương tiện để minh bạch các khoản thu, chi; kịp thời biểu dương, rút kinh nghiệm những việc tốt, chưa tốt trong xóm. Kiều tự biên soạn tài liệu, xây dựng chương trình phát thanh phổ biến cho bà con trong xóm. Mọi việc từ xây dựng nông thôn mới; xây dựng các phong trào văn hóa, thể dục, thể thao hay nghĩa vụ đóng góp thuế, quỹ… cứ tuần tự được triển khai qua hệ thống truyền thanh này. 5 năm anh làm trưởng thôn, xóm 4 liên tục giữ vững danh hiệu là xóm tiên tiến, dẫn đầu toàn xã hoàn thành mọi trách nhiệm xã hội, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng như các phong trào quần chúng và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tâm sự với chúng tôi về những ngày đầu nhận trách nhiệm trưởng thôn, anh Phan Xuân Kiều cho biết: “Ngày đầu tiên đứng trước bà con để ra mắt, phổ biến công việc, tôi lo lắng suốt cả tuần. Rất may, những điều tôi lo lắng đã không xảy ra. Nhờ dựa vào bà con, tôn trọng và phát huy dân chủ, trí tuệ, tâm huyết của bà con với quê hương nên tôi đã cùng người dân giải quyết công việc khá êm xuôi. Được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn khi còn rất trẻ, vì thế tôi luôn phải cố gắng xứng đáng với sự tin yêu ấy”.  

Đến thăm xóm Xuân Hương, xã Hải Xuân (Hải Hậu) đúng vào dịp bà con trong xóm đang tranh thủ ngày nắng hanh đến nhà văn hóa xóm nhận vôi bột về trang trí lại nhà cửa, công trình công cộng trong xóm cho khang trang sạch đẹp chuẩn bị đón mùa xuân mới Kỷ Hợi 2019. Bác Phạm Thị Hương, người dân trong xóm vồn vã khoe: đây là chủ trương của trưởng xóm Phạm Thị Mơ nhằm động viên chúng tôi đồng loạt sửa sang lại nhà cửa cho khang trang, sạch đẹp khi Tết đến, Xuân về. Chị Phạm Thị Mơ, trưởng xóm Xuân Hương, là một trong số ít những nữ trưởng thôn trong toàn tỉnh. Sinh năm 1981, trước khi làm trưởng xóm, chị Mơ đã trải qua nhiều vị trí công tác tại địa phương nên việc gắn bó với các hoạt động phong trào ở cơ sở đã “ngấm” vào máu. Tuy nhiên, để “đứng mũi, chịu sào”, đặc biệt, khi cần đưa ra những chủ trương, quyết sách lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho 136 hộ dân trên địa bàn quả là không hề đơn giản. Thêm vào đó, một bộ phận dân cư trong xóm ban đầu không mấy thiện cảm với việc nữ làm trưởng xóm bởi quan niệm lạc hậu “đàn bà xó bếp” nên áp lực đối với chị càng lớn. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm ham học hỏi, chị nhanh chóng tự tin và thể hiện bản lĩnh khi đưa ra các quyết sách đúng, trúng, tạo được sự đồng thuận của nhân dân và dần xóa đi định kiến về người phụ nữ tham gia công tác xã hội. Với tác phong “miệng nói, tay làm”, bắt đầu từ việc tranh thủ mọi sự hỗ trợ của cấp trên, của những điển hình trong phát triển kinh tế, chị Mơ tập trung vận động người dân tranh thủ nguồn vốn ưu đãi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích các gia đình tìm nghề mới, phát triển kinh doanh thương mại dịch vụ dọc tuyến quốc lộ. Đến nay, người dân trong xóm đã phát triển đa dạng các mô hình kinh tế gia đình như: nuôi thủy sản, chăn nuôi công nghệ cao, trồng màu, làm thợ cơ khí, may công nghiệp, kinh doanh dịch vụ. Số hộ nghèo của xóm vì thế cũng giảm xuống còn 2 hộ, chiếm 0,07% tổng số hộ dân trong xóm. Song song với việc phát triển kinh tế, xóm Xuân Hương đã dân chủ bàn bạc bổ sung vào hương ước xóm một số nội dung về thực hiện nếp sống văn hóa mới, phát huy thuần phong mỹ tục trong các gia đình, dòng họ, phong tục tập quán cộng đồng. Qua đó, ý thức sống và làm việc theo pháp luật của nhân dân ngày càng được nâng cao, không có bạo lực gia đình, khiếu kiện vượt cấp; đặc biệt là giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, là tiêu chí khó thực hiện đối với những xóm có nhiều đồng bào theo đạo Công giáo. 

Chia tay những trưởng thôn tiêu biểu đại diện cho thế hệ trẻ tham gia công tác cơ sở với bao dự định, công việc để phát triển kinh tế, giảm nghèo, chỉnh trang ruộng đồng thôn xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… đã cho chúng tôi niềm tin về sức trẻ, lòng nhiệt tình, trách nhiệm, luôn đặt lợi ích chung của nhân dân lên trên hết. Đó là điểm tựa vững chắc cho những trưởng thôn thế hệ 8X hoàn thành nhiệm vụ mà cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm giao phó. Từ những điển hình trên, việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố đang được nỗ lực thực hiện trong toàn tỉnh đã thực sự góp phần quan trọng, tạo luồng gió mới nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như các phong trào thi đua ở cơ sở trong giai đoạn mới./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com