Bình Hòa xây dựng "Xóm văn hóa - nông thôn mới"

08:11, 16/11/2018

Xã Bình Hòa là điểm sáng của huyện Giao Thủy về thực hiện phong trào xây dựng xóm văn hóa gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, các công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa ở các thôn xóm trong xã đã được đầu tư xây dựng đồng bộ và phát huy hiệu quả, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng cao, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. 

Đổi thay ở xã Bình Hòa.
Đổi thay ở xã Bình Hòa.

Xác định xây dựng xóm văn hóa - nông thôn mới cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xã Bình Hòa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng chương trình hành động bám sát các văn bản chỉ đạo của các cấp về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa - nông thôn mới”, “Xóm (tổ dân phố) văn hóa - nông thôn mới”, “Xã (thị trấn) văn hóa - nông thôn mới”. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã đã chỉ đạo các thôn, xóm đoàn kết xây dựng xóm văn hoá - nông thôn mới, gia đình văn hoá - nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa làm nền tảng cho công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá - nông thôn mới với các tiêu chí phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, đạo lý dân tộc, đã thu hút các gia đình tham gia. Qua bình xét hằng năm, số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá - nông thôn mới” ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Hằng năm, xã có trên 85% số hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa - nông thôn mới”. Nhiều gia đình văn hoá tiêu biểu của xã là những đảng viên gương mẫu đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới địa phương; tiêu biểu như các ông: Mai Đình Kính, Nguyễn Văn Khuông xóm 1, Nguyễn Văn Yên xóm 16, mỗi người đã hiến hàng trăm diện tích đất lúa. Từ sự gương mẫu của những đảng viên, đã có gần 30 hộ dân trong xã đóng góp đất nông nghiệp; trong đó tiêu biểu là gia đình các ông: Lê Văn Năm hiến 319m2, Lê Văn Cảnh hiến 297m2, Trần Văn Định xóm 7 hiến 280m2... Phong trào xây dựng xóm văn hóa - nông thôn mới của xã đạt được kết quả tích cực. Đến nay, 12/15 xóm được công nhận danh hiệu “Xóm văn hóa - nông thôn mới”. Xóm 3, xã Bình Hòa 15 năm qua được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện. Cán bộ và nhân dân trong xóm luôn đoàn kết, thực hiện tốt các phong trào thi đua ở địa phương. Để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hội họp của các tổ chức đoàn thể, các xóm tích cực vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng nhà văn hóa. Ngoài nhà văn hóa xã được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng, hiện tại, cả 15 xóm đều có nhà văn hóa, trong đó 4 nhà văn hóa xóm được xây mới với kinh phí mỗi nhà văn hóa khoảng 300 triệu đồng. Tại các nhà văn hóa xóm 1, 2, 3, 4, 8, 10 đều thành lập các đội văn nghệ, mỗi đội có từ 10-20 thành viên. Đội văn nghệ xóm 3 có 25 thành viên, tự biên, tự diễn nhiều tiết mục hát mới. Đội chèo xóm 2 dàn dựng các trích đoạn chèo cổ và các hoạt cảnh về xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa được đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Từ những năm 1965-1966, đội văn nghệ xóm 8 đã được thành lập để phục vụ các dịp hội làng. Trải qua một thời gian trầm lắng, năm 2005, chi bộ Đảng xóm 8 đã chỉ đạo các đoàn thể vận động những người có năng khiếu thành lập câu lạc bộ văn nghệ dân gian. Đến nay, câu lạc bộ có 25 thành viên, chủ yếu là hội viên người cao tuổi của xóm thường xuyên sinh hoạt, luyện tập, tự biên, tự diễn nhiều tiết mục hát chèo, hát văn. Ngoài các đội văn nghệ ở các xóm, xã còn có câu lạc bộ tiếng hát phụ nữ với 15 thành viên tham gia và câu lạc bộ thơ người cao tuổi thường xuyên sinh hoạt tại nhà văn hóa xã. Một số xóm đã có sân bóng đá, bóng chuyền để nhân dân thường xuyên luyện tập. Đội bóng đá của các xóm 8, 10, 12; đội bóng chuyền của các xóm 1, 3, 4 luôn thu hút hàng chục người tham gia ở mọi lứa tuổi. 

Nhằm gìn giữ những giá trị thuần phong mỹ tục truyền thống, cả 15 xóm trong xã đều đã xây dựng hương ước, quy ước nếp sống văn hoá. Thông qua vai trò của các tổ chức đoàn thể, các đám cưới được điều chỉnh bằng quy ước, hương ước xóm nên các thủ tục cưới hỏi được tổ chức đơn giản nhưng trang trọng, không phô trương hình thức. Đặc biệt vai trò tiên phong của đảng viên được phát huy trong cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn” và “ăn cỗ không lấy phần”. Tiêu biểu như gia đình đảng viên Nguyễn Văn Bốn, xóm 6 tổ chức cỗ cưới cho con gái đơn giản, tiết kiệm theo phương châm “làm cỗ vừa đủ ăn” và “ăn cỗ không lấy phần”. Từ sự gương mẫu của những đảng viên như ông Bốn, nhiều người đã ý thức việc ăn cỗ lấy phần là không văn minh. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới còn giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn bớt vất vả hơn trong việc lo các thủ tục cưới xin, làm cỗ và tiết kiệm chi phí. Các gia đình có việc hiếu đã thực hiện tốt quy định của pháp luật và hương ước xóm trong việc tổ chức tang lễ; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội như: Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ trong thành phần ban tang lễ. Các lễ hội cũng được tổ chức đúng quy định. Trên địa bàn xã có Đền - Chùa Diêm Điền được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hằng năm, vào ngày 16-3 (âm lịch) tại đền Diêm Điền thường tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ ông tổ khai hoang lập ấp, giáo dục con cháu ghi nhớ công đức tổ tiên. Tại Chùa Diêm Điền trong ngày lễ Phật đản, chi Hội Khuyến học chùa còn tổ chức phát học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. 

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, phong trào xây dựng xóm văn hóa - nông thôn mới ở xã Bình Hòa phát triển bền vững và ngày càng được nâng cao về chất lượng. Đó là động lực để nhân dân địa phương tiếp tục xây dựng cuộc sống mạnh giàu, hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com