Ý Yên phát triển làng nghề, nâng cao thu nhập cho nông dân

08:09, 26/09/2018

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn ở Ý Yên những năm gần đây đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, nâng cao thu nhập cho nông dân. 

Trước đây, người dân ở Ý Yên hầu như không được đào tạo nghề, họ chủ yếu chỉ lao động bằng kinh nghiệm do có làng nghề truyền thống, không có nhiều điều kiện tiếp cận với những kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nên hiệu quả sản xuất không cao, lao động manh mún, nhỏ lẻ. Đến nay, nhờ được đào tạo nghề, một bộ phận không nhỏ lao động nông nghiệp đã có thể tiếp cận được với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có kỹ năng và định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Huyện ủy, UBND huyện Ý Yên đã quan tâm chỉ đạo duy trì, mở rộng và phát triển ngành nghề nông thôn. Hiện trên địa bàn huyện có 3 cụm công nghiệp với 195 doanh nghiệp, 37 điểm công nghiệp ở 20 xã với hơn 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề như: may mặc, đóng tàu, xây dựng, đúc, sản xuất gạch, đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre đan xuất khẩu... Trong đó, ngành may mặc và mây tre đan, nứa ghép xuất khẩu có tỷ lệ thu hút lao động khá cao so với các ngành còn lại. Toàn huyện hiện có 27 làng nghề ở 18 xã, thị trấn với hàng nghìn hộ kinh doanh; trong đó, một số làng nghề nổi tiếng như: đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá, đúc đồng Thị trấn Lâm; nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên, mây tre đan xuất khẩu ở Yên Tiến... Các làng nghề không chỉ giới hạn trong phạm vi làng, xã mà còn mở rộng ra địa bàn các xã lân cận, tạo công việc và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Thực hiện chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, được sự quan tâm tạo điều kiện về nguồn vốn, kinh nghiệm sản xuất, các hộ sản xuất đã bắt nhịp với thị trường, sáng tạo, phát triển làng nghề, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chị Dương Thị Tuyết, Giám đốc Cty TNHH Đúc đồng Tuyết Linh, Thị trấn Lâm cho biết: "Là một doanh nghiệp đứng chân trên làng nghề truyền thống đúc đồng Ý Yên, những năm qua, Cty đã tích cực hỗ trợ và phát triển ngành nghề truyền thống, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn". Hiện các sản phẩm của doanh nghiệp như: đồ thờ, lư, hạc, chân nến, tranh đồng, chữ đồng, trống đồng... đã tạo dựng được uy tín và được khách hàng rất ưa chuộng. Với 12 lao động thường xuyên và hàng chục lao động "vệ tinh" ở các hộ sản xuất, bình quân thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Nghề làm tre nứa ghép ở xã Yên Tiến cũng đang giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm tre nứa ghép được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài mang lại lợi nhuận 200 đến 400 triệu đồng/năm cho một xưởng sản xuất có quy mô trung bình. Nhờ thực hiện tốt các giải pháp duy trì và phát triển làng nghề đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động trên địa bàn huyện.

Đồng chí Nguyễn Huy Liệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết, huyện đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 16-CT/TU ngày 24-6-2010 của Ban TVTU về đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Ý Yên đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 1956/QĐ-TTg, xây dựng kế hoạch và đề án triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nếu năm 2008, số lao động được đào tạo nghề có trên 36 nghìn lao động thì đến năm 2017, toàn huyện đã đào tạo được trên 57 nghìn lao động. Các lĩnh vực đào tạo tập trung chủ yếu ở ngành nghề CN-TTCN, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, may mặc, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ... Lao động sau khi được đào tạo đều có việc làm và thu nhập ổn định ở mức 4,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Để đạt được kết quả đó, trong 10 năm qua (2008-2018), Huyện ủy, UBND huyện Ý Yên đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, huyện đã tận dụng cơ chế, chính sách kịp thời nhằm phát triển các ngành nghề truyền thống, tạo thêm cơ hội về việc làm cho lao động nông thôn. Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước, huyện đã thu hút các nhà đầu tư mở rộng sản xuất, tận dụng thế mạnh của địa phương là có nhiều làng nghề truyền thống để phát triển kinh tế nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi những tập quán sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu của nông dân. Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, hướng đến các nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn để tăng cường khả năng tiếp cận của các cơ sở đến nguồn vốn ưu đãi. Tăng cường cho nông dân vay vốn kết hợp với công tác khuyến nông và khuyến công. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, ưu tiên cho những lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ. Kết hợp hài hòa giữa việc hiện đại hóa sản xuất với phát triển theo hướng bền vững nhằm tạo cơ hội để lao động nông thôn vừa phát triển được các ngành nghề truyền thống, vừa tiếp cận được nền sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó, HND và các tổ chức đoàn thể cũng tăng cường hỗ trợ nông dân hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm, bởi sản xuất của các hộ nông dân trong làng nghề phổ biến là nhỏ lẻ, manh mún, điều đó gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm. Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện và các ngành, đoàn thể của huyện Ý Yên đã giúp các hộ sản xuất hình thành những nhóm hộ hợp tác với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện tốt để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường. 

Để duy trì, mở rộng và phát triển làng nghề truyền thống, thời gian tới, huyện ủy, UBND huyện tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu làng nghề, đa dạng hóa sản phẩm, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, tiếp cận các nguồn vay, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Ngoài ra có những chính sách tích cực trong việc giới thiệu việc làm cho lao động đã qua đào tạo, khuyến khích các cơ sở sản xuất trong các làng nghề tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn./.

Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com