Đa dạng các mô hình thực phẩm an toàn

07:09, 25/09/2018

Trước thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề đáng báo động, việc nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn có ý nghĩa quan trọng. Những năm gần đây, các ngành chức năng của tỉnh đã khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn.

Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác ATTP tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định).
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác ATTP tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định).

Sở Y tế đã xây dựng và triển khai các mô hình như: ATTP lễ hội, ATTP làng nghề, ATTP thức ăn đường phố... nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân về ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Mô hình ATTP lễ hội được triển khai tại phường Lộc Vượng (TP Nam Định) và các xã: Mỹ Phúc (Mỹ Lộc), Kim Thái (Vụ Bản); mô hình ATTP làng nghề được triển khai tại 2 xã Nam Dương (Nam Trực) và Yên Phú (Ý Yên) với các sản phẩm là miến và rượu thủ công. Mô hình ATTP thức ăn đường phố được triển khai tại các phường: Trần Tế Xương, Quang Trung, Thống Nhất (TP Nam Định). Mới đây, Sở Y tế lại triển khai 2 mô hình điểm đảm bảo ATTP khu du lịch tại Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) và đảm bảo ATTP lễ hội tại Thị trấn Gôi (Vụ Bản). Sở NN và PTNT cũng đang xây dựng và triển khai thành công các chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn trong toàn tỉnh và đến nay đã tạo được liên kết của 20 mô hình các cơ sở, doanh nghiệp tiêu biểu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản sạch; triển khai hỗ trợ 13 mô hình khuyến khích phát triển nghề muối, triển khai tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc cho 6 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định; phối hợp lựa chọn các cơ sở đủ điều kiện ATTP mang sản phẩm trưng bày tại Trung tâm giới thiệu nông sản sạch. Tiêu biểu trong các mô hình liên kết an toàn của ngành Nông nghiệp là: Cửa hàng thực phẩm Linh Chi trên phố Nguyễn Trãi (TP Nam Định), cửa hàng rau sạch Sunday trên đường Vị Hoàng (TP Nam Định)... Các đơn vị này liên kết với các cơ sở đủ điều kiện ATTP nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước có các mặt hàng được xác nhận an toàn của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản để cung ứng tới người tiêu dùng. Ngoài ra, Sở NN và PTNT còn phát triển các vùng trồng rau an toàn tại một số địa phương thuộc các huyện Ý Yên, Giao Thủy, Xuân Trường, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Hải Hậu. Tiêu biểu như mô hình sản xuất rau an toàn tại các xã Giao Phong (Giao Thủy), Xuân Ninh (Xuân Trường), Yên Nhân, Yên Dương (Ý Yên); mô hình trồng rau tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản của Trung tâm Giống cây trồng Nam Định, mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và theo công nghệ Nhật Bản của Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh tại huyện Vụ Bản, mô hình sản xuất thử nghiệm rau an toàn bằng phương pháp khí canh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (CCN An Xá)... Các mô hình được triển khai với mục đích sản xuất rau theo hướng an toàn cung ứng cho người tiêu dùng và nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất rau truyền thống sang sản xuất rau an toàn cho người sản xuất rau trong vùng, từ đó làm cơ sở nhân rộng mô hình sang các địa phương khác. Ngoài ra, Sở NN và PTNT còn hình thành một số mô hình nuôi trồng thủy sản như: Vùng nuôi tôm chân trắng thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Giao Phong (Giao Thuỷ); mô hình nuôi cá bống bớp tại Nghĩa Hưng, sản phẩm sứa ăn liền ở Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), ngao sạch Giao Thủy, nghêu sạch Lenger tại CCN An Xá…

Cùng các ngành chức năng, các đoàn thể cũng tổ chức vận động các đơn vị trực thuộc tham gia xây dựng các mô hình ATTP như: Hội LHPN tỉnh chỉ đạo xây dựng và duy trì hoạt động các mô hình: “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn” ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc); CLB “Sản xuất và tiêu dùng sạch” của Hội Phụ nữ phường Cửa Nam (TP Nam Định); mô hình dịch vụ nấu cỗ tại xã Nam Hồng (Nam Trực); mô hình trồng rau sạch của các nhà sư và nữ phật tử Chùa Ỏn (TP Nam Định)… Hội Nông dân các cấp với mô hình “Chăn nuôi an toàn và không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”. Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở NN và PTNT, Sở KH và CN, Sở Công thương tổ chức mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học cho đoàn viên, thanh niên trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cho năng suất cao và đảm bảo vệ sinh ATTP… 

Các mô hình ATTP trên địa bàn tỉnh đã và đang được khẳng định, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức nhằm thay đổi tập quán sản xuất, nuôi trồng truyền thống sang sản xuất, nuôi trồng, thu hoạch an toàn, từ đó làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai các mô hình cũng nảy sinh không ít khó khăn: Phần lớn quy mô các mô hình còn nhỏ nên chưa tác động nhiều đến cộng đồng. Bên cạnh đó, việc quy hoạch các vùng trồng trọt, các trang trại chăn nuôi tập trung, khu giết mổ an toàn chưa thực hiện được nhiều. Một số vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được việc sản xuất thực phẩm sạch nhưng chủ yếu để phục vụ xuất khẩu, còn phần lớn mô hình sản xuất của người dân quy mô nhỏ nên rất khó để quản lý chất lượng, khó cung ứng ổn định các sản phẩm an toàn cho thị trường. Mặt khác, chi phí đầu tư cho sản xuất và giá thành sản phẩm thực phẩm an toàn cao hơn nhiều so với các sản phẩm thông thường, từ đó, việc liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp lỏng lẻo, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, sự hạn chế trong nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất và doanh nghiệp đối với việc sản xuất, cung ứng, mua bán thực phẩm an toàn dẫn đến việc thực phẩm không an toàn, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường...

Để phát triển đa dạng các mô hình thực phẩm an toàn, tỉnh và các ngành chức năng cần có các giải pháp hỗ trợ, tạo cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể, cá nhân cùng đầu tư tham gia phát triển các mô hình thực phẩm an toàn. Các ngành chức năng, các địa phương cũng cần tăng cường tập huấn, tuyên truyền, giám sát, tích cực vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm để họ trở thành những người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, những người tiêu dùng thông thái, bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com