Phát huy đúng vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh

08:08, 03/08/2018

Là một tổ chức tự nguyện, Ban đại diện cha mẹ học sinh (Hội cha mẹ học sinh, Hội phụ huynh học sinh) có ý nghĩa thiết thực trong việc kết nối giữa nhà trường và gia đình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ thực sự phát huy được hiệu quả và có ý nghĩa khi làm đúng vai trò của mình trong việc đảm bảo quyền lợi cho học sinh và phụ huynh.

Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) truy bài trước giờ lên lớp.
Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) truy bài trước giờ lên lớp.

Là “cầu nối” giữa nhà trường với gia đình nên Ban đại diện cha mẹ học sinh có nhiệm vụ thu tiền quỹ lớp, thống nhất việc mua sắm đồ dùng cần thiết cho học sinh, đồng thời phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ học sinh tại lớp, tại trường; tham gia và hỗ trợ nhà trường trong việc chăm lo đời sống sinh hoạt, học tập của con em mình; chung tay huy động xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường; truyền tải những quy định, chủ trương trong việc thực hiện các nhiệm vụ GD và ĐT tại trường... Từng thành viên Ban đại diện cũng nắm bắt, lắng nghe ý kiến của các phụ huynh trao đổi về tình hình sinh hoạt, học tập của học sinh, những khoản thu, chi của lớp, của trường…, từ đó tổng hợp, trao đổi kịp thời với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Được biết, khi Bộ GD và ĐT ban hành Thông tư 55, ngày 22-11-2011 về điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh đã tạo hành lang pháp lý cho tổ chức này hoạt động ngày càng hiệu quả. Theo đó, nhiều Ban đại diện hội cha mẹ học sinh không chỉ đại diện tiếng nói, bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh, là “cầu nối” để thống nhất các hoạt động giữa nhà trường và gia đình mà còn huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và chăm lo tốt đời sống cho đội ngũ giáo viên, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng GD và ĐT. Ngoài ra, nhiều nơi Ban đại diện cha mẹ học sinh đã thực hiện tốt việc phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống và nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó nâng cao trách nhiệm của gia đình trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh... 

Tuy nhiên, ở một số trường học, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa phát huy đúng chức năng của mình theo quy định của điều lệ mà Bộ GD và ĐT đã ban hành tại Thông tư 55. Thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, một số trường học đã thu các khoản thu không đúng quy định, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Thực tế với nhiều học sinh ở nông thôn, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn thì những khoản thu ngoài danh mục dù chỉ vài chục ngàn đồng cũng là nỗi lo không nhỏ. Học sinh ở một số trường trên địa bàn Thành phố Nam Định nhiều năm còn phải đóng góp những khoản thu xã hội hóa, quỹ lớp, quỹ trường lên đến tiền triệu cũng đã nhiều lần được dư luận nhắc đến. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu thời gian qua là do các trường lợi dụng những kẽ hở của công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này đề ra các khoản thu “tự nguyện” dưới hình thức của Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu. Các khoản thu này nhà trường không hạch toán theo quy định. Thực tế, trong các buổi họp phụ huynh đầu năm học, các gia đình đều đồng thuận khi đóng những khoản tiền theo quy định của Nhà nước như học phí, tiền học buổi thứ hai, tiền học thêm trong nhà trường hoặc một số khoản nhà trường thu hộ như BHYT (bắt buộc), quỹ Đoàn, quỹ Đội, tiền mua sách, vở, đồng phục, gửi xe đạp, nước uống... Điều khiến các phụ huynh băn khoăn và bức xúc chính là các khoản thu có tên gọi là “tự nguyện” hay dưới danh nghĩa “xã hội hóa” do Ban đại diện mẹ học sinh đứng lên thu. Đó là các khoản thu quỹ hội lớp, quỹ hội trường, thu hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường, hỗ trợ giáo dục... Trong khi điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh không có khái niệm nào gọi là “quỹ lớp” hay “quỹ cha mẹ học sinh”. Mặc dù vào đầu các năm học mới, Bộ GD và ĐT đều có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện thu, chi theo đúng quy định của Nhà nước, không để xảy ra tình trạng lạm thu. Trong đó, đối với những khoản thu để mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt như đồng phục, quần áo thể dục - thể thao, phù hiệu học sinh..., các cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh học sinh, phụ huynh tự lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức thực hiện thích hợp. Đối với những khoản đóng góp cho nhà trường để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ trong công tác nuôi, dạy học sinh như: tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống..., yêu cầu nhà trường phải trao đổi và có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi bảo đảm nguyên tắc thu đủ bù đắp chi phí. Các trường vận động phụ huynh tham gia BHYT cho con em mình theo đúng quy định của Luật BHYT và cần giải thích rõ nội dung và tính chất bắt buộc của BHYT để phụ huynh không hiểu lầm khi mua các loại bảo hiểm thương mại. Bên cạnh đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư 55. Tuyệt đối không tổ chức thu của phụ huynh để chi cho các khoản không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các công trình của nhà trường… Ngành giáo dục khuyến khích sự đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng khoản đóng góp này phải tuân thủ các nguyên tắc và yêu cầu trong thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục phải tổ chức thu, quản lý và thông báo dự toán sử dụng, công khai quyết toán những khoản đóng góp tự nguyện theo đúng quy định của pháp luật; không tùy tiện lập quỹ để buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện. Trong Thông tư 55 của Bộ GD và ĐT đã ban hành, chỉ có một quy định đó là khoản kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Kinh phí này được thống nhất trong hội phụ huynh. Vì vậy, nếu khoản thu đó không hợp lý thì phụ huynh phải có ý kiến. Không có chuyện bắt Ban đại diện cha mẹ học sinh phải đóng góp mua máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho nhà trường. Ngoài Thông tư 55 của Bộ GD và ĐT, hằng năm UBND tỉnh, Sở GD và ĐT đều có văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Và mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học của ngành GD và ĐT, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành GD và ĐT kiểm tra, rà soát các khoản thu trong các cơ sở giáo dục, kiên quyết chống lạm thu trong nhà trường.

Năm học mới đang đến gần! Hy vọng các ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ phát huy tốt vai trò, làm đúng chức năng của mình để những khoản thu đầu năm học không còn là nỗi lo lắng cho phụ huynh, học sinh và gây bức xúc trong dư luận xã hội./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com