Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến xã

08:08, 21/08/2018

Hiện tỉnh ta đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) ban đầu đến 229 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Các trạm y tế trong tỉnh đều đã triển khai hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ KCB thanh toán BHYT. Do chính sách BHYT thời gian qua đã góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ tại trạm y tế, nâng cao ý thức của cán bộ, nhân viên y tế nên tỷ lệ người dân được tiếp cận dịch vụ y tế ngày càng tăng, quyền lợi của người tham gia BHYT được giải quyết đầy đủ, kịp thời.

Tư vấn phòng chống dịch bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Nam Phong (TP Nam Định).
Tư vấn phòng chống dịch bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Nam Phong (TP Nam Định).

Toàn tỉnh có trên 90% xã, phường, thị trấn đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế, là điều kiện tốt cho KCB nói chung và KCB BHYT nói riêng. Để phục vụ công tác KCB BHYT, những năm qua, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ các địa phương mua sắm, bổ sung trang thiết bị y tế hiện đại cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn; đào tạo, luân chuyển cán bộ hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở cơ sở. Hiện tại toàn tỉnh đã có 204/229 trạm y tế có bác sĩ (đạt tỷ lệ 89%); 3.701/3.701 thôn, tổ dân phố có cán bộ y tế hoạt động (đạt 100%). Về cơ sở hạ tầng, UBND các xã, phường, thị trấn đã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các trạm y tế đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật để triển khai các nhiệm vụ KCB, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Qua phấn đấu đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế, các trạm y tế đã có đủ phòng chức năng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật y tế, giúp cho công tác KCB đạt chất lượng, hiệu quả. Trình độ chuyên môn của cán bộ y tế tại trạm y tế được nâng lên, có khả năng sử dụng các trang thiết bị hiện đại phục vụ KCB ngay ở tuyến xã. Từ năm 2011 đến nay, từ nguồn ngân sách của ngành Sở Y tế đã cấp gần 5 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị cho các trạm y tế trong tỉnh. Điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đảm bảo đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác KCB BHYT tại các trạm y tế. Chất lượng các dịch vụ y tế được cải thiện, số lượng bệnh nhân tới KCB BHYT tại trạm y tế ngày càng tăng, trung bình hàng chục đến hàng trăm người mỗi ngày. Người dân ngày một tin tưởng, hài lòng hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế.

Tuy nhiên, việc KCB BHYT ở trạm y tế xã, phường, thị trấn hiện vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như việc cập nhật dữ liệu còn thiếu hoặc nhầm lẫn, đường truyền hệ thống máy tính yếu, chậm, nhiều khi lỗi mạng. Tại Trạm Y tế xã Nam Hùng (Nam Trực), tỷ lệ bao phủ BHYT của xã đạt 84,3%. Phương tiện KCB tại trạm tương đối đầy đủ, tỷ lệ các hộ dân tham gia KCB BHYT ngày một tăng do nhiều chính sách ưu tiên, bệnh nhân tin tưởng vào chuyên môn của cán bộ y tế. Tuy nhiên vướng mắc khi triển khai KCB BHYT tại trạm y tế là đường truyền hệ thống máy tính tại trạm y tế yếu và chậm, thường xuyên lỗi mạng làm ảnh hưởng tới công tác KCB BHYT... Bên cạnh đó, nhiều trạm y tế còn khó khăn về trang thiết bị, thuốc thiết yếu; thậm chí thiếu cả những trang thiết bị tối thiểu như máy đo huyết áp, máy khí dung, máy hút điện, máy châm cứu, xét nghiệm đường huyết mao mạch…, có trạm y tế được trang bị máy siêu âm xách tay, máy điện tim nhưng việc sử dụng còn hạn chế. Một số trạm y tế thiếu các thuốc trong danh mục, kể cả các thuốc điều trị các bệnh mạn tính, thông thường, thiếu thuốc y học cổ truyền (YHCT)… Tại Trạm Y tế xã Quang Trung (Vụ Bản), tỷ lệ KCB YHCT, YHCT kết hợp y học hiện đại chiếm 25-26% tổng số lượt KCB tại trạm. Trạm y tế có vườn thuốc nam, có bác sĩ đa khoa học qua YHCT, đã thực hiện được một số thủ thuật như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu. Tuy nhiên, hiện nay trang thiết bị KCB YHCT tại trạm y tế chỉ có máy điện châm… Do trang thiết bị thiếu dẫn đến thủ thuật sơ sài nên bệnh nhân thường có xu hướng chuyển lên tuyến trên… Mặt khác, quy định về cơ cấu chi cho tiền công KCB tại xã từ nguồn thu tiền khám bệnh tại trạm y tế xã chưa có hoặc thực hiện khác nhau ở các địa phương, chưa tạo động lực cho các trạm y tế thực hiện KCB. Điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phạm vi chuyên môn còn hạn chế và chưa đồng đều tại các trạm y tế. Về nhân lực, các trạm y tế cơ bản đủ số lượng, tuy nhiên phân bổ không đều; vẫn còn một số trạm y tế không có bác sĩ, không có y sĩ YHCT. Chất lượng đội ngũ y, bác sĩ tuyến cơ sở chưa đồng đều và còn hạn chế…

Thực hiện chỉ tiêu đến hết năm 2018 có trên 87% dân số có thẻ BHYT và đến năm 2020 có trên 90,7% dân số có thẻ BHYT, nâng cao chất lượng công tác KCB tại tuyến y tế cơ sở, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tập trung đầu tư toàn diện cả về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; tăng cường quản lý, điều trị các bệnh mãn tính tại trạm y tế. Đầu tư trang thiết bị phù hợp năng lực chuyên môn của trạm y tế xã, trước mắt là các trang thiết bị KCB thông thường. Đối với các địa phương có đủ trình độ thì mở rộng dịch vụ siêu âm, điện tim để nâng cao chất lượng KCB tại trạm y tế tuyến xã, phát hiện bệnh tật, tăng niềm tin của người bệnh; bảo đảm cung cấp dịch vụ xét nghiệm cơ bản đáp ứng các bệnh thông thường theo gói dịch vụ y tế cơ bản, đặc biệt là bệnh không lây nhiễm. Thống nhất cơ chế chuyển gửi mẫu và trả kết quả xét nghiệm từ trạm y tế xã lên trung tâm y tế huyện với những xét nghiệm không thực hiện được tại trạm y tế xã. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của trạm y tế theo mô hình chuẩn, đáp ứng được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao. Hoàn thiện bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý KCB, thanh toán BHYT. Ngành Y tế và BHXH tỉnh cũng đang tiếp tục phối hợp phát huy kinh nghiệm đạt được để thực hiện tốt chính sách BHYT như: triển khai thực hiện đúng hướng dẫn liên ngành về thực hiện biểu giá viện phí mới, tổng hợp những vướng mắc phát sinh khác, thống nhất phương thức thanh toán đảm bảo đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở KCB, đặc biệt là các cơ sở có biểu hiện gia tăng chi phí hoặc có dấu hiệu bội chi quỹ. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chính sách pháp luật BHYT trong nhân dân; thường xuyên giám sát việc kê đơn thuốc, thực hiện theo đúng các văn bản hướng dẫn hiện hành, đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả, góp phần đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com