Buồn vui phóng viên theo dõi thị trường

08:06, 20/06/2018

Nghề báo vốn vất vả, nhiều áp lực. Với phóng viên theo dõi lĩnh vực quản lý thị trường trong điều kiện hiện nay, ngoài áp lực công việc, còn phải đối mặt với những nguy hiểm đến tính mạng trong quá trình tác nghiệp, thu thập thông tin về những vụ việc làm ăn phi pháp, cùng với lực lượng chức năng lật giở những chiêu trò kinh doanh xảo trá diễn ra trên thị trường… 

Tác giả (bên phải) phỏng vấn lực lượng Cảnh sát biển về các biện pháp chống buôn lậu xăng dầu tại vùng biển, đảo Tây Nam Tổ quốc.
Tác giả (bên trái) phỏng vấn lực lượng Cảnh sát biển về các biện pháp chống buôn lậu xăng dầu tại vùng biển, đảo Tây Nam Tổ quốc.

Hơn 15 năm gắn bó với Báo Nam Định, được Ban Biên tập phân công theo dõi mảng thị trường, tôi có điều kiện đi sâu tìm hiểu và cập nhật thông tin về thị trường tiêu dùng, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc phân định hàng giả, hàng nhái. Điều khiến tôi cảm thấy thú vị nhất là do đặc tính của thị trường liên tục vận động với nhiều diễn biến mới, kể cả xu hướng tích cực và tiêu cực nên mảng tuyên truyền về thị trường khá linh hoạt, sinh động, người viết luôn có cảm hứng mới. Ngoài việc viết bài, sau mỗi lần làm việc với cơ quan chức năng hay đi thực tế, những thông tin nóng về thị trường đều được tôi “tuyên truyền” miệng đến anh em bạn bè, người thân trong gia đình. Lâu rồi thành quen, tôi trở thành tư vấn thị trường của mọi người, nhất là hướng dẫn nhận biết dấu hiệu hàng giả của các loại sản phẩm... nên càng thấy vui mỗi khi nghĩ về nghề của mình. Những niềm vui nho nhỏ đó đã giúp cho tôi có thêm động lực để vượt qua khó khăn, dấn thân tìm tòi tư liệu trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, với mong muốn tác phẩm báo chí của mình góp phần truyền tải thông tin diễn biến thị trường đến với bạn đọc. Vậy nên việc lên đường làm nhiệm vụ đưa tin sự kiện cùng với cơ quan chức năng vào bất cứ thời gian nào là chuyện thường. Nhiều lúc phóng viên cũng thức trắng đêm tham gia “đánh án”, ngăn chặn những vụ việc trung chuyển hàng gian, hàng giả từ vùng biên giới hay các tỉnh lân cận về tiêu thụ trên địa bàn để có thông tin nhanh nhất về vụ việc, đồng thời cũng hiểu rõ hơn sự mưu trí, dũng cảm, những nhọc nhằn, vất vả của lực lượng chức năng trên mặt trận chống gian lận thương mại để chia sẻ cùng bạn đọc. Hoặc trong lần đi công tác về với vùng biển, đảo Tây nam của Tổ quốc cùng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, sau 3 ngày lênh đênh sóng nước tác nghiệp tại xã đảo Thổ Châu, lại không quen với nắng gió miền Tây nên tôi đã khá mệt. Vậy nhưng khi nghe thông tin các chiến sĩ Vùng 4 Cảnh sát biển bắt giữ được 3 tàu nước ngoài buôn lậu dầu trên biển thì mọi mệt nhọc lại tan biến. Tôi bỏ lịch trình tham quan đảo Phú Quốc để xuống xuồng cao tốc ra tận vùng giáp ranh biên giới biển giữa Việt Nam và Thái Lan, kịp ghi lại hình ảnh, thông tin về vụ việc và công tác chống gian lận xăng dầu trên biển. Những chuyến đi tác nghiệp thú vị đó đã làm cho hành trang của một phóng viên theo dõi thị trường thêm phong phú.

Tuy nhiên tương ứng với niềm vui là những nỗi trăn trở, bởi càng tiếp cận nhiều thông tin từ Ban chỉ đạo 389, càng canh cánh nỗi lo về thị trường ngày càng phức tạp, sự nhẫn tâm, bất chấp thủ đoạn của các đối tượng sản xuất hàng giả và những chiêu trò “phù phép” xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn bằng hóa chất độc hại để bán cho người tiêu dùng. Ngoài ra, thái độ cảnh giác, dè chừng của người sản xuất, kinh doanh với báo chí cũng khiến cho việc tác nghiệp không dễ dàng. Trong một lần tác nghiệp về vụ việc gian lận xăng dầu cùng lực lượng chức năng tại một cây xăng trên địa bàn Thành phố Nam Định, do chủ quan tôi sử dụng xe máy đến nơi; nhưng khi xong việc chuẩn   các chiến sĩ công an và cán bộ quản lý thị trường trong đoàn ngăn lại, đề nghị tôi lên xe ô tô của đoàn công tác cho đảm bảo an toàn, tránh sự làm “khó dễ” đối với nhà báo của những người vi phạm. Hay trong lần tác nghiệp cùng lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất tại khu chợ trung tâm Thành phố Nam Định, do mải chụp ảnh nên tôi không biết đoàn kiểm tra đã đi khá xa, chỉ có hai cán bộ kiên nhẫn nán lại đi cùng. Về trụ sở họp đoàn, tôi mới biết các anh được phân công “bảo vệ nhà báo” vì lo các chủ kinh doanh bị kiểm tra, xử lý vi phạm có thể manh động, gây khó khăn. Trong nhiều lần tác nghiệp những vụ việc có tính nhạy cảm thì máy ảnh của phóng viên phải cất đi mà thay thế bằng điện thoại di động; cũng phải hóa trang, áp dụng các kỹ năng điều tra đầy nguy hiểm…

Làm phóng viên theo dõi mảng thị trường tuy gian khổ, thậm chí có lúc hiểm nguy song cũng không ít niềm vui. Không vui sao được khi những bài viết của mình hữu ích với bạn đọc, góp phần vì một thị trường tiêu dùng lành mạnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com