Tích cực triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

08:03, 14/03/2018

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8-5-2017 Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua đó, từng bước thúc đẩy, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở, tạo điều kiện để người dân tiếp cận pháp luật và phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Người dân tìm hiểu các thủ tục hành chính tại Trung tâm Giao dịch hành chính “một cửa” huyện Xuân Trường.
Người dân tìm hiểu các thủ tục hành chính tại Trung tâm Giao dịch hành chính “một cửa” huyện Xuân Trường.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 12-6-2017 để thực hiện các nội dung Quyết định 619 trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. UBND tỉnh giao Sở Tư pháp hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về tiếp cận pháp luật cho cán bộ phòng Tư pháp 10 huyện, thành phố và 100% công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh. Nội dung hướng dẫn và tập huấn tập trung vào Quyết định số 619 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn về xây dựng xã, phường, thị trấn; các tiêu chí đánh giá tiếp cận pháp luật, cách tính điểm về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; nhiệm vụ, vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong quá trình xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua đó đã giúp đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch nhận thức được vai trò quan trọng của việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong giai đoạn hiện nay; nắm bắt quy trình, cách thức, phương pháp đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và nội dung của quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở tới cán bộ và nhân dân; ban hành các văn bản hướng dẫn về xây dựng, đánh giá tiếp cận pháp luật; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai các điều kiện để xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; phân công cán bộ tham mưu thực hiện các tiêu chí về tiếp cận pháp luật cho người dân... Đồng chí Hà Quang Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ý Yên cho biết: Xác định việc xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó chính quyền giữ vai trò nòng cốt, từ lãnh đạo, chỉ đạo đến tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung, nhiệm vụ, quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật đến toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân. Huyện giao mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương theo trách nhiệm, phạm vi quản lý đề ra các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật. Trong đó, đối với tiêu chí “Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật” gắn với triển khai Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và công tác thi hành pháp luật; tiêu chí “Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã” gắn với thực hiện kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016-2020; tiêu chí “Phổ biến, giáo dục pháp luật” gắn với thực hiện Luật Tiếp cận thông tin, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các văn bản, chính sách về xây dựng, phát triển và củng cố mạng lưới thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật tại cơ sở; tiêu chí “Hòa giải ở cơ sở” gắn với thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và quy định về hòa giải trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; tiêu chí “Thực hiện dân chủ ở cơ sở” gắn với thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các quy định về dân chủ ở cơ sở. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã tổ chức gần 900 cuộc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật với khoảng 40 nghìn lượt người tham dự. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận gần 200 vụ việc, đã hòa giải thành 170 vụ việc, đạt 85%, góp phần giữ ổn định an ninh trật tự, giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. 

Với việc tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đến nay toàn tỉnh đã có 169 xã, phường, thị trấn đủ điều kiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đây là điều kiện để hoàn thành tiêu chí thành phần 18.5 về xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí 18 “Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật” của Bộ tiêu chí quốc gia NTM giai đoạn 2016-2020, từ đó đủ tiêu chuẩn để được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, đây là năm đầu triển khai thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật nên nhiều nơi vẫn còn nhiều lúng túng trong tổ chức, triển khai thực hiện; công tác tập huấn, cung cấp tài liệu phục vụ nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên; một số tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật còn chung chung gây khó khăn khi thực hiện. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm nhiều đến công tác chuẩn tiếp cận pháp luật. 

Để đẩy mạnh công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, thời gian tới, các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tác động của công tác xây dựng, đánh giá tiếp cận pháp luật. Trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các cấp trong việc xây dựng xã, phường bảo đảm việc tiếp cận pháp luật cho người dân gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; hòa giải cơ sở... để nâng cao điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các sở, ngành có liên quan, các thành viên của hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật các cấp, trong việc xây dựng và cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc triển khai thực hiện, đồng thời biểu dương nhân rộng điển hình để đội ngũ công chức và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com