Đổi thay ở một vùng quê cách mạng

05:09, 01/09/2017

Là vùng phụ cận giáp ranh với Thành phố Nam Định, trong những năm kháng chiến chống Pháp cán bộ, nhân dân xã Nam Mỹ (Nam Trực) luôn đồng lòng, tích cực tham gia chống kẻ thù xâm lược.

Ngay sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (đêm 19-12-1946), hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, chi bộ Đảng xã đã thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy là phối hợp với tự vệ Thành phố Nam Định để bao vây địch, tiến hành tiêu thổ kháng chiến, tiến hành “vườn không nhà trống”, chống địch đánh lan ra, đồng thời đón tiếp, nhường nhà cửa cho các cơ quan xí nghiệp và đồng bào thành phố tản cư về, ổn định sản xuất và đời sống. Khi ấy nhân dân Nam Mỹ đã đóng góp hàng trăm tấn rơm rạ chuyển vào thành phố tẩm dầu thiêu đốt các nơi kiên cố phòng giặc dùng làm đồn bốt; dùng tre, gỗ dựng những chướng ngại vật ở các điểm xung yếu trong thành phố, ngăn cản bước tiến của giặc Pháp. Chi bộ Đảng xã đã tổ chức lực lượng phá hủy đoạn đường thuộc Quốc lộ 21 từ cống Cầu Quan đến mả Cô Đống, đắp ụ cản cơ giới từng đoạn từ Đò Bái, Đò Quan, Vạn Diệp, Ngô Xá…; cử người canh gác các điếm canh đê phòng địch trên sông, cùng các xã phía nam cắm kè chặn sông Đào ngăn không cho ca nô địch đi lại, lập 1 trạm cứu thương, 1 trạm nấu cơm tiếp tế cho bộ đội chiến đấu trên thành phố… Năm 1948, địch đóng bốt ở Vô Hoạn, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, quân và dân Nam Mỹ đã phối hợp với quân, dân các xã lân cận tổ lực lượng quấy rối các bốt, phá đường giao thông, cảnh giới, báo cho nhân dân tránh địch. Du kích xã tham gia phá phòng thông tin địch ở Vạn Diệp và Đồng Phù, tập kích bốt dõng ở Vạn Diệp, lập cây thông tin ở gốc gạo trên đê Ngô Xá… Giữa năm 1948, quân và dân trong xã phối hợp lực lượng vũ trang khác của huyện đồng loạt công kích tất cả các vị trí đóng bốt ở Nam Trực, cắt thông tin, phá giao thông trên đường 21 và 55... Nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên, du kích Nam Mỹ đã nêu cao dũng khí, kiên cường, một lòng vì kháng chiến; tiêu biểu như các đồng chí: Nguyễn Văn Quán, Trần Văn Chử có công xây dựng phong trào, diệt tề trừ gian; Đào Văn Xa, Nguyễn Văn Hưng nhiều lần chết hụt, đói rét vẫn lặn lội với phong trào. Các ông: Kiểm, Vận, Ngần, Nhì bị địch vây bắt, tra tấn dã man vẫn không tiết lộ bí mật, khi được tự do lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Gia đình các cụ: Độ, Minh, Điềm, Đăng, Cận, Quynh, Thân, Húc, Toan, Chiểu… hết lòng che chở, nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội và trở thành điểm tựa vững chắc cho cách mạng. Với những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc thời kỳ chống Pháp, Đảng bộ, quân và dân xã Nam Mỹ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Cô, trò Trường Mầm non Nam Mỹ trong giờ học ngoại khoá.
Cô, trò Trường Mầm non Nam Mỹ trong giờ học ngoại khoá.

Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân xã Nam Mỹ đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, tạo nên những chuyển biến căn bản, toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đến nay hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: điện, đường, trường, trạm, nước sạch sinh hoạt đã được xây dựng ở khắp các thôn, xóm. Hệ thống đường giao thông nông thôn hầu hết đã được nhựa hóa, bê tông hóa tới tận từng hộ gia đình, cả 8 xóm đều xây dựng nhà văn hóa diện tích từ 300m2 trở lên, là nơi sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí của khu dân cư, 3 trường học của xã đều đã đạt chuẩn quốc gia; riêng trường tiểu học xã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Trạm y tế, nghĩa trang liệt sĩ, chợ của xã được quy hoạch, xây dựng khang trang… Việc phát triển và xây dựng phong trào văn hóa cơ sở luôn được coi trọng, coi đó là nền tảng tinh thần của xã hội nhằm bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống cho người dân và xây dựng gia đình văn hóa, xóm văn hóa.

Để tạo nên những đổi thay đó, Đảng ủy xã qua các thời kỳ đã đề ra các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó, chú trọng đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất như đường, điện, trạm bơm tưới tiêu, bê tông hóa hệ thống kênh mương nội đồng và củng cố, nâng cấp hệ thống bờ vùng, bờ thửa để chống ngập úng, phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, xã thường xuyên mở các lớp tập huấn cho người dân nắm bắt được khoa học kỹ thuật nông nghiệp để áp dụng vào sản xuất, mở các lớp đào tạo nghề và định hướng cho các hộ dân cải tạo vườn tạp, chuyển những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh để tăng thu nhập. UBND xã đã xây dựng quy hoạch vùng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp từ những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tổng diện tích đất 2 lúa của xã là 270ha, trong đó đã chuyển đổi 93ha sang trồng đào, cây cảnh; thu nhập từ diện tích chuyển đổi đạt xấp xỉ 300 triệu đồng/1ha/1 năm. Các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm cũng đã nhân rộng tại các xóm trong xã với tổng đàn lợn trên 3.000 con, đàn bò gần 70 con, đàn gia cầm, thủy cầm gần 5.000 con. Thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 30 triệu đồng/năm. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt 86%. Đến nay, xã Nam Mỹ đã đạt 17/19 tiêu chí NTM.

Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Mỹ luôn ý thức được trách nhiệm với các thế hệ đi trước nỗ lực vượt qua khó khăn, chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com