Yên Dương - Mảnh đất anh hùng

04:09, 01/09/2017

Về  xã Yên Dương (Ý Yên) “làng kháng chiến” in dấu những chiến công hiển hách trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Yên Dương là một trong những “địa chỉ đỏ” của cách mạng với phong trào rào làng, xây dựng làng chiến đấu; đánh trả, làm thất bại những đợt càn quét của địch. Đầu năm 1950, địch tổ chức một cuộc hành quân lớn chiếm đóng và lập bốt tại núi Gôi, phong tỏa đường 10, đóng thêm bốt Cát Đằng và cầu Tào. Cũng trong thời gian này, địch huy động quân cơ động tổ chức nhiều cuộc tấn công và tiếp tục chiếm đóng thêm bốt Già, bốt Hoàng Đan, bốt Tiên Hương với âm mưu phá cơ sở kháng chiến và uy hiếp nhân dân. Trước tình hình đó, chi bộ Đảng xã đã lãnh đạo nhân dân tiến hành nhiều cuộc tấn công chống lại các cuộc càn quét của địch. Trong những năm tháng đầy máu lửa đó, nhiều cán bộ, đảng viên, du kích đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh để bảo vệ quê hương. Đồng chí Trần Đình Thảo, Bí thư chi bộ xã đã trực tiếp chỉ huy du kích chiến đấu. Trong một trận đánh địch, sau khi đã ném 10 quả lựu đạn vào hàng ngũ của địch, cản bước tiến của chúng làm thương vong một số tên, khi chuẩn bị ném quả lựu đạn thứ 11, đồng chí Thảo bị địch bắn, lựu đạn trên tay phát nổ nên đã hy sinh. Đồng chí Bùi Văn Hỷ trèo lên nóc nhà quan sát vị trí của địch để chỉ huy cho anh em ném lựu đạn, bị địch phát hiện và bắn trúng, đồng chí đã anh dũng hy sinh. Đồng chí Nguyễn Văn Đáp trước lúc hy sinh đã tự tay đốt nhà mình để địch không phát hiện ra cửa hầm bí mật đang có cán bộ trú trong đó. Đồng chí Phạm Đình Dục, tiểu đội trưởng du kích đang làm đồng, thấy địch vào làng đã trở về chiến đấu. Do quân địch quá đông, đồng chí rút xuống hầm. Địch phát hiện, cuốc cửa hầm lên, nã đạn vào, đồng chí Dục đã xông lên khỏi hầm, mở chốt lựu đạn làm một số tên địch bị chết và bị thương... Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Yên Dương đã chủ động phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đánh 32 trận, diệt gần 300 tên địch, thu và phá huỷ trên 90 súng các loại. Toàn xã có trên 1.000 người trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, 321 người tham gia bộ đội, gần 500 người tham gia dân công hỏa tuyến, 305 người tham gia du kích. Trong đó có 59 người hy sinh, 11 thương binh, 9 bệnh binh. Toàn xã có 190 người dân bị chết vì bom đạn kẻ thù, 556 ngôi nhà bị đốt cháy... Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Yên Dương đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Cơ sở tạc tượng Hoàng Trình, thôn Cẩm, tạo việc làm, thu nhập cho 10 lao động.
Cơ sở tạc tượng Hoàng Trình, thôn Cẩm, tạo việc làm, thu nhập cho 10 lao động.

Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng NTM, Đảng bộ xã Yên Dương đã tập trung lãnh đạo đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Trong sản xuất nông nghiệp, xã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Xã thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích khai thác tối đa diện tích đồng màu gần 200ha trồng lạc, 150ha cây vụ đông với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: ớt xuất khẩu, khoai tây, cà chua… và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo các mô hình trang trại, gia trại. Nhiều mô hình tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mô hình cánh đồng lớn đã mang lại giá trị kinh tế cao. Năng suất lúa của xã bình quân đạt 106 tạ/ha/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 103 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, xã chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị của tỉnh và huyện tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các nghề: may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, thêu ren, cơ khí…; mời các nghệ nhân, người có tay nghề giỏi ở các làng nghề truyền thống trong huyện để truyền nghề cho nhân dân. Bên cạnh đó UBND xã đã đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng, hỗ trợ, tạo điều kiện về thủ tục để các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; tạo điều kiện cho thuê, mượn mặt bằng xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đã có hàng trăm lượt hộ gia đình mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ các Ngân hàng: NN và PTNT, CSXH với tổng dư nợ trên 42 tỷ đồng. Đến nay, toàn xã đã có 120 cơ sở sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ; 5 cơ sở may công nghiệp và thêu ren thu hút gần 1.500 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 10 triệu đồng/người/tháng… Đồng chí Bùi Văn Hiền, quyền Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Với việc tập trung chỉ đạo khai thác tiềm năng, thế mạnh của đồng đất và con người để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, cuộc sống của người dân Yên Dương đã từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn của xã đã được đổi thay. Từ một xã thuần nông, đến nay Yên Dương đã trở thành điểm sáng của huyện về phát triển công nghiệp. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp của xã chiếm tỷ trọng trên 60% cơ cấu kinh tế của xã. Năm 2015, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, xã tiếp tục tập trung hoàn thiện các tiêu chí NTM theo hướng bền vững. Đến nay nhiều công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã được đầu tư xây dựng như: 100% các tuyến đường giao thông nông thôn, 70% tuyến đường nội đồng được mở rộng, trải nhựa và bê tông; hệ thống trường học 3 cấp được xây mới, nâng cấp; trạm y tế được đầu tư xây dựng với đủ các thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Từ một vùng quê bị tàn phá nặng nề trong những năm kháng chiến chống Pháp, đến nay xã Yên Dương đã trở thành điểm sáng của huyện về phát triển kinh tế, xây dựng NTM. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của xã đạt 8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm; 100% dân số trong xã được sử dụng nước sạch; 4/5 thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa, trên 80% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Những thành tựu đã đạt được của Đảng bộ và nhân dân Yên Dương là tiền đề để cán bộ và nhân dân trong xã tiếp tục phấn đấu vươn lên trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.

Bài và ảnh: Văn Trọng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com