Trung tâm Giáo dục thường xuyên Giao Thủy gắn dạy văn hoá với dạy nghề

07:05, 08/05/2017
Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nhưng những năm qua Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Giao Thủy đã thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục văn hóa phổ thông, hướng nghiệp dạy nghề, bổ túc văn hóa, liên kết giáo dục tại các trung tâm cộng đồng.
Thầy và trò Trung tâm GDTX Giao Thủy trong một giờ học.
Thầy và trò Trung tâm GDTX Giao Thủy trong một giờ học.
Hằng năm, Trung tâm đều cử cán bộ quản lý, giáo viên đi tập huấn, học tập các lớp bồi dưỡng chính trị, các lớp bồi dưỡng kiến thức sử dụng thiết bị dạy học, tin học, đồng thời khuyến khích đội ngũ giáo viên không ngừng học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, tham gia các buổi hội thảo, hội giảng, dự giờ; đồng thời duy trì việc kiểm tra nền nếp, duyệt giáo án, hồ sơ để rút kinh nghiệm và nâng cao trình độ giáo viên. Vì vậy chất lượng giáo dục được nâng lên. Hằng năm Trung tâm đều có giáo viên và học sinh tham gia các kỳ hội giảng, thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt giải cao. Năm học vừa qua, trong kỳ thi học sinh giỏi các Trung tâm GDTX toàn tỉnh, Trung tâm đã đoạt giải nhì toàn đoàn, trong đó có 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải khuyến khích. Tại các kỳ hội giảng toàn tỉnh năm học 2016-2017, Trung tâm có 2 giáo viên đoạt giải ba và khuyến khích. Tuy nhiên, do thực tế chất lượng đầu vào không cao nên chất lượng giáo dục văn hóa còn hạn chế, vì vậy Trung tâm chú trọng việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề cho học sinh. Đây được coi là hướng đi đúng để khi ra trường các em vừa có bằng tốt nghiệp văn hóa vừa có chứng chỉ nghề tham gia vào thị trường lao động, vừa đỡ tốn thời gian và kinh phí cho gia đình. Những năm học trước, dù đã mở các lớp dạy nghề tại Trung tâm nhưng việc học văn hóa kết hợp với học nghề còn gặp khó khăn do học viên và gia đình học viên chưa quan tâm đến việc học nghề. Mặt khác, số lượng học viên ở các trung tâm GDTX ngày càng giảm nên khó huy động đủ số lượng học viên đăng ký học nghề để mở được lớp. Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, vào trường vừa học văn hóa vừa học nghề lượng kiến thức lớn, do đó gặp nhiều khó khăn về yêu cầu thời gian và quá trình tiếp nhận kiến thức. Vì vậy, từ năm học 2015-2016, Trung tâm đã tổ chức hội thảo với sự tham dự của Sở GD và ĐT, lãnh đạo huyện, đại diện các trường nghề, các Cty và phụ huynh học sinh nhằm đưa ra hướng đi tốt nhất cho công tác đào tạo văn hóa gắn với dạy nghề. Tại hội thảo, những băn khoăn của phụ huynh đã được giải đáp, trong đó các doanh nghiệp cam kết tất cả học viên đã qua đào tạo đều được giới thiệu việc làm. Vì vậy trong năm học 2016-2017, Trung tâm đã có 100% học sinh vào học đều lựa chọn đăng ký học nghề phù hợp với nguyện vọng. Trung tâm đã trực tiếp lựa chọn các trường nghề, ký kết hợp đồng để đưa giáo viên về giảng dạy cho học viên, đồng thời dành một khu thực hành riêng có đầy đủ các trang thiết bị phù hợp với thực tế hiện nay. Hiện tại, Trung tâm đã ký hợp đồng với Trường Cao đẳng nghề Lilama 1, Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện và Công nghệ thực phẩm Hà Nội để dạy các nghề Hàn công nghệ cao, Điện công nghiệp và dân dụng, Lắp đặt ống công nghiệp, May thời trang, Kỹ thuật chế biến món ăn. Trước đây đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT phải dành thời gian và kinh phí để đi học nghề hoặc ở nhà làm nông nghiệp thì nay đã có sự định hướng học nghề phù hợp với khả năng trình độ và được các Cty ký kết hợp đồng sau khi tốt nghiệp. Hiện tại Trung tâm có hơn 293 học sinh với 9 lớp, trong đó có 156 học sinh lớp 10 và 11 vừa học văn hóa vừa học nghề. Ngoài giáo dục văn hóa Trung tâm thường xuyên giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động tập thể hoặc theo nhóm giúp các em tự tin hơn trong học tập và rèn luyện. Đặc biệt là thông qua công tác hướng nghiệp dạy nghề đã giúp các em tự tin hơn vào khả năng của mình. Để công tác giáo dục học văn hóa và dạy nghề được đảm bảo, Trung tâm đã tổ chức sắp xếp, bố trí thời gian học hợp lý để các em tiếp thu được kiến thức cơ bản nhất. Toàn bộ việc học nghề của học sinh do các giảng viên trường nghề đảm nhiệm, 30% thời gian học lý thuyết còn lại là thực hành bằng các thiết bị máy móc hiện đại nhất do các trường dạy nghề đầu tư.
 
Trung tâm cũng tạo điều kiện cho các trường nghề đưa thiết bị giảng dạy tại 7 phòng học đảm bảo giáo dục thực hành theo đúng quy định. Với thời gian biểu từ thứ 2 đến chiều thứ 5 học văn hóa; từ chiều thứ 5 và cả ngày thứ 6 học nghề, Trung tâm phân công cán bộ giáo viên trực tiếp quản lý học sinh trong giờ học văn hóa và giờ học thực hành đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả. Đối với mỗi học sinh, dù tuổi đời còn rất trẻ song hầu hết các em khi được hỏi cũng đã ý thức được việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực mới là quan trọng, từ đó các em xác định mục tiêu, động cơ học tập. Hiện nay huyện Giao Thủy đang triển khai các hình thức đào tạo nghề, qua mỗi lớp dạy nghề chất lượng được đánh giá khá tốt và cơ hội có việc làm trên 90%. Vì vậy việc học nghề và có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đã thu hút được học sinh bởi hiện nay thị trường lao động trong nước và lao động xuất khẩu đều rất cần lao động có tay nghề và được đào tạo cơ bản. Tuy nhiên để có một nghề trong tay, chính các em phải là những nhân tố tích cực nhất, có ý thức tự giác không ngừng nỗ lực trong học tập và rèn luyện cả trong thời gian đào tạo cũng như khi đã tìm được công việc phù hợp. 
 
Chủ trương kết hợp dạy văn hóa với dạy nghề ở Trung tâm GDTX Giao Thủy là phù hợp với thực tiễn đặt ra hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng, năng suất lao động, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tạo điều kiện để các em có nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com