Nghĩa Hưng quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ

07:05, 25/05/2017
Những năm qua công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ được huyện Nghĩa Hưng thường xuyên quan tâm, góp phần tích cực giúp hội viên, phụ nữ tăng thu nhập, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
 
Theo số liệu của Phòng LĐ, TB và XH, lực lượng lao động nữ của huyện hiện chiếm gần 47% tổng số CNLĐ toàn huyện. Mặc dù số lao động nữ tham gia học nghề hằng năm có tăng, nhưng chủ yếu chỉ tăng trong số học nghề ngắn hạn và học nghề thường xuyên. Cùng với đó, 2 CCN (Nghĩa Sơn, Nghĩa Thái) thu hút số lao động nữ cao nhưng chủ yếu độ tuổi là 18-40, còn độ tuổi từ 40 trở lên hầu như không có việc làm do không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trước thực tế này, từ năm 2010 đến nay Hội LHPN huyện đã phối hợp với các Trung tâm dạy nghề của huyện, của tỉnh mở 145 lớp với  478 học viên, chủ yếu là các nghề may công nghiệp, đan lát, chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản... Nét nổi bật trong hoạt động dạy nghề của Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng là không chỉ góp phần tăng tỉ lệ lao động nữ được đào tạo mà còn kết hợp công tác đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn với việc triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội như ưu tiên đào tạo cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyết tật và phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng... Bên cạnh đó, nhiều chương trình dạy nghề của Hội như: may  dân dụng, nghề đan cói xuất khẩu… được dạy dựa trên thế mạnh là sự khéo léo, phù hợp với sức lao động của phụ nữ và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, 50% học viên sau đào tạo tại các cơ sở của Hội đã có việc làm. Trong những năm gần đây, hoạt động dạy nghề của Hội Phụ nữ huyện đã chuyển mạnh về địa bàn cơ sở, tạo điều kiện cho cả nữ thanh niên và phụ nữ tuổi trung niên tham gia học nghề tại chỗ. Nhiều cơ sở dạy nghề của Hội đã liên kết đào tạo nghề, giới thiệu, cung ứng lao động nữ cho các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương. Bên cạnh đó Hội LHPN huyện còn vận động các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ xóa đói giảm nghèo”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”; chủ động khai thác và tham gia quản lý các chương trình tín dụng thông qua nhận uỷ thác với Ngân hàng CSXH, tín chấp với Ngân hàng NN và PTNT; vận động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế; thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn của phụ nữ; khuyến khích phụ nữ tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ; hỗ trợ, tư vấn phụ nữ khởi sự kinh doanh; hỗ trợ thành lập và tư vấn các CLB doanh nhân nữ, tổ, nhóm phụ nữ hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh… đã giúp cho nhiều phụ nữ có thêm việc làm. Riêng trong phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, toàn huyện đã có hàng nghìn phụ nữ làm kinh tế trang trại, kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như: Chị Nguyễn Thị The, xã Hoàng Nam có trang trại nuôi gà công nghiệp mỗi lứa nuôi từ 5.000-7.000 con, kết hợp với kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm, mỗi năm thu nhập từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng, giải quyết cho 10-15 lao động có việc làm thường xuyên và giúp cho 40 hộ gia đình phát triển chăn nuôi. Chị Nguyễn Thị Hải, Chi hội 11, xã Nghĩa Lâm với mô hình sản xuất cói xuất khẩu cho thu nhập 280-300 triệu đồng/năm; cơ sở sản xuất, kinh doanh cói xuất khẩu của gia đình chị tạo việc làm thường xuyên cho 250-300 lao động nữ thuộc 6 xã miền hạ huyện, cho thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, các cấp Hội đã triển khai các hoạt động cho vay vốn theo hướng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và sản xuất, kinh doanh hộ gia đình, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ, đồng thời góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề truyền thống, thu hút lao động dôi dư ở địa phương.
 
Bằng nhiều biện pháp và lồng ghép các chương trình, các cấp Hội phụ nữ huyện Nghĩa Hưng đã tạo dựng, thực hiện tốt mô hình kết nối giữa dạy nghề, hỗ trợ vốn với tư vấn và giới thiệu việc làm cho phụ nữ. Theo đó giai đoạn 2010-2015, tổng số lao động được học nghề trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng là 15 nghìn người, trong đó số lao động nữ trên 11 nghìn người (chiếm hơn 70%). Trong nhiệm kỳ 2016-2021, các cấp Hội tiếp tục chú trọng đến công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ; hằng năm phối hợp tổ chức dạy nghề mới và khôi phục nghề truyền thống cho 1.000-1.500 lao động nữ, có 80% trở lên có việc làm sau đào tạo góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, phụ nữ./.
 
Lam Hồng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com