Đảm bảo quyền lợi cho đối tượng được Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế

08:10, 12/10/2016

Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, thời gian qua, bên cạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, nhất là các đối tượng được Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT, góp phần thực hiện tốt mục tiêu đa chiều BHYT; gồm tỷ lệ bao phủ BHYT; bao phủ dịch vụ y tế về số lượng, chất lượng; giảm chi phí thảm họa và nghèo hóa do chi phí y tế.

Khám, chữa bệnh cho trẻ em tại Bệnh viên Nhi tỉnh.
Khám, chữa bệnh cho trẻ em tại Bệnh viên Nhi tỉnh.

Tính đến ngày 1-10-2016, các đối tượng được Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT trên địa bàn tỉnh gồm 81.018 người nghèo, 114.816 người cận nghèo, 82.300 người có công, 70.860 người thuộc diện bảo trợ xã hội, 210 nghìn trẻ em dưới 6 tuổi, 248.630 học sinh, sinh viên (HSSV). Về thực hiện tính đa chiều BHYT, có thể thấy, tỷ lệ bao phủ BHYT các đối tượng được Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng đạt được kết quả và mục tiêu đề ra, năm sau cao hơn năm trước. Riêng đối với đối tượng cận nghèo, nếu năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 2.900 người tham gia BHYT, đến nay đã có 114.816 người tham gia BHYT. Với tính chất đa chiều của BHYT, nhất là phát triển chiều sâu của BHYT, từng bước nâng cao chất lượng các cơ sở KCB nói chung và KCB BHYT nói riêng, đáp ứng sự hài lòng cho người bệnh để đạt được chất lượng chăm sóc, KCB BHYT tốt nhất, thực hiện thành công BHYT toàn dân. Đồng chí Bùi Thị Minh Thu, TUV, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện Luật BHYT sửa đổi, Sở Y tế phối hợp với BHXH tỉnh nâng cao công tác giám định BHYT, quản lý 34 cơ sở KCB được BHXH ký hợp đồng KCB; chỉ đạo các cơ sở KCB ưu tiên khám bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người cận nghèo, người cao tuổi, người thuộc hộ gia đình chính sách. Hiện nay, theo Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, bổ sung nâng mức hưởng BHYT cho thân nhân người có công là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, con của liệt sĩ được hưởng từ 80% lên 100%; các thân nhân khác được hưởng từ 80% lên 95%; người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95%. Thanh toán 100% chi phí KCB và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; trẻ em dưới 6 tuổi. Mắc căn bệnh suy thận mãn tính, bà Nguyễn Thị Hòa, 59 tuổi, xóm Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực), thuộc diện cận nghèo, trước năm 2014, mỗi tháng chạy thận, bà phải chi trả thêm 20% tiền viện phí, điều trị bệnh. Theo Luật BHYT sửa đổi, đối tượng có BHYT thuộc diện cận nghèo như trường hợp bà Hòa, được Quỹ BHYT hỗ trợ 95% (trước đây là 80%). Từ 1-6-2016, khi chính thức áp dụng mở thông tuyến KCB BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh, bà Hòa đã chọn điều trị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Công an tỉnh và được Quỹ BHYT chi trả 95% chi phí. Bà Hòa tâm sự “Bệnh suy thận mãn tính như tôi thật cơ cực, mỗi tuần chạy thận 3 lần, không có lương hưu, chí phí đều do con cháu hỗ trợ. Từ khi Quỹ BHYT chi trả, chi phí giảm xuống đáng kể, bản thân tôi thấy tinh thần thỏa mái hơn, an tâm điều trị bệnh”.

Đối với công tác KCB BHYT cho đối tượng HSSV, năm học 2015-2016, BHXH tỉnh đã trích 7% nguồn kinh phí để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV với số tiền 14 tỷ 260 triệu đồng. Toàn tỉnh có 616 trường đủ điều kiện trích kinh phí chăm sóc sức khỏe cho HSSV. Nhờ nguồn kinh phí này, một số trường đã tổ chức lại hệ thống y tế trường học, phục vụ mục tiêu giáo dục toàn diện cho HSSV, trong đó có giáo dục thể chất, trang bị tủ thuốc thông thường, túi thuốc cấp cứu, kết hợp thực hiện chương trình nha học đường, mắt học đường, khám và lập sổ theo dõi sức khỏe cho học sinh. Từ bậc mầm non đến bậc THCS có 723 trường có cán bộ phụ trách y tế (92%), 678 trường có phòng y tế. Thực hiện Luật BHYT sửa đổi, năm học vừa qua, nhiều quyền lợi BHYT của HSSV được đảm bảo. Nhiều bệnh, tật học đường đã được điều chỉnh đưa vào danh mục KCB BHYT. Ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% chi phí mua BHYT, HSSV còn được hưởng những quyền lợi BHYT như: được đăng ký KCB ban đầu tại các bệnh viện huyện, thành phố và tương đương theo danh sách của cơ quan BHXH cung cấp hằng năm; được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường từ nguồn kinh phí của BHYT; được thanh toán 100% chi phí KCB nếu tổng chi phí KCB 1 lần thấp hơn 15% mức lương tối thiểu; được thanh toán 80% chi phí KCB nếu KCB đúng theo quy định. Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 63.846 lượt HSSV KCB ngoại trú, với tổng chi phí 4 tỷ 123 triệu đồng; có 6.820 lượt HSSV KCB nội trú với tổng chi phí là 10 tỷ 422 triệu đồng. Ngành BHXH tỉnh thực hiện nhanh chóng công tác chi từ quỹ BHYT cho HSSV, nhiều trường hợp HSSV bị ốm đau được quỹ BHYT thanh toán với chi phí cao. Tiêu biểu là các trường hợp: em Đặng Thị Ngọc Ánh, Trường THPT Trực Ninh được Quỹ BHYT chi trả 103 triệu đồng; em Nguyễn Tiến Đạt, Trường THCS Thị trấn Lâm (Ý Yên) được Quỹ BHYT chi trả 123 triệu đồng; em Phạm Văn Tước, Trường Tiểu học Trực Thắng (Trực Ninh) được chi trả 107 triệu đồng… Công tác KCB cho người cao tuổi (NCT) được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 243.700 NCT, chiếm khoảng 12,1% dân số; có 80% NCT sống chủ yếu ở nông thôn. Tuổi thọ trung bình hiện nay của NCT toàn tỉnh là 73,9 tuổi, nhưng tuổi thọ trung bình khỏe mạnh chỉ là 66 tuổi; số năm sống trong đau ốm, bệnh tật của người dân trong tỉnh trung bình là 7,9 năm. Theo thống kê của cơ quan hữu quan, chi phí y tế cho NCT cao gấp 7-10 lần người trẻ; NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc; nguy cơ tử vong tại các cơ sở y tế tăng lên, càng là gánh nặng cho chi phí y tế. Ông Đoàn Duy Khang, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) là một trong nhiều trường hợp thuộc đối tượng NCT được hưởng các chế độ KCB BHYT. Tháng 7-2016, ông điều trị bệnh tại khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Khi nhập viện trong tình trạng cấp cứu do chảy máu dạ dày nghiêm trọng, ông đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai. Sau 7 ngày chữa bệnh nội trú, ông Khang được hưởng các dịch vụ chữa bệnh chi phí cao như nội soi, truyền máu và các loại thuốc tốt nhất, sức khỏe đã phục hồi. Là người tham gia BHYT thuộc đối tượng người trên 80 tuổi, ông Khang được Quỹ BHYT chi trả 100% với số tiền hơn 11 triệu đồng. Thời gian qua, thực hiện chương trình “Mắt sáng cho NCT”, các tổ chức Hội phối hợp với ngành y tế tổ chức khám, chữa miễn phí cho 60.560 NCT. Chỉ tính riêng Bệnh viện Mắt tỉnh, trong 2 năm qua đã triển khai khám, chữa mắt cho 12.053 NCT tại các huyện Giao Thủy, Ý Yên và Thành phố Nam Định; trong đó, có 8.801 NCT được phát hiện đục thủy tinh thể, kinh phí cấp, phát thuốc miễn phí trị giá hơn 60 triệu đồng.

Việc thực hiện tính đa chiều BHYT cho các đối tượng được Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT trên địa bàn tỉnh không chỉ mang lại thuận lợi cho người bệnh, mà còn là động lực để các cơ sở KCB trong tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ y tế bằng việc đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu hút sự lựa chọn của bệnh nhân có thẻ BHYT nói chung và đối tượng được Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT nói riêng. Bệnh viện Nhi tỉnh với quy mô 150 giường bệnh; có 23.958 thẻ đăng ký KCB ban đầu. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện khám 250-250 bệnh nhân là trẻ em dưới 6 tuổi. Để nâng cao chất lượng KCB cho đối tượng trẻ em được Nhà nước đóng 100% BHYT, Bệnh viện Nhi tỉnh đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới vào chuẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Trong 6 tháng năm 2016, có 47.091 trẻ em đến khám BHYT; trong đó, có 6.424 bệnh nhân điều trị nội trú; các đối tượng là trẻ em KCB tại bệnh viện được Quỹ BHYT chi trả là 4 tỷ 465 triệu đồng.

Để quản lý tốt quỹ BHYT bảo đảm đúng người, đúng quyền lợi cho người tham gia BHYT nói chung và các đối tượng được Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT, BHXH tỉnh đang phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thẻ BHYT, xác định đúng người có thẻ khi đến KCB tại các cơ sở y tế. Tăng cường các biện pháp để đồng bộ hóa phần mềm liên thông quản lý dữ liệu KCB tại các cơ sở y tế. Kể từ ngày 1-7-2016, đã triển khai đồng bộ phần mềm quản lý dữ liệu đối với 100% cơ sở KCB trong toàn tỉnh và toàn quốc; khi bệnh nhân đến KCB, chỉ cần gõ mã vạch trên thẻ sẽ xuất hiện thông tin quá trình KCB và thời gian khám, điều trị bệnh của bệnh nhân. Đây là cơ sở để từ chối thanh toán chi phí KCB đối với những trường hợp có biểu hiện trục lợi quỹ BHXH./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com