Nhân rộng mô hình thư viện ngoài công lập

06:10, 08/10/2016
Những năm qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình thư viện ngoài công lập hoạt động hiệu quả, bước đầu đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, nâng cao kiến thức của cán bộ, nhân dân và học sinh.
 
Nằm sâu trong xóm 7, xã Hải Anh (Hải Hậu), từ nhiều năm nay căn nhà của anh Nguyễn Văn Nam đã trở thành “điểm đến” quen thuộc của học sinh và người dân quanh vùng. Trò chuyện với anh, chúng tôi được biết: Năm 1995 sau khi tham quan mô hình thư viện thiếu nhi huyện Hải Hậu của bác Đặng Văn Khảm, anh đã quyết tâm mở phòng đọc tại nhà để phục vụ nhu cầu đọc sách của nhân dân. Ban đầu, do vốn ít nên anh chỉ đặt mua một số đầu sách mới cùng vài bộ bàn ghế để phục vụ người đọc. Ngay trong tuần đầu mở cửa, phòng đọc của anh đã chật kín, lượng sách cho bạn đọc không đủ. Được sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè, anh đã mạnh dạn đặt thêm nhiều đầu sách của các NXB uy tín như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ… Bên cạnh đó, phòng đọc được anh cải tạo, lắp thiết bị chiếu sáng, bổ sung bàn ghế, giá sách, mã sách. Anh miễn phí cho người đọc tại chỗ, ai có nhu cầu mượn sách về nhà chỉ phải trả khoản phí rất nhỏ so với giá trị của những cuốn sách. Khi được hỏi liệu như thế có bao giờ sách bị mất, anh cười và chia sẻ: “Hầu hết bạn đọc đều là người địa phương nên tôi nhớ mặt từng người. Điều quan trọng là người mượn đều có ý thức trân trọng với những cuốn sách mình đang cầm”. Gần 20 năm cần mẫn sưu tầm đầu sách phục vụ bạn đọc, đến nay phòng đọc của anh đã có trên 10 nghìn bản sách, mỗi ngày có từ 40-50 lượt khách tới đọc. Các đầu sách tại phòng đọc phong phú, đa dạng; từ truyện tranh đến những sách văn học kinh điển in đầu thế kỷ XX; sách giải trí, sách nghiên cứu; sách về các vấn đề xã hội, sách khoa học, kỹ thuật, sức khỏe... Người đọc đến với phòng đọc của anh Nam chủ yếu là học sinh, người về hưu. Các em học sinh đến đây để tìm đọc truyện tranh, các tác phẩm văn học thiếu nhi, còn cán bộ hưu trí đến đây để đọc những cuốn sách, báo, tạp chí nói về chăm sóc sức khỏe. Mỗi khi nhập những đầu sách mới, anh đều dành thời gian để giới thiệu về nội dung, về tác giả cuốn sách để khơi gợi sự ham thích cho người đọc. Theo anh Nam, đọc sách phải có kỹ năng. Tất cả bạn đọc đến đây đều được anh hướng dẫn cách đọc là trang sách cách mắt khoảng 30cm, nhìn vào trọng tâm để bao quát được cả đọc bằng mắt và óc chứ không đọc bằng miệng, lướt nhanh để sao chép toàn bộ trang sách và thâu tóm được ý nghĩa cả đoạn văn… Là một trong những độc giả thường xuyên tới phòng đọc, em Huy, xóm 7, xã Hải Anh tâm sự: “Nhờ có phòng đọc của chú Nam mà chúng em có nơi đọc sách, giải trí lành mạnh. Chú Nam luôn nhiệt tình hướng dẫn cách đọc từng loại sách sao cho hiệu quả. Các đầu sách ở đây rất đa dạng và thường xuyên bổ sung sách mới”. Hiện nay, anh Nam là một trong những người tiên phong ở Hải Hậu áp dụng mô hình cà phê sách. Căn nhà của anh xây khang trang 4 tầng trong đó tầng 1 là kho sách, phòng đọc. Anh Nam cho biết: “Bạn đọc hoàn toàn được miễn phí khi tới đọc sách. Với những ai có nhu cầu gọi đồ uống giá cũng bình dân như tất cả các quán cà phê khác. Mở quán cà phê chính là cách để hút người đọc tới nhiều hơn, đặc biệt là các bạn trẻ”. Ở xã Giao Thịnh (Giao Thủy), thư viện sách nằm ở tầng 4 Bảo tàng Đồng quê do nhà giáo Ngô Thị Khiếu và chồng là Thiếu tướng Hoàng Kiền đưa vào hoạt động từ năm 2012. Hiện nay, thư viện có hơn 2.000 đầu sách được phân theo chủ đề; mỗi chủ đề được sắp xếp trình tự theo đầu sách; mỗi cuốn sách được đánh số để quản lý. Sách tại thư viện bao gồm cả sách cũ và sách mới từ năm 1952 đến nay. Tiêu biểu như chủ đề về nông nghiệp có nhiều cuốn sách trong nghiên cứu canh tác của các tác giả thời kỳ trước năm 1975. Chiếm số lượng đầu sách phong phú là chủ đề về văn hóa ẩm thực với khoảng 200 cuốn sách, tiêu biểu như: “Văn minh Việt Nam”, “Văn hóa ẩm thực Kinh Bắc”, “Văn minh trà Việt”… Giám đốc Bảo tàng Đồng quê, nhà giáo Ngô Thị Khiếu cho biết: Từ những lần đọc sách về ẩm thực trong Bảo tàng Đồng quê, bà đã đi khắp vùng miền tìm hiểu về các món ăn truyền thống của dân tộc. Đến nay, du khách tới bảo tàng sẽ được thưởng thức những món cơm truyền thống, rượu nếp quê, bánh gai… được chế biến từ nguồn nguyên liệu sạch nuôi trồng trong khuôn viên bảo tàng. Thư viện Bảo tàng Đồng quê là nơi lưu giữ, giới thiệu những cuốn sách, những tài liệu quý trong các lĩnh vực của đời sống để các thế hệ học sinh và nhân dân đến tìm hiểu nghiên cứu nâng cao trình độ kiến thức. Ngoài ra, đây cũng là nơi để hội viên Hội NCT địa phương đến đàm đạo thơ ca, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe… Để phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc sách của nhân dân, hằng năm thư viện Bảo tàng Đồng quê thường xuyên bổ sung thêm nhiều đầu sách mới, các loại báo, tạp chí. Bên cạnh đó, các nhà hảo tâm, nhà văn, nhà báo, khách tham quan đã tặng hàng trăm cuốn sách có giá trị cho thư viện. Từ khi mở cửa đến nay, thư viện Bảo tàng Đồng quê phục vụ đọc sách miễn phí cho hàng chục nghìn lượt bạn đọc. Ở Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) có thư viện với hàng nghìn cuốn sách được đặt ngay ngắn trên các giá sách và phân loại rõ ràng. Giá sách dành riêng cho các tăng ni phật tử gồm nhiều loại sách quý như: Tỷ Khiêu Giới Kinh, Kinh Nhân Quả. Giá sách dành cho đại chúng có nhiều cuốn thu hút được lượng người đọc cao như: Kỷ yếu Hoàng Sa của NXB Thông tin và Truyền thông, các cuốn sách về địa chí địa phương. Thư viện Chùa Cổ Lễ mở cửa vào 7h tất cả các ngày trong tuần, mỗi ngày phục vụ hàng chục lượt người đọc. Khách thập phương đến chiêm bái chùa có thể dễ dàng tìm hiểu các sách lịch sử, tư liệu, kỷ yếu các vị trưởng lão hòa thượng Chùa Cổ Lễ. Thư viện tại NVH xóm 4, xã Hải Bắc (Hải Hậu) do bí thư chi bộ và trưởng xóm 4 vận động nhân dân và con em xa quê hỗ trợ sách hoặc kinh phí để xây dựng tủ sách. Đến nay, tủ sách xóm 4 đã có trên 1.000 bản sách và các loại báo, tạp chí, trong đó có nhiều loại sách kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp được nhiều người dân chọn đọc như: Kỹ thuật thâm canh mạ, Sổ tay trồng trọt…; có truyện tranh thiếu nhi, các loại sách tham khảo cho học sinh. Ban quản lý NVH đã phân loại sách theo các thể loại thơ, truyện, sách khoa học, lịch sử, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… để người dân dễ tra cứu, tìm sách. Xã Xuân Hồng (Xuân Trường) là một trong những đơn vị tiêu biểu của huyện Xuân Trường về phát triển thư viện, tủ sách ngoài công lập với 1 thư viện trẻ em, 1 thư viện làng Hành Thiện. Thư viện trẻ em xã Xuân Hồng được xây dựng năm 2014 trên diện tích 325m 2, với kinh phí 2,5 tỷ đồng, trong đó 2 tỷ đồng do cụ Mi-chi-kô Tê-ra-ya-ma (người Nhật Bản) tài trợ, phần còn lại do phụ huynh học sinh và con em xa quê đóng góp. Thư viện có quy mô và cách bài trí sách, báo khoa học. Phần lớn diện tích thư viện được bố trí làm phòng đọc, còn lại là phòng đa năng để các em nhỏ luyện tập thể thao, hát múa… cùng các công trình phụ trợ. Phòng đọc có 5.000 cuốn sách, chủ yếu là sách văn học, ngoại ngữ, dạy kỹ năng… dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Để tạo không gian phù hợp với các em, phòng đọc trang trí nhiều hình ảnh về các nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam như: Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh…, hằng năm thu hút trên 1.500 lượt bạn đọc. Ngoài các thư viện kể trên, nhiều thư viện ngoài công lập khác hoạt động hiệu quả như: Thư viện thiếu nhi ở Hải Hậu của ông Đặng Văn Khảm, thư viện sách của ông Trần Xuân Mậu, xã Hải Trung, thư viện làng Thượng, xã Minh Tân (Vụ Bản) do bác Phạm Sinh thành lập…
 
Điều ghi nhận ở một số mô hình thư viện ngoài công lập đó là tâm huyết, nhiệt tình của những người đứng ra khởi xướng, thành lập và duy trì hoạt động. Các mô hình thư viện ngoài công lập đã góp phần khơi dậy văn hóa đọc cho nhân dân, nhất là hướng thế hệ trẻ đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Đây là những mô hình phòng đọc, thư viện cần được nhân rộng./.
 
Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com