Đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn ở Nghĩa Đồng

08:09, 26/09/2016

Xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) có 2.073 hộ, với 5.791 nhân khẩu, trong đó có gần 3.000 người trong độ tuổi lao động, phần lớn là lao động phổ thông. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng bền vững, những năm qua, cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, triển khai hiệu quả các hoạt động dạy nghề, giải quyết việc làm, giúp người lao động có thu nhập ổn định. Đặc biệt từ khi có Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, xã Nghĩa Đồng đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo tiêu chí NTM.

Trang trại tổng hợp của gia đình anh Phạm Văn Dũng, ở thôn 2, xã Nghĩa Đồng tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động.
Trang trại tổng hợp của gia đình anh Phạm Văn Dũng, ở thôn 2, xã Nghĩa Đồng tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động.

Để triển khai hiệu quả công tác dạy nghề cho người lao động, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách ưu đãi của Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong cộng đồng dân cư, đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Trên cơ sở đó, xã xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo các nghề phù hợp với lao động nông thôn. Đồng chí Đỗ Văn Ích, cán bộ LĐ-TB và XH xã cho biết: Với hơn 40% lao động trong xã làm nông nghiệp, những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã đã chủ trương đưa nghề phụ về để bà con có việc làm lúc nông nhàn, tăng thêm nguồn thu nhập. Trước đây, xã đã đưa nghề móc sợi về thu hút nhiều phụ nữ làm nghề, song từ năm 2015, nguồn hàng giảm dần nên xã chuyển sang đưa nghề đan lát thủ công về địa phương. Từ đầu năm 2016 đến nay, xã đã mở 2 lớp dạy nghề đan lát thủ công cho 70 lao động theo Đề án 1956. Trong quá trình đào tạo nghề, tập huấn, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo dạy và học thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, mỗi năm xã chỉ đạo Trung tâm học tập cộng đồng và các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức hơn chục lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho trên 2.000 lượt người. Riêng từ đầu năm đến nay, xã tổ chức 2 hội nghị tập huấn cho trên 200 người về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, cách sử dụng các loại phân bón cho lúa và hoa cây cảnh; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…; 1 hội nghị tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn cho gần 80 người. Sau các khoá học, các lớp tập huấn, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và đều tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Người lao động học nghề nông nghiệp đã tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với công tác đào tạo nghề, xã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Hiện nay, toàn xã có 406 hộ vay vốn Ngân hàng CSXH với số dư trên 8,5 tỷ đồng; 108 hộ vay vốn Ngân hàng NN và PTNT với số dư 7,1 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện cuộc sống, Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của xã Nghĩa Đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phần lớn nông dân áp dụng phương pháp gieo xạ hàng (chiếm 90% diện tích cấy vụ chiêm và 60% diện tích cấy vụ mùa), làm tăng năng suất và giảm công lao động; góp phần tăng năng suất lúa cả năm lên 121 tạ/ha; mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa, với 39,54ha, chủ yếu trồng dưa bao tử, bầu nậm, ngô và các loại rau màu. Đàn lợn, trâu bò và gia cầm trong xã được duy trì phát triển, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Hiện nay, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều hộ chăn nuôi với quy mô trang trại, gia trại. Tiêu biểu là trang trại tổng hợp của gia đình anh Phạm Văn Dũng, ở thôn 2. Trên diện tích trên 3ha, anh Dũng đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại, nuôi 1.200 con lợn thịt xuất khẩu; 400 con gà Móng, 100 con gà Đông Tảo; hơn chục con đà điểu; thả cá, trồng cây ăn quả các loại và trồng cỏ để cung ứng cho các hộ chăn nuôi…, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động. Giá trị từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, hoa màu của Nghĩa Đồng năm 2015 đạt 75,44 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 29,3 tỷ đồng. Từ các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, đến nay, xã đã có trên 200 lao động làm việc ngay tại địa phương hoặc tại các xí nghiệp may, giày da trong huyện, với mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng; 994 người có nghề phụ tại gia đình. Ước tính giá trị sản xuất từ các ngành nghề CN-TTCN, dịch vụ thương mại năm 2015 của xã đạt trên 90 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 65 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn xã có khoảng 1.400 lao động thường xuyên đi làm ở ngoài tỉnh với các nghề: chế biến thực phẩm, xây dựng, đem về nguồn thu nhập khá cao. Từ sự nỗ lực của Đảng ủy, UBND xã, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn, xã Nghĩa Đồng đã nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên lên trên 92,5% tổng số lao động trong độ tuổi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,55% (năm 2014) xuống còn 5,4% (năm 2015); hiện nay, theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 8,3%.

Với mục tiêu đẩy mạnh xây dựng NTM theo hướng CNH-HĐH, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, thời gian tới xã Nghĩa Đồng tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân học nghề. Tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nghề theo địa chỉ, nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM./

Bài và ảnh: Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com