Hiệu quả từ chương trình "Tủ sách lớp học"

08:09, 26/09/2016

Phòng thư viện Trường THCS Hải Phương (Hải Hậu) có diện tích 54m2 được bố trí, sắp xếp khoa học, hợp lý các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện, sách báo độc giả sẽ dễ tìm, dễ sử dụng. Hiện tại phòng thư viện của trường có gần 2.000 đầu sách với gần 7.000 cuốn. Nhà trường có nhiều biện pháp sáng tạo để phát huy vai trò của thư viện, giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có thói quen đọc sách, nghiên cứu sách báo các loại nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Để các em đều có thể đọc sách ở thư viện, mỗi tuần nhà trường cho đại diện học sinh các lớp đến phòng thư viện mượn sách về cho các bạn trong lớp đọc. Học sinh có thể đọc sách tại lớp, trong giờ nghỉ giải lao, trong các buổi đầu giờ hoặc mượn về nhà đọc. Hết tuần, học sinh đến trả sách và mượn sách khác. Sau mỗi tháng, qua theo dõi của nhân viên thư viện, nhà trường nhận xét, đánh giá, biểu dương các tập thể lớp, cá nhân có ý thức tốt trong việc đọc sách, bảo quản giữ gìn sách. Ngoài số sách đã có, đầu năm học 2015-2016, nhà trường được Hội Doanh nhân Hải Phương tại Hà Nội tặng 12 tủ sách lớp học, với hơn 200 đầu sách, số lượng gần 400 cuốn. Số sách này được nhà trường để cố định trong tủ sách lớp học, sau mỗi tháng có luân phiên giữa các lớp một số đầu sách nhất định. Số sách mà học sinh các lớp mượn ở thư viện trường có thể để luôn trong tủ sách lớp học để tiện học sinh sử dụng. Để học sinh hứng thú với việc đọc, nghiên cứu sách báo, thông qua giờ sinh hoạt trường, sinh hoạt lớp nhà trường phát động học sinh kể chuyện theo sách theo các chủ đề về danh nhân, về lãnh tụ… Để khích lệ, động viên các em, nhà trường có phần thưởng cho các học sinh kể chuyện hay, hấp dẫn trong các giờ sinh hoạt trường, các lớp có phần thưởng cho học sinh kể chuyện hay trong các giờ sinh hoạt lớp. Nhà trường còn hướng học sinh tham gia trong các CLB sách: CLB sách lịch sử, CLB sách danh nhân, CLB sách khoa học… có sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo chủ nhiệm, các thầy, cô giáo trong BCH Đoàn trường và có tổ chức giao lưu giữa các CLB. Trong chương trình môn Ngữ văn, nhà trường chỉ đạo các thầy, cô giáo hướng dẫn học sinh tìm hiểu qua sách, báo ở thư viện về văn học địa phương. Thông qua hình thức này học sinh rất hào hứng tham gia. Nhà trường còn phát động học sinh sưu tầm các loại sách báo hay hằng tháng để tủ sách lớp học của các lớp thêm phong phú và học sinh có điều kiện được đọc, tìm hiểu các loại sách báo hay từ nhiều nguồn khác nhau. Hiện nay tủ sách các lớp học của nhà trường rất phong phú. Tiêu biểu như tủ sách của lớp 6A thường xuyên có 40 đầu sách với trên 60 cuốn, lớp 7A trên 50 đầu sách với trên 70 cuốn, lớp 9A trên 60 đầu sách với trên 80 cuốn sách… Trong các năm học, vào dịp 26-3 nhà trường còn tổ chức ngoại khóa cho học sinh toàn trường theo các chủ đề như: Tìm hiểu về chủ quyền biển, đảo, về ATGT, về ứng phó với biến đổi khí hậu, về môi trường, rung chuông vàng, theo dòng lịch sử, em là nhà khoa học tương lai…, học sinh của trường tự xây dựng và biểu diễn các tiểu phẩm, tự sáng tác truyện, thơ, thể hiện khả năng hùng biện, thuyết trình, ứng xử, xử lý các tình huống để rèn kỹ năng sống. Những kiến thức các em được học trong sách, báo cùng với việc tích cực thực hiện phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, nhà trường luôn dẫn đầu toàn huyện và đứng trong tốp đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục toàn diện.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) đọc sách trong thư viện trường.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định)
đọc sách trong thư viện trường.

Là hoạt động có ý nghĩa và sáng tạo, “Tủ sách lớp học” đã góp phần không nhỏ trong việc định hướng văn hóa đọc cho học sinh trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Mô hình “Tủ sách lớp học” của tỉnh được bắt đầu từ năm học 2015-2016,  lấy ý tưởng từ chương trình “Sách hóa nông thôn”, nguồn sách được tỉnh huy động từ các nhà hảo tâm và doanh nghiệp. Sách được chọn lọc kỹ lưỡng với mỗi danh mục khoảng 300 đầu sách gồm sách khoa học, văn học, lịch sử, danh nhân, kỹ năng sống và ngoại ngữ..., phù hợp với từng cấp học từ mầm non đến THPT. Chương trình hiện đang có sức lan tỏa mạnh mẽ và nhận được nhiều tình cảm của giáo viên, học sinh. Với mong muốn “Xây dựng thói quen đọc sách, duy trì văn hóa đọc cho học sinh, thế hệ tương lai của quê hương, đất nước”, từ năm 2015 Hội Doanh nhân Hải Hậu ở Hà Nội đã khởi xuất ý tưởng và tổ chức chương trình “Tủ sách lớp học”. Qua 3 đợt trao tặng, hơn 35 nghìn cuốn sách đã được tới tay các em học sinh của 670 lớp học tại 50 trường của 30 xã thuộc huyện Hải Hậu và 1 xã Xuân Ngọc (Xuân Trường). Mỗi lớp học được trang bị 1 tủ sách tự quản có trị giá 2 triệu đồng với khoảng 40-50 đầu sách. Tổng kinh phí đã huy động tài trợ sách gần 2 tỷ đồng, trong đó 80% kinh phí do các doanh nhân tài trợ, 20% kinh phí từ hội đồng hương và cộng đồng. Đây là “bước đệm” cơ bản để nhân rộng “Tủ sách lớp học” trong toàn tỉnh và đến nay đã tạo ra hiệu ứng xã hội rất lớn. Theo đánh giá của các nhà trường, tủ sách đa dạng về chủng loại, bao gồm các tác phẩm văn học kinh điển, các tác phẩm đoạt giải, sách khoa học… cung cấp các kiến thức ngoài trường học, ngoài chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho học sinh. Cùng với đó là sách phát triển kỹ năng bản thân, hạt giống tâm hồn, truyện thiếu nhi, truyện tranh phù hợp với lứa tuổi của các em. Đặc biệt, trong tủ sách lớp học của học sinh từ lớp 4 đến lớp 9, có nhiều cuốn sách về lịch sử hình thành và phát triển của đồng tiền qua các thời kỳ; tìm hiểu về các ngành nghề liên quan đến tiền và tài chính; nhận thức về định nghĩa giàu - nghèo trong xã hội cổ xưa và hiện đại… Cái hay của “Tủ sách lớp học” là mỗi lớp có một tủ sách riêng, có ban quản lý, có hồ sơ quản lý tủ sách gồm sổ mượn sách, sổ ghi chép mã số sách, nội quy tủ sách do chính các em cùng tham gia quản lý. Sau một thời gian, các em học sinh trong lớp tự đổi sách cho nhau và các lớp trong trường đổi tủ sách cho nhau. Việc mượn sách có quy định, quy củ, thực hiện tốt theo đúng nội quy. Các em là người tự quản lý, tự bảo vệ tủ sách... Từ ý nghĩa của “Tủ sách lớp học”, UBND tỉnh, Sở GD và ĐT, Hội Doanh nhân Nam Định tại Hà Nội đã phát động nhân rộng ý tưởng của nhóm các doanh nhân Hải Hậu tại Hà Nội ra toàn tỉnh, khuyến khích các doanh nhân quê ở huyện nào sẽ ưu tiên tài trợ “Tủ sách lớp học” cho các em ở địa phương đó. Từ mô hình “Tủ sách lớp học” huyện Hải Hậu, đến nay các cựu học sinh của huyện Nam Trực cũng đã quyên góp tặng cho trường cũ hơn 200 tủ sách. Tại huyện Trực Ninh, 100% trường tiểu học, 60-70% trường THCS, THPT trên địa bàn huyện đã xây dựng "Tủ sách lớp học", chủ yếu nhờ sự đóng góp của cộng đồng. Trong ngày khai giảng năm học mới 2016-2017, đã có 13.126 đầu sách với 40.849 cuốn sách đã đến tay học sinh thuộc 57 trường tại Thành phố Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Giao Thuỷ và Trực Ninh. Đây là quà tặng chủ yếu của các doanh nhân người Nam Định đang làm việc trên khắp đất nước. Đặc biệt, đã có một chủ doanh nghiệp tặng tổng cộng 34.549 cuốn sách, trị giá 1 tỷ đồng cho 46 trường, trong đó có 18 trường ở Ý Yên và 18 trường ở Giao Thủy.

Với những đầu sách không ngừng được bổ sung, dự kiến đến tháng 7-2017, sách sẽ được phủ kín các trường, các trung tâm GDTX, hoàn thành mục tiêu xây dựng 12.662 “Tủ sách lớp học” ở tất cả các trường học trong tỉnh mà dự án đã đề ra./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com