Đồ chay "hút" khách vào tháng 7

08:08, 19/08/2016

Tháng 7 âm lịch hằng năm được coi là mùa “Vu lan báo hiếu” nên đây là thời điểm có nhiều người ăn chay hơn cả. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trên thị trường hiện đang bán rất nhiều loại thực phẩm chay khô, chế biến sẵn khá đẹp mắt và tiện lợi. Cùng với đó, tại các cửa hàng nấu cỗ chay, các món ăn chay nấu sẵn hoặc đồ chay đông lạnh luôn sẵn sàng để phục vụ nhu cầu của thực khách nói chung.

Quán cơm chay của chị Trần Thị Phương, số nhà 319, đường Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) từ lâu đã là một địa chỉ quen thuộc của những người yêu thích đồ ăn chay trên địa bàn thành phố. Chị Phương bắt đầu khởi nghiệp từ việc chuyên đi nấu cỗ chay cho các nhà chùa. 5 năm trở lại đây, chị Phương mở quán cơm chay với khoảng trên dưới 20 món ăn, đáp ứng mọi nhu cầu đồ chay cho khách hàng. Tranh thủ nói chuyện với chúng tôi, chị Phương vẫn luôn tay luôn chân chế biến các món ăn chay cho khách đặt từ trước. “Quán cơm chay của tôi lúc nào cũng có khách. Những nhà có đám hiếu muốn đặt cơm chay cúng, những người có nhu cầu ăn chay trong tháng hoặc dịp mồng 1, ngày rằm đều đến đặt món tại cửa hàng. Tuy nhiên, hằng năm, cửa hàng đông khách nhất vẫn là dịp tháng 7 âm lịch. Vào tháng này, lượng khách hàng đặt cỗ ở cửa hàng có thể tăng gấp vài ba lần so với những tháng khác trong năm”, chị Phương cho biết. Với 15 món chay thường xuyên, thực đơn chay của cửa hàng chị Phương khá đa dạng cho khách có thể lựa chọn như: xôi, đồ ăn mặn, các món canh, món xào… “Đồ ăn mặn có thế nào, tôi chế biến được các món chay y như thế ấy”, chị Phương hào hứng chia sẻ thêm. Với giá cả dao động từ 200-500 nghìn đồng/mâm, khách hàng có thể tùy ý lựa chọn các món ăn chay với số lượng món khác nhau. Tuy nhiên, đa phần khách đều đặt cỗ với các món chính: rau xào thịt hoặc tim cật, thịt gà, cá, nem, giò, chả, canh măng, canh chuối, xôi chay… Để chế biến được một mâm cỗ chay, chị Phương phải bỏ khá nhiều tâm sức. Ví dụ như để làm được món nem chay, chị phải chọn đến 8 loại nguyên liệu là: miến dong, mộc nhĩ, củ đậu, nấm hương, nấm rơm, rau thơm, rau sống, bánh đa nem loại nhỏ để chế biến. Hoặc để làm được món tôm chay chị cần phải có các loại nguyên liệu: tàu hủ, rong biển (nếu muốn có mùi biển), mì pasta có hình cái nơ (để giả làm đuôi tôm) và gia vị gồm muối, bột nêm, tiêu... Hoặc muốn làm món giò lụa chay, chị cần phải chuẩn bị các loại thực phẩm: váng đậu, tỏi tây… Cầu kỳ hơn cả là khi chị Phương tiến hành nấu các loại canh chay do phải sử dụng khá nhiều nguyên liệu. Ví dụ như món canh nấm chay, chị Phương có thể phải sử dụng đến 3 loại nấm là: nấm rơm, nấm hương, nâm linh chi, đặc biệt đều phải là nấm tươi. Ngoài ra còn có đậu phụ non, thịt chay, cà rốt, su hào, hạt sen, hành lá, dầu mè (hoặc dầu hào), hạt nêm chay, tiêu… Chọn được nguyên liệu, chị còn phải tính toán cách nấu, thời gian nấu cho phù hợp. Từ những loại rau, củ, quả qua bàn tay khéo léo của chị, các món chay mà trông như món mặn đều đặn được chị bày biện, xếp lên mâm, chờ khách tới lấy hàng. Có mặt tại cửa hàng cơm chay của chị Phương, chị Nguyễn Thị Lê, một khách hàng thường xuyên của quán cho biết: “Tôi và mẹ chồng tôi thường xuyên ăn chay, không chỉ trong dịp tháng 7. Một tháng, chúng tôi ăn chay khoảng 5 ngày. Vì vậy, tôi cũng hay tìm tới các quán cơm chay, đồ chay để mua. Thực phẩm chay rất tốt cho sức khỏe, có thể thanh lọc cơ thể, nhất là trong tình trạng nguồn thực phẩm từ động vật đang được nuôi với nhiều chất kích thích có hại. Đồ chay bây giờ không những ngon, phù hợp với khẩu vị mà hình thức còn rất bắt mắt. Khi rỗi rãi, tôi và mẹ chồng cũng hay làm các món chay, trước là để cúng rằm, mùng một, sau là để gia đình thụ lộc”. Cũng theo quan sát của chúng tôi, khách hàng của cửa hàng chị Phương khá đa dạng: Có những người chỉ đến để mua đồ cúng nhưng có những người đặt mua ăn thường xuyên, trong đó chủ yếu là giới công chức văn phòng hoặc những người trung tuổi hay đi lễ chùa. “Trung bình một ngày, cửa hàng tôi có khoảng 3-5 người đến mua các món chay về phục vụ nhu cầu ăn hằng ngày. Họ chính là những khách hàng “trung thành” của tôi”, chị Phương cười nói.
Chế biến đồ ăn chay ở cửa hàng của chị Trần Thị Phương, số nhà 319, đường Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định).
Chế biến đồ ăn chay ở cửa hàng của chị Trần Thị Phương, số nhà 319, đường Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định).
Mặc dù việc ăn chay, nấu cỗ chay đã trở nên thường xuyên nhưng vào tháng 7, nhu cầu ăn chay, thị trường mua bán đồ ăn chay trở nên nhộn nhịp hơn. Ghi nhận của chúng tôi những ngày đầu tháng 7 âm lịch, sức mua các mặt hàng rau, củ, quả, đồ chay đã tăng nhẹ so với tháng trước. Bên cạnh đó, các loại thực phẩm chay, các loại gia vị chế biến món chay cũng được nhiều người tiêu dùng chọn mua. Các sản phẩm đồ chay trên thị trường hiện khá đa dạng như: Thịt gà chay, thịt bò chay, cá chay có giá khoảng từ 6.000-7.000 đồng/gói tùy loại; mì chay có giá từ 2.000-4.000 đồng/gói. Các món cơm chay chiên giòn có giá từ trên 3.000-10 nghìn đồng/gói… Bên cạnh các thực phẩm chay nội còn có các loại thực phẩm chay được nhập từ nước ngoài, đặc biệt là các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Ma-lai-xi-a hoặc một số sản phẩm rong biển của Hàn Quốc, thực phẩm organic của Đài Loan, Mỹ. Giá những sản phẩm chay nhập khẩu này tương đối cạnh tranh với hàng Việt với nhiều mẫu mã đa dạng nên cũng thu hút khá đông người tiêu dùng. Tuy vậy, đại bộ phận các bà nội trợ vẫn ưu tiên “hàng Việt” từ các thương hiệu có uy tín của các nhà sản xuất trong nước như chả giò rế chay, lẩu chay, bánh xếp, hoành thánh chay... với mức giá dao động từ 30-70 nghìn đồng/gói. Khi mua đồ chay hoặc phụ gia chế biến đồ chay là hàng nhập khẩu, người tiêu dùng nên cẩn trọng đọc kỹ các thông tin ghi trên sản phẩm như: nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng… để tránh mua phải hàng trôi nổi, hàng tồn. Khảo sát thêm tại hệ thống các siêu thị BigC, Micom vào dịp này cũng cho thấy, các mặt hàng rau, củ, quả, đồ chay đang được nhập về rất phong phú với các loại bò viên, bò viên sốt thơm, bột canh heo chay, bò hầm, xúc xích bò tiệt trùng, cá rô sốt chua cay, thịt gà cắt lát… với giá gần như không thay đổi so với ngày thường. Chính vì vậy, đây cũng là địa chỉ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn khi muốn nấu hoặc chế biến đồ ăn chay.
 
Khi nhu cầu ăn chay càng trở nên phổ biến tại các đô thị kéo theo nghề làm cỗ chay, buôn bán đồ ăn chay, phụ gia trở nên nhộn nhịp thì những mâm cơm cúng hoặc bữa ăn hằng ngày của người Việt càng trở nên đa dạng,  phù hợp sức khỏe hơn. Mặc dù chi phí cho một mâm cơm chay hoặc suất ăn chay không hề “rẻ” hơn so với đồ ăn mặn song để “mua” lấy sức khỏe qua bữa ăn, nhiều bà nội trợ, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng “móc hầu bao” để bỏ tiền cùng công sức để nấu nướng, chế biến./.
 
Bài và ảnh: Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com