Hiệu quả của đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh

08:08, 16/08/2016
Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Tư vấn và dịch vụ sức khỏe sinh sản (Hội Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh) thường xuyên tiếp nhận các cặp vợ chồng đến khám thai, thực hiện sàng lọc trước sinh và được tư vấn kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc cho phụ nữ có thai; đảm bảo cho trẻ em sinh ra khoẻ mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần. 
Cán bộ chuyên trách Dân số huyện Nghĩa Hưng trao đổi kinh nghiệm  truyền thông công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh.
Cán bộ chuyên trách Dân số huyện Nghĩa Hưng trao đổi kinh nghiệm truyền thông công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh.
Chị Nguyễn Thị Thảo, phường Văn Miếu (TP Nam Định) hiện mang thai tháng thứ 5 đến Trung tâm tư vấn để thực hiện khám thai và sàng lọc trước sinh cho biết: “Tôi đã tìm hiểu ý nghĩa của sàng lọc trước sinh nên định kỳ đều đến khám tại đây với mong muốn con mình sinh ra được khỏe mạnh, lành lặn. Được các bác sĩ tư vấn về chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh, vợ chồng tôi đã hiểu được lợi ích và sự cần thiết của công tác này. Sau khi sinh, tôi tiếp tục đăng ký sàng lọc sơ sinh. Chị Trần Thị Huyền, phường Vị Hoàng (TP Nam Định) hiện mang thai ở tuần thứ 16 tâm sự: “Sinh ra những đứa con khỏe mạnh và lành lặn là điều mà tất cả các bậc cha mẹ đều mong muốn. Bởi điều đó không chỉ mang lại hạnh phúc cho gia đình mà còn mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội. Vì vậy, vợ chồng tôi ý thức và định kỳ đến Trung tâm tư vấn và dịch vụ sức khỏe sinh sản để tham gia sàng lọc trước sinh, sơ sinh”. Bác sĩ Nguyễn Văn Đường, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: Đề án “Sàng lọc trước sinh, sơ sinh” được triển khai tại tỉnh ta từ năm 2011 đến nay mang ý nghĩa nhân văn bởi giúp các gia đình sinh được những đứa con lành lặn, khỏe mạnh. Sàng lọc trước sinh là sử dụng những kỹ thuật thăm dò và xét nghiệm cho các thai phụ có nguy cơ cao nhằm xác định các dị tật bẩm sinh của thai nhi, giúp điều trị sớm hoặc chấm dứt thai kỳ đối với những thai nhi có bệnh lý di truyền hoặc dị tật bẩm sinh không khắc phục được. Hiện tại, sàng lọc trước sinh thường tập trung và phát hiện các dị tật ống thần kinh, hội chứng Down, hội chứng Edward là những dị tật có hậu quả nghiêm trọng trong sự phát triển trí tuệ của trẻ. Còn sàng lọc sơ sinh là sử dụng các biện pháp kỹ thuật áp dụng rộng rãi đối với trẻ sơ sinh nhằm phát hiện một số bệnh rối loạn chuyển hóa cần điều trị được ngay trong giai đoạn chưa có các biểu hiện lâm sàng nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu các di chứng của bệnh để trẻ phát triển bình thường về cả thể chất và tinh thần. Các bệnh lý rối loạn chuyển hóa và di truyền phần lớn đều tác động đến quá trình phát triển cơ thể về cả thể lực lẫn tinh thần bằng các biểu hiện như đần độn về trí tuệ, chậm lớn, chậm phát triển về thể chất, không phát triển dậy thì hoặc rối loạn phát triển giới tính, không có khả năng hoàn thành được các chức năng sinh trưởng. Các bệnh này nếu phát hiện sớm (tốt nhất trong giai đoạn sơ sinh), can thiệp điều trị kịp thời ngay từ khi chưa có các biểu hiện bệnh lý thì hầu hết đều giúp cho trẻ phát triển bình thường về thể chất và tinh thần. Qua 5 năm triển khai Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2015” theo Quyết định số 1395/QĐ-UBND ngày 17-8-2011 của UBND tỉnh, đến nay, đề án đã được thực hiện tại 229 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của đông đảo người dân, đề án đã đạt mục tiêu đề ra là: Xây dựng và mở rộng mạng lưới sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh tới tuyến cơ sở để phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh trong giai đoạn 2011-2015 nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, 90% thai phụ có nguy cơ cao được tuyên truyền, tư vấn; 30% thai phụ được sàng lọc trước sinh và 50% trẻ sơ sinh được sàng lọc. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương triển khai nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ, nữ hộ sinh tuyến huyện, xã về kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh; đội ngũ bác sĩ tuyến tỉnh, tuyến huyện về kỹ thuật siêu âm sàng lọc trước sinh. Từ năm 2011 đến năm 2015, đã có 6.563 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh và 7.951 trẻ em được sàng lọc sơ sinh. Một số đơn vị triển khai lấy mẫu tốt như: Bệnh viện Phụ sản tỉnh, các huyện Vụ Bản, Hải Hậu, Giao Thủy, Mỹ Lộc. Việc triển khai Đề án ”Sàng lọc trước sinh, sơ sinh” ở tỉnh ta đã góp phần thực hiện các chỉ tiêu công tác Dân số - KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, đã giảm tỷ suất sinh thô từ 15,46%o (năm 2011) xuống còn 14,59%o (năm 2015). Giảm tốc độ gia tăng dân số tự nhiên từ 9,76%o (năm 2011) xuống còn 9,24%o (năm 2015). Giảm tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi từ 7,51%o (năm 2011) xuống 6,9%o (năm 2015). Tỷ lệ sản phụ đẻ được cán bộ y tế chăm sóc từ 87% (năm 2011) lên 95% (năm 2015). Tỷ lệ sàng lọc trước sinh (số bà mẹ được sàng lọc so với số bà mẹ mang thai trong năm) từ 2,5% năm 2011 lên 3,9% năm 2015. Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh (so với số trẻ sinh ra sống trong năm) từ 2,76% năm 2011 lên 7,39% năm 2015.
 
Như vậy, với việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Sàng lọc trước sinh, sơ sinh”, tỉnh ta đã giảm được số lượng trẻ chậm phát triển, dị tật bẩm sinh, nhiễm bệnh; giảm gánh nặng cho xã hội vì phải chăm sóc người tàn tật không có khả năng hòa nhập cộng đồng. Các gia đình đỡ mất thời gian chăm sóc trẻ thiểu năng trí tuệ, có nhiều thời gian để lao động, làm việc, chăm sóc xây dựng gia đình và cuộc sống; tiết kiệm được thời gian, nguồn kinh phí và không phải chi trả dịch vụ chăm sóc cho trẻ. Không chỉ có vậy, những người thoát khỏi khuyết tật sẽ là nguồn nhân lực chất lượng đóng góp cho sự phát triển xã hội./. 
 
Bài và ảnh: Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com