Thức dậy tiềm năng vùng chân sóng Giao Thủy

12:02, 10/02/2016

Trong khí thế thi đua sôi nổi của những ngày cuối năm, chúng tôi về với miền chân sóng Giao Thủy. Một năm qua đi với những thành tựu đáng phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, năm tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp, năm tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng NTM và đẩy mạnh khai thác kinh tế biển tạo ra sự thay đổi lớn trong diện mạo của vùng quê miền chân sóng.

1.jpg

Sôi động phong trào xây dựng NTM

Chuẩn bị đón Xuân mới Bính Thân 2016, ngay từ đầu tháng Chạp, bà con khu dân cư số 3, Thị trấn Ngô Đồng đã tập trung quét vôi, trang trí NVH, chuẩn bị những tiết mục văn nghệ, lễ tục và các trò chơi dân gian trong những ngày đầu xuân. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa đầu xuân được duy trì tại địa phương từ khi triển khai Chương trình xây dựng NTM. NVH khu dân cư được xây dựng từ nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng NTM và vốn đối ứng của nhân dân với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng nên được nhân dân giữ gìn, khai thác hiệu quả. Mỗi dịp Tết đến, NVH khu dân cư số 3 lại được trang hoàng lộng lẫy để bà con đến hội họp, sinh hoạt trong những ngày đầu Xuân. Vào mùng 1 Tết, tổ dân phố tổ chức gặp mặt, chúc Tết toàn thể các hộ dân trong khu dân cư và mừng thọ các cụ cao niên. Sang mùng 2, mùng 3 Tết, chi Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ khu dân cư tổ chức sinh hoạt, gặp mặt đoàn viên, hội viên, cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong dịp đầu năm mới. Từ những buổi gặp mặt, sinh hoạt cộng đồng ngay từ những ngày đầu Xuân đã tạo sự gắn kết cộng đồng giữa những người dân trong khu dân cư, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất và đời sống, nhắc nhau thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Không khí vui Tết cộng đồng này hiện đã lan tỏa ở cả 8 khu dân cư của Thị trấn Ngô Đồng. Đồng chí Doãn Công Kỳ, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Thị trấn là 1 trong 3 đơn vị của huyện Giao Thủy được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2014, sớm hơn so với dự kiến 1 năm. Để duy trì thành tựu xây dựng NTM, Thị trấn Ngô Đồng cũng thẳng thắn nhận rõ, trong số 19 tiêu chí NTM đã được UBND tỉnh công nhận, có nhiều tiêu chí như cơ sở vật chất, môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, mức thu nhập của người dân… chứa đựng yếu tố không bền vững nếu không được quan tâm củng cố thường xuyên. Do đó, Đảng ủy, UBND thị trấn đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong việc giữ vững thành tựu đạt được trong xây dựng NTM. Mô hình tổ chức sinh hoạt cộng đồng tại NVH thôn không chỉ là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần mà còn đề cao vai trò của người dân để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” nên đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Đến nay sau 1 năm được công nhận đạt chuẩn NTM, nhiều tiêu chí tưởng như khó duy trì và giữ vững như thu nhập bình quân đầu người, lao động có việc làm và lao động qua đào tạo… của thị trấn tiếp tục được duy trì và nâng cao.

Hòa với niềm vui của các địa phương trong huyện tiễn năm cũ với nhiều thắng lợi và đón chào năm mới với khí thế thi đua sôi nổi, lập thành tích cao nhất chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Tết này người dân các xã Giao Phong, Giao Lạc, Bình Hòa, Giao Tiến, Giao Thịnh còn vui hơn vì vừa được công nhận hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Nhìn lại chặng đường đã qua, có rất nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình xây dựng NTM: Đó là sự quyết tâm cao, sự nỗ lực, đoàn kết, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân; đó là công tác tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường các biện pháp thâm canh tăng năng suất gắn với từng bước thực hiện liên kết “4 nhà”. Khi thu nhập của người dân được nâng cao, đời sống được cải thiện sẽ là yếu tố quyết định để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Mai Thanh Long, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Việc hoàn thiện các tiêu chí và được công nhận “Xã đạt chuẩn NTM” đã tạo niềm tin tưởng phấn khởi của bà con nông dân. Bởi, mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đã trở thành hiện thực. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân của huyện đạt 13,01%/năm; thu nhập của người dân đã được nâng cao, bình quân đạt 25,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 2,5%. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM có sự chuyển biến tích cực, không nặng về hình thức mà đi vào thực chất. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ, tích cực hưởng ứng việc thực hiện xây dựng NTM, tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh, trong đó UBND huyện đã hoàn thiện hồ sơ để các dự án xây dựng nhà máy sản xuất da giày, may xuất khẩu, trồng rau sạch; cơ khí chế tạo, đóng tàu pha sông, biển; nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản công nghệ cao… triển khai thực hiện ngay trong năm 2016, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đây chính là động lực để 12 xã của huyện thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 hoàn thiện nốt những tiêu chí còn lại, phấn đấu đạt mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2018.

Bến cá xã Giao Hải.  Ảnh trong bài: Trần Hưng
Bến cá xã Giao Hải. Ảnh trong bài: Trần Hưng

Phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng, an ninh

Huyện Giao Thủy là vùng chân sóng có bờ biển dài 32km, với hàng chục nghìn ha bãi bồi ven biển thuận lợi cho phát triển các loại hình kinh tế biển như sản xuất muối, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản; phát triển du lịch biển và nghiên cứu khai thác năng lượng biển phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh… Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất nơi chân sóng, trong các kỳ đại hội, Đảng bộ huyện Giao Thủy luôn xác định kinh tế biển là “mũi nhọn” trong định hướng phát triển kinh tế của huyện. Bền bỉ với mục tiêu này, đến nay tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện là 5.241ha; toàn huyện có 780 phương tiện khai thác thủy, hải sản các loại. Tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản trong giai đoạn 2011-2015 ước đạt khoảng 40 nghìn tấn, tăng 1,5 lần so với giai đoạn trước. Giá trị sản xuất thủy sản đạt khoảng 1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,75 lần so với giai đoạn trước. Các ngành nghề chế biến và dịch vụ nghề cá phát triển ở tất cả các địa phương trong huyện. Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông hiện nay, thực hiện định hướng của Đảng, Nhà nước gắn phát triển kinh tế biển với củng cố quốc phòng, an ninh, huyện chỉ đạo các HTX đánh bắt thủy, hải sản kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ, đội đánh bắt xa bờ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 và Kế hoạch hành động của UBND huyện về bảo vệ quốc phòng, an ninh tuyến biển để vừa sản xuất vừa giữ vững an ninh chủ quyền biên giới biển. Đến nay các xã ven biển của huyện đều hình thành tiểu đội dân quân biển trực tiếp là thuyền viên, thuỷ thủ trên các phương tiện tàu, thuyền ở cả 28 tổ, đội khai thác, đánh bắt cá trên biển. Lực lượng dân quân tự vệ biển được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống xảy ra trên biển và được tổ chức theo biên chế cấp tiểu đội và cấp tổ gắn với từng đôi tàu của gia đình, dòng họ hoạt động trên cùng khu vực ngư trường khai thác. Do đó lực lượng dân quân tự vệ biển có đủ khả năng hoạt động trên cả 3 tuyến bờ, tuyến lộng và ngoài khơi; kết hợp chặt chẽ giữa khai thác, đánh bắt hải sản với việc phối hợp cùng các lực lượng tuần tra nắm tình hình trên biển, giải quyết các vụ việc vi phạm trên vùng biển của tỉnh và tham gia các nhiệm vụ đột xuất như phòng, chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai cũng như làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, ngăn chặn tình trạng xâm hại ngư trường. Cùng với việc hướng dẫn ngư dân thực hiện tốt trách nhiệm công dân trong việc sản xuất an toàn, hiệu quả gắn với bảo vệ an ninh tuyến biển, UBND huyện chỉ đạo các địa phương vận động người dân tích cực đầu tư thay thế tàu công suất nhỏ bằng tàu công suất lớn gắn với đổi mới kỹ thuật đánh bắt, công nghệ bảo quản sản phẩm. Thời gian qua, huyện đã huy động các nguồn lực hỗ trợ ngư dân đóng mới 10 tàu đánh cá xa bờ, 1 tàu hậu cần dịch vụ nghề cá công suất lớn để có thể vươn tới các ngư trường xa như Nha Trang, Vũng Tàu, Trường Sa, Hoàng Sa… Năm 2015, huyện Giao Thủy đã tập trung vốn, nhân lực, tiếp thu công nghệ mới để mở rộng và phát huy hiệu quả diện tích nuôi trồng thủy sản. Cùng với việc duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có, huyện chỉ đạo các xã ven biển tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa và sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản theo phương thức bán công nghiệp, công nghiệp và cao sản; đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi để nâng dần năng suất ở các vùng nuôi sinh thái; giải quyết đồng bộ về sản xuất và nhập con giống thủy sản, thức ăn công nghiệp, phòng trừ dịch bệnh; mở rộng các đối tượng nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như cua biển, cá bớp, ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng; khuyến khích ngư dân tích cực khai thác các nguồn vốn để đóng tàu sắt thay tàu gỗ, mở rộng ngư trường đánh bắt hải sản ở các vùng biển xa. Một số địa phương ven biển tiếp tục triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển một số cây, con giống bản địa tại Vườn quốc gia Xuân Thủy gồm: Ngao dầu, ngao gió, móng tay, tu hài… Đồng thời đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thủy lợi vùng nuôi tôm công nghiệp tại xã Giao Phong, Bạch Long. Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, huyện tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển với những dự án lớn mang tính đột phá như: Nâng cấp kết cấu hạ tầng Vườn quốc gia Xuân Thủy; Xây dựng khu du lịch Giao Phong với quy mô trên 200ha; Xây dựng nhà máy chế biến ngao sạch; Nghiên cứu hoàn thiện quy trình khép kín trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của địa phương…

Một mùa Xuân mới đã về! Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố an ninh, nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Giao Thủy nhiệm kỳ 2015-2020 đã và đang được triển khai, thực hiện, từng bước đi vào cuộc sống. Tiềm năng, thế mạnh của vùng chân sóng Giao Thủy đang được đánh thức, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và an bình cho người dân./.

Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com