Đem tri thức đến với nông dân

01:02, 08/02/2016

Trong những năm qua, hành trình “Đem tri thức đến với nông dân” thông qua xây dựng và củng cố các Trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) đang được cấp ủy Đảng, chính quyền ở nhiều địa phương quan tâm nhằm xây dựng “Xã hội học tập”, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với nội dung giản tiện và cập nhật, các lớp học của các Trung tâm HTCĐ đã đáp ứng được nhu cầu “Cần gì học nấy”, “Học những điều cần thiết”, “Học mọi nơi, mọi lúc”, giúp mỗi gia đình, mỗi người dân có tri thức, hiểu biết, có kinh nghiệm để sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi của gia đình anh Trần Văn Dựng ở xóm Phương Khê, xã Phương Định (Trực Ninh) đúng lúc anh đang chuẩn bị xuất chuồng đàn lợn thịt béo tròn cho thương lái để cung ứng ra thị trường trước dịp Tết Nguyên đán. Niềm vui “được mùa” hiện rõ trên khuôn mặt người nông dân chân lấm tay bùn đã đi lên làm giàu bằng chính bàn tay, khối óc của mình. Còn nhớ cách đây mấy năm, cán bộ Trung tâm HTCĐ xã đã đến từng gia đình, từng thửa ruộng, bờ ao để khảo sát xem người dân có nhu cầu học gì, đồng ruộng ở đây phù hợp với giống lúa gì, nuôi lợn, nuôi cá thế nào để cho hiệu quả kinh tế cao…, anh Dựng đã trộm nghĩ: Bao năm nay người dân vốn quen với cây cuốc, cái cày, cùng với nghề dệt truyền thống của địa phương cứ thế “túc tắc” sống nên họ khảo sát cho có phong trào chứ cũng đồng đất ấy thì thay đổi được gì(?). Rồi những lớp chuyên đề được mở, người đi học được tiếp cận với kỹ thuật thâm canh, chăm bón lúa ở từng thời vụ, từng loại giống, từng chân ruộng, cách dùng phân ra sao, kết hợp VAC thế nào… Những kỹ thuật đó lại được phổ biến ngay tại đầu bờ, trên ruộng, tạo điều kiện cho họ trực tiếp thực hành, rút kinh nghiệm, anh Dựng đã “ngấm dần”. Vì vậy, khi xã có kế hoạch chuyển đổi những vùng đồng đất kém hiệu quả sang các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới, anh Dựng đã mạnh dạn xin được đấu thầu 3 mẫu đất bãi trồng dâu ven sông Ninh Cơ để đào ao thả cá, nuôi lợn, trồng rau và cây ăn quả. Những ngày đầu triển khai, anh được tiếp cận với những kiến thức mới từ những người có kinh nghiệm, kỹ sư chăn nuôi thông qua các lớp học tại Trung tâm HTCĐ nên mọi việc diễn ra suôn sẻ. Từ việc phòng bệnh cho lợn, cho cá đến các loại thức ăn tưởng rằng đơn giản như cách làm của người dân bao đời nay cũng được thay đổi theo đúng quy trình và phương pháp mới; từ chân ruộng, nguồn nước, nguồn phân, thức ăn, loại cây, loại giống đã khác rất nhiều. Vì vậy, sau vụ thu hoạch đầu tiên cho kết quả khả quan, anh không chỉ nuôi lợn thịt mà còn nuôi lợn nái, các giống lợn thả vườn, nuôi cá, trồng rau… cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập như “mơ ước” không chỉ của gia đình anh mà còn của nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn tiếp thu kiến thức để làm giàu thông qua mô hình “Cần gì học nấy, học để làm ngay” ở xã.
Do tiếp thu những kỹ thuật dệt mới tại Trung tâm HTCĐ xã, chị Đặng Thị Cậy ở xã Nam Hồng (Nam Trực) đã nâng cao chất lượng sản phẩm dệt của gia đình, cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Do tiếp thu những kỹ thuật dệt mới tại Trung tâm HTCĐ xã, chị Đặng Thị Cậy ở xã Nam Hồng (Nam Trực) đã nâng cao chất lượng sản phẩm dệt của gia đình, cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Ở khắp các địa phương trong tỉnh, đâu đâu cũng gặp những triệu phú nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Cuộc sống của người dân ở các làng quê hiện nay đã thay đổi rõ rệt, hiển hiện trong mỗi gia đình. Giờ đây không ai còn những ngày nông nhàn rỗi ao ước một cuộc sống sung túc, no đầy. Bởi, nghề mây tre đan xuất khẩu, nghề dệt, mộc, đan cói, mỹ nghệ, may, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản…; rồi làm VAC đã chiếm hết thời gian của các hộ gia đình. Với kiến thức thường xuyên được cập nhật ở mọi lúc, mọi nơi, cần gì học nấy, người nông dân đã có hiểu biết và có kinh nghiệm để làm ăn và cùng nhau sinh sống tốt hơn. Tình làng, nghĩa xóm, sự gắn bó từ mỗi tổ, đội sản xuất, mỗi thôn xóm thành một tổ hợp bền vững giúp nhau phát triển. Với các hình thức học tập chủ yếu là: lớp chuyên đề, CLB, hằng năm, các Trung tâm HTCĐ xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các xóm phát động phong trào “Toàn xã hội học tập”, với sự tham gia của mọi lứa tuổi. Qua điều tra, nắm vững nhu cầu học tập của nhân dân, các Trung tâm HTCĐ đã phân công các tiểu ban: tuyên truyền, phổ biến pháp luật, khoa học kỹ thuật, công nghệ, ngành nghề, bổ túc văn hóa, ngoại ngữ, tin học, phổ cập, văn hóa thể thao, dân số - KHHGĐ… và trưng tập các cộng tác viên, giảng viên về tin học, chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc cây cảnh, khuyến nông, nuôi trồng thủy sản… Đồng thời phối hợp với các ban, ngành của huyện, tỉnh, các cán bộ có trình độ khoa học kỹ thuật đã nghỉ chế độ làm giảng viên các lớp học chuyên đề theo mô hình “Cần gì học nấy, học để làm ngay”. Các lớp học này được triển khai ngay tại UBND xã, thị trấn, ở ngay mỗi NVH thôn, các nhà trường, trạm y tế nên hằng năm mỗi Trung tâm HTCĐ đã thu hút được hàng nghìn lượt người đến học. Sau mỗi khóa học, các Trung tâm HTCĐ đều tổ chức tham quan, rút kinh nghiệm, có ghi chép để đối chiếu khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Được tiếp cận về lý thuyết và được thực hành ngay trên đồng ruộng, bà con ngày càng thấy rõ, canh nông không chỉ theo kinh nghiệm mà còn phải áp dụng khoa học kỹ thuật. Với sự tham gia của các ngành, đoàn thể địa phương, các Trung tâm HTCĐ đều xây dựng kế hoạch chương trình học tập thích hợp, đáp ứng nguyện vọng của học viên. Nét nổi bật ở các lớp học chuyên đề của các Trung tâm HTCĐ là phương pháp giảng dạy đơn giản, coi trọng về thực hành. Giáo viên có thể nắm lý thuyết của giáo trình nhưng khi dạy phải tối giản lý thuyết, chuyển thành áp dụng thực tế. Ông Nguyễn Văn Tân, xã Hải Long (Hải Hậu) nói về cách học của mình: “Cách học của chúng tôi là nhìn và làm theo thầy. Chúng tôi học những điều để làm ngay, có hiệu quả ngay”. Cũng giống như ông Tân, chị Đặng Thị Cậy ở xã Nam Hồng (Nam Trực) thường xuyên đến Trung tâm HTCĐ để học những kỹ thuật mới trong nghề dệt và tham gia các lớp học về thời sự, chính sách pháp luật cũng như tham gia CLB phụ nữ ở địa phương. Chị cho biết: “Gia đình tôi có nghề dệt truyền thống, nhưng hằng năm vợ chồng tôi và lao động trong Cty của gia đình đều đăng ký học các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật mới về nghề dệt khăn xuất khẩu do Trung tâm HTCĐ xã kết hợp với Hội Phụ nữ, các Cty xuất nhập khẩu lớn trong và ngoài tỉnh về giảng dạy. Do mẫu mã thay đổi liên tục theo thị hiếu của người tiêu dùng nên việc học này đã mang lại lợi ích thiết thực cho gia đình tôi”. Đặc biệt, Trung tâm HTCĐ ở các địa phương còn thường xuyên mở các lớp học tập các nghị quyết của Đảng, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước, học lịch sử Đảng bộ địa phương, các buổi tọa đàm cho thanh niên tìm hiểu về Đoàn, Đội, về pháp luật, ma túy học đường, an toàn giao thông, giáo dục sức khỏe vị thành niên… đã thu hút đông đảo thanh, thiếu niên đến sinh hoạt, góp phần giảm các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Công tác phổ cập giáo dục cũng được quan tâm thường xuyên để kịp thời tổ chức các lớp bồi dưỡng văn hóa cho học sinh chưa học hết THCS. Vì vậy, ở hầu hết các địa phương, học sinh trong độ tuổi đều được đến trường, không có trẻ em thất học. Đến nay, hầu hết các Trung tâm HTCĐ đã xây dựng được tủ sách pháp luật, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong cuộc sống… để phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của nhân dân. Đồng thời phối hợp với Ban tư pháp xã, thị trấn biên soạn các nội dung tuyên truyền về pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước để tuyên truyền trên đài truyền thanh và trong các hội nghị để nhân dân hiểu và thực hiện. Trong năm 2015, các Trung tâm HTCĐ đã thu hút 1,5 triệu lượt người học tập các lớp học chuyên đề, góp phần nâng cao trình độ và kiến thức trên các lĩnh vực cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
 
Đất nước đã vào Xuân! Cùng với các quyết sách đúng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đang tiến hành công cuộc nâng cao dân trí thông qua việc xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm HTCĐ để đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com