Thực hiện chiến lược xây dựng gia đình trong thời kỳ mới

09:01, 27/01/2015

Thực hiện Kế hoạch 08 ngày 21-1-2013 của UBND tỉnh về Chiến lược xây dựng Gia đình đến năm 2020 và Quyết định số 17 ngày 30-5-2013 của UBND về tiêu chí, tiêu chuẩn, trình tự và thủ tục xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa - NTM”, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức, triển khai nhiều phong trào, hoạt động thiết thực về công tác xây dựng gia đình; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách chỉ đạo thực hiện những nội dung thuộc nhiệm vụ chính trị của ngành, đơn vị mình và trực tiếp phụ trách các đơn vị cơ sở. Đối với phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa - NTM”, các tiêu chí đều chú trọng các nội dung như: xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc; phát triển kinh tế hộ gia đình, xoá đói giảm nghèo; thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ; gương mẫu thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là những tiêu chí được kế thừa có chọn lọc những bản sắc văn hoá gia đình truyền thống, phù hợp với giai đoạn mới, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực phối hợp thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hoá qua việc lồng ghép với các phong trào: Gia đình nông dân văn hoá; Gia đình phụ nữ văn hoá; Gia đình cựu chiến binh văn hoá, Gia đình văn hoá sức khoẻ… Đến nay, toàn tỉnh có 436.955/563.449 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa - NTM” (đạt 78%). Tiêu biểu như huyện Giao Thủy, trên tinh thần Quyết định 17 và Kế hoạch 08 của UBND tỉnh, UBND huyện ban hành Quyết định số 03 ngày 6-1-2014 về tiêu chí xây dựng và công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa - NTM”. Cả 22 xã, thị trấn của huyện đều tổ chức quán triệt, triển khai tới xóm, thôn, các dòng họ và hộ gia đình; các nội dung, tiêu chí của phong trào và cuộc vận động được đưa vào hương ước, quy ước để cộng đồng dân cư cùng thực hiện đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi trong phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa - NTM”. Đến nay, toàn huyện có 48.515 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa - NTM” đạt tỷ lệ 80,5%. Các địa phương có tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa - NTM” cao là: Giao Hà, Giao Tiến, Bình Hòa, Giao Lạc, Bạch Long, Giao Phong, Giao Hải, Giao Yến, Giao Tân, Giao Châu, Giao Long, Giao Thịnh. Đặc biêt, phong trào xây dựng Gia đình văn hóa gắn với phát triển kinh tế gia đình, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và nhân dân tích cực hưởng ứng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, toàn huyện có 21.676/60.270 hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Ngành nghề nông thôn của huyện có bước phát triển mới giải quyết việc làm cho gần 10 nghìn lao động nông thôn với thu nhập bình quân từ 3 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa (toàn huyện có 216 trang trại, trong đó có 12 trang trại chăn nuôi, 201 trang trại thủy sản, 3 trang trại tổng hợp; sản lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân đạt 12.800 tấn/năm, sản lượng thủy sản bình quân đạt 33.500 tấn/năm). Huyện Hải Hậu đã ban hành 8 tiêu chí thi đua công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa - NTM”. Trọng tâm là tập trung đẩy mạnh phong trào “Gia đình văn hóa - NTM” với chủ trương khuyến khích và nhân rộng mô hình Gia đình văn hóa sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua thực hiện phong trào, các hộ gia đình đã tích cực chuyển đổi cơ cấu, mùa vụ; bố trí cây trồng, con nuôi có năng suất, hiệu quả cao phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế sẵn có, đồng thời ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đã giành kết quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã triển khai 155 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Nhiều mô hình cây con cho thu nhập cao như: mô hình trồng cà chua, cải dầu, khoai tây, bí xanh…; mô hình chăn nuôi lợn ngoại giống ông bà ở xã Hải Lộc, nuôi gà công nghiệp ở xã Hải Đông; về thuỷ sản, việc phân vùng nuôi đã mang lại hiệu quả cao cho nông dân như: vùng nuôi tôm he chân trắng ở xã Hải Đông (20ha), Hải Lý (15ha), Hải Chính (20ha), vùng chuyên canh nuôi cá diêu hồng ở xã Hải Châu (50ha). Nhiều hộ dân do áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh đã có thu nhập từ 500-700 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, triển khai về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới được đẩy mạnh. Các địa phương trong tỉnh chú trọng công tác truyền thông, giáo dục đời sống gia đình thông qua các mô hình sinh hoạt CLB như “CLB Gia đình hạnh phúc”, “CLB Tiền hôn nhân”. Các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân tổ chức tuyên truyền pháp luật về hôn nhân, gia đình đến các hội viên gắn với các phong trào: Xây dựng "Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", “Gia đình 5 không, 3 sạch" của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân với phong trào "Gia đình nông dân văn hóa"; Hội CCB có phong trào "Gia đình hội viên gương mẫu"; Hội Người cao tuổi thực hiện phong trào "Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo"…

Kế hoạch 08 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược xây dựng Gia đình đến năm 2020 đề ra 3 mục tiêu và 11 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tai, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu và chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình xã hội phát triển. Nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi. Phấn đấu đến năm 2020 có 95% hộ gia đình được phổ biến và cam kết thực hiện tốt Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới; 95% nam, nữ trước khi kết hôn được trang bị kiến thức về gia đình; 80% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa - NTM”; 95% hộ gia đình thực hiện tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ; 95% số hộ nghèo, cận nghèo được cung cấp kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế gia đình. Để thực hiện hiệu quả Chiến lược xây dựng Gia đình đến năm 2020, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chỉ đạo của chính quyền trong việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và những nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và quán triệt pháp luật về gia đình đến từng cán bộ, đảng viên và mọi người dân nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH. Nâng cao năng lực bộ máy làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tiếp tục bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách của công dân, nhất là trong giới trẻ và học sinh. Tăng cường tuyên truyền, đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, làm tha hóa con người, ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa truyền thống gia đình. Khuyến khích phát triển nhiều hình thức, mô hình TDTT quần chúng, nhất là ở xóm và khu tập trung đông dân cư; nâng cao chất lượng sức khỏe cộng đồng; từng bước nâng cao thể lực, tầm vóc con người, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống. Tiếp tục nghiên cứu toàn diện về các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hoá gia đình, phát huy những giá trị mới, xây dựng mô hình gia đình văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com