Xứng đáng với người đã khuất

08:12, 16/12/2014

Tại buổi lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tháng 9-2014, bà Cao Thị Đào đã đại diện cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng phát biểu cảm nghĩ của mình. Cả hội trường Nhà văn hóa 3-2 xúc động chia sẻ những nỗi đau, mất mát mà bà đã trải qua.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Cao Thị Đào, ở xã Giao Châu (Giao Thủy) trò chuyện với đoàn viên thanh niên tại buổi lễ trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Cao Thị Đào, ở xã Giao Châu (Giao Thủy) trò chuyện với đoàn viên thanh niên tại buổi lễ trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ngày ấy, cô giáo mầm non Cao Thị Đào ở xã Giao Châu (Giao Thủy) kết duyên cùng anh Trịnh Bá Ly, người cùng quê. Cưới nhau được 6 tháng, cuối năm 1974 anh lên đường nhập ngũ. Con trai đầu lòng của anh chị được đặt tên là Trịnh Gia Lai, một trong những nơi anh đóng quân với nhiều kỷ niệm sâu sắc. Sau 7 năm công tác, anh Trịnh Bá Ly mới nghỉ phép về thăm gia đình một tháng. Sau khi anh trở lại đơn vị ít lâu, chị nhận được tin chồng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Khi ấy, anh 29 tuổi để lại người vợ trẻ và 2 đứa con thơ dại. Nỗi đau quá lớn khiến chị bị bệnh về thần kinh, tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Nhưng nhìn hai con nhỏ, bố mẹ hai bên ngày một già yếu, chị nén đau thương, tiếp tục công tác với tâm nguyện sẽ ở vậy nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Ngày ấy, kinh tế còn nhiều khó khăn, ngoài giờ trên lớp, chị còn nhận cấy thêm vài sào ruộng, nuôi lợn, nuôi gà và trồng rau để cải thiện bữa ăn cho con và có thêm nguồn thu nhập. Năm 1980, chị đã xây được căn nhà mái ngói chắc chắn thay cho ngôi nhà tranh, vách đất trước đây. Bao khó khăn vất vả nhưng bù lại, các con của chị đều khỏe mạnh, chăm chỉ học hành, đều là con ngoan, trò giỏi. Năm 1990, chị được phân công về dạy ở Trường Tiểu học Giao Châu. Với sự nỗ lực phấn đấu trong công tác và rèn luyện, năm 1991, chị được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nối tiếp truyền thống của gia đình, con trai chị sau khi tốt nghiệp THPT đã được tiếp nhận vào công tác tại Công an tỉnh Lâm Đồng. Ở tuổi 18, đang phơi phới sức xuân, với ước mơ được tiếp bước cha, sống xứng đáng để thay cha làm trụ cột cho mẹ và em gái của người con hiếu thảo này đã không kịp trở thành hiện thực. Trong một lần đi làm nhiệm vụ chữa cháy tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), con trai chị đã dũng cảm hy sinh khi lao vào đám cháy để cứu tính mạng, tài sản của nhân dân. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau khiến chị thực sự suy sụp. Nhưng được sự giúp đỡ, động viên của đôi bên gia đình, họ hàng; sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy Đảng, chính quyền xã Giao Châu; sự cảm thông, chia sẻ của bà con lối xóm, một lần nữa, chị lại nén nỗi đau, tiếp tục công tác, nuôi dạy cô con gái út khôn lớn trưởng thành, xứng đáng với sự hy sinh của cha và anh.

Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người, trong đó có 37 năm đứng trên bục giảng và tham gia công tác quản lý, bà Cao Thị Đào liên tục đạt danh hiệu Lao động giỏi, danh hiệu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” và được nhận nhiều Bằng khen của Bộ GD và ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Bà còn tham gia nhiều khóa HĐND xã, BCH Hội Phụ nữ xã và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Niềm hạnh phúc lớn nhất của bà là sự trưởng thành của cô con gái út, chị đã tốt nghiệp đại học và hiện công tác tại Hà Nội. Một lòng chung thủy thờ chồng, nuôi con, bà Cao Thị Đào đã thay chồng giữ vẹn toàn chữ “nghĩa”, chữ “hiếu” trong gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành, đảm đang, chăm lo phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Cả cuộc đời cống hiến, hy sinh thầm lặng, bà đã sống xứng đáng với người đã khuất./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com