Phát huy vai trò của hệ thống truyền thanh cơ sở trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

08:06, 18/06/2013

Hệ thống truyền thanh cơ sở có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới cán bộ và nhân dân. Với ưu thế khả năng truyền tin nhanh, chủ động về thời gian, người dân tiếp cận hằng ngày nên hệ thống truyền thanh cơ sở được xác định là giải pháp hữu hiệu để đưa thông tin pháp luật nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời đến người dân trong các khu dân cư.

Cán bộ đài truyền thanh xã Nam Phong (TP Nam Định) trong một chương trình tuyên truyền pháp luật.
Cán bộ đài truyền thanh xã Nam Phong (TP Nam Định) trong một chương trình tuyên truyền pháp luật.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 229 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn, với trên 3.773 cụm loa ở từng thôn, xóm, khu phố; thời lượng phát sóng phổ biến 2 buổi, 3 buổi/ngày; trong đó, chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân chiếm tỷ lệ thời lượng 30%. Để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới cán bộ và nhân dân, Đảng ủy, UBND các xã, phường, thị trấn đã quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Ban Tư pháp các xã, phường, thị trấn kịp thời cung cấp tài liệu, văn bản pháp luật mới, biên soạn nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, liên quan thiết thực đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân, như: giới thiệu chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, chú trọng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống chính trị xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, các công việc thi hành, chấp hành pháp luật ở địa phương, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện, chấp hành pháp luật, những cá nhân, hộ gia đình có hành vi vi phạm quy ước, nếp sống văn hóa, vi phạm pháp luật, giải đáp những thắc mắc, những kiến nghị của người dân địa phương về quy định pháp luật đều được phản ánh kịp thời, rộng rãi trên địa bàn trên đài truyền thanh. Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng qua nhiều chuyên mục như: Hỏi - đáp pháp luật, tiểu phẩm truyền thanh, giới thiệu các văn bản pháp luật mới… Các văn bản pháp luật được tập trung tuyên truyền gồm: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, các thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Luật Nghĩa vụ quân sự, chương trình xây dựng NTM... Huyện Ý Yên có 32 đài truyền thanh ở 32 xã, thị trấn. Ngoài việc tiếp phát sóng các chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH tỉnh, đài truyền thanh các xã, thị trấn đã mở thêm các chuyên mục như: Pháp luật và đời sống, An ninh quốc phòng, An toàn giao thông, Tiếp chuyện bạn nghe đài, Câu chuyện pháp luật, Hỏi đáp pháp luật…; trong đó, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân hoặc những vấn đề pháp luật mà xã hội đang quan tâm. Trong đợt tuyên truyền lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai sửa đổi, đài truyền thanh các xã, thị trấn trong huyện đã phát hàng trăm giờ, với thời lượng 3 lần/ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật và được phát vào nhiều thời điểm trong ngày để mọi người dân đều theo dõi được; đồng thời phản ánh những ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian triển khai thực hiện lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đai sửa đổi. Ông Hoàng Tam Quỳnh, xã Yên Khánh (Ý Yên) cho biết: Người nông dân ít thời gian đọc sách, báo, lại bận việc mùa vụ, nên thông qua nội dung tuyên truyền trên đài truyền thanh của xã phát hằng ngày, chúng tôi đã cập nhật được thông tin thời sự, tiếp thu được chủ trương của Đảng, Nhà nước để tham gia ý kiến. Đồng chí Nguyễn Thành Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) cho biết: Trong thời gian qua, Hội đồng phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật xã phối hợp với các hội, đoàn thể và đài truyền thanh xã mở nhiều đợt tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Theo tôi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên hệ thống đài truyền thanh rất hiệu quả vì đây là loại hình truyền thông trực tiếp, khả năng truyền tin nhanh. Những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân trực tiếp nhất, thuận tiện nhất...

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở vẫn chưa được chú trọng, nội dung tuyên truyền đơn điệu, sơ sài, chất lượng chương trình phát thanh cũng như chất lượng tín hiệu thấp, không thu hút được sự quan tâm của người dân. Để hệ thống đài truyền thanh cơ sở thực sự là công cụ tuyên truyền, là cầu nối đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân ở cơ sở, Hội đồng phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật thông qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Trong đó, tăng cường sự phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giữa cơ quan Tư pháp và Văn hoá thông tin ở địa phương, xây dựng kế hoạch thực hiện với nội dung thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các bên trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bố trí lịch thời gian tuyên truyền vào thời điểm phù hợp với tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân địa phương. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên, lựa chọn nội dung tuyên truyền thiết thực, phù hợp với nhu cầu tìm hiểu của người dân ở cơ sở và bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp hệ thống đài truyền thanh cơ sở, tạo điều kiện để đưa thông tin pháp luật đến với người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com