Cần nhìn nhận và thực hiện tốt hơn công tác phân luồng học sinh

07:06, 15/06/2013

Những năm qua, sự nghiệp GD và ĐT của tỉnh Nam Định luôn đứng trong tốp đầu của cả nước. Trong thành tích đó có sự đóng góp của công tác phân luồng học sinh (PLHS) sau THCS và THPT. Đó là kết quả sự quan tâm, chăm lo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ toàn ngành, với sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc cha mẹ học sinh và toàn thể nhân dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiệm vụ của ngành Giáo dục, đặc biệt là công tác PLHS đang đứng trước đòi hỏi phải được nhìn nhận đầy đủ, đúng đắn hơn và thực hiện quyết liệt hơn mới đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho quá trình phát triển.

PLHS là sự phân bổ, sắp xếp học sinh sau khi tốt nghiệp trung học vào học tập, rèn luyện ở các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề; công tác PLHS đạt hiệu quả khi tỷ lệ vào học từng loại hình, từng cấp độ đào tạo phù hợp điều kiện, năng lực của mỗi cá nhân và nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của xã hội. PLHS sau THCS là sự phân bổ, sắp xếp học sinh đã tốt nghiệp THCS vào học ở các trường THPT (công lập, tư thục), các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp nghề (TCN); đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THPT được phân luồng vào học TCN, TCCN, cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH).

Cùng với lao động, việc làm và thu nhập, vấn đề PLHS sau THCS, THPT có tính xã hội rất cao. PLHS có ảnh hưởng khá lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cả nước, mỗi tỉnh, thành và tác động trực tiếp đến từng gia đình, học sinh.

Hiện nay, khi chất lượng, hiệu quả công tác PLHS còn hạn chế đã gián tiếp làm phát sinh nhiều hệ quả xấu cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương vẫn đang tồn tại. Hiện tượng “thừa thầy, thiếu thợ” ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn khá phổ biến. Nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn rất “khan hiếm”. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp, CĐ, ĐH không có việc làm hoặc làm việc không đúng chuyên môn được đào tạo… đang là những thách thức gay gắt, bức xúc của xã hội.

Ở góc độ cá nhân và mỗi gia đình, lựa chọn cấp học, trường học, ngành học của học sinh không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cả cuộc đời mỗi con người, bản thân học sinh hao tổn thời gian, sức lực, gia đình tốn kém tiền bạc… và nhiều hệ luỵ khác.
Thực hiện công tác PLHS có hiệu quả, chính xác sẽ góp phần giải quyết tốt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động của nền kinh tế, thúc đẩy xã hội phát triển. Mỗi cá nhân được đào tạo ngành nghề phù hợp là điều kiện quan trọng, tiền đề tốt đẹp cho việc lập thân, lập nghiệp, tạo dựng một tương lai tươi sáng.

Những năm qua, kết quả PLHS của tỉnh Nam Định chưa được như mong muốn. Phần lớn học sinh sau tốt nghiệp THCS có nguyện vọng và được sắp xếp vào học THPT: Năm học 2009-2010 có 31.074 học sinh tốt nghiệp THCS thì có 25.505 em được vào học THPT các loại hình, chiếm tỷ lệ 82% so với số tốt nghiệp; năm học 2010-2011 có 29.293 học sinh tốt nghiệp THCS, có 25.013 được tuyển vào lớp 10, chiếm tỷ lệ 84,2% số học sinh tốt nghiệp; năm học 2011-2012 là 27.997 học sinh tốt nghiệp, tuyển 24.141 em vào lớp 10, chiếm tỷ lệ 86,2% số tốt nghiệp; năm học 2012-2013 tốt nghiệp 26.065 sẽ tuyển mới 22.823 vào lớp 10, chiếm tỷ lệ 87,6%. Tỷ lệ vào học TCCN các năm học 2009-2010 là 2,39%; năm học 2010-2011 là 3,21% và năm học 2011-2012 là 3,2%. Trong khi đó, tỷ lệ PLHS sau THCS hợp lý trong giai đoạn hiện nay của nước ta mà Bộ GD và ĐT đưa ra là không quá 65% vào học THPT, tối thiểu 15% vào học TCCN và 15% vào học nghề. Để đạt được tỷ lệ này, tỉnh Nam Định còn cần thời gian và nhiều điều kiện khác. Khi chất lượng, hiệu quả đào tạo của các trường TCN và TCCN còn hạn chế, việc làm và thu nhập của người tốt nghiệp các trường này còn khó khăn thì nhu cầu học tập của học sinh cũng như nguyện vọng của gia đình họ chưa thể thay đổi. Cũng chính vì quy mô, điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề, TCCN còn khó khăn nên tỉnh Nam Định đã đầu tư, đảm bảo các điều kiện để thực hiện mục tiêu hằng năm tuyển mới từ 80% trở lên số học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT các loại hình, có như vậy mới đáp ứng nhu cầu học tập chính đáng của học sinh cũng như nguyện vọng của các bậc cha mẹ học sinh trong tỉnh.

Phân luồng học sinh sau THCS, THPT có tính xã hội cao và tác động trực tiếp đến từng gia đình, học sinh. Ảnh: Internet
Phân luồng học sinh sau THCS, THPT có tính xã hội cao và tác động trực tiếp đến từng gia đình, học sinh. Ảnh: Internet

Đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, đa số có nguyện vọng dự thi vào các trường CĐ, ĐH. Mặc dù Nam Định là tỉnh có kết quả dự thi CĐ, ĐH của học sinh luôn đứng tốp đầu của cả nước, song số lượng học sinh không đỗ vào CĐ, ĐH vẫn còn rất nhiều. Năm 2010 có 25.073 học sinh tốt nghiệp THPT, có 17.501 đỗ CĐ, ĐH, chiếm tỷ lệ 69,8% so với số tốt nghiệp; năm 2011 có 26.858 học sinh tốt nghiệp thì số đỗ CĐ, ĐH là 16.103 bằng 60,1%; năm 2012 có 24.827 học sinh tốt nghiệp, có 15.977 em đỗ CĐ, ĐH, chiếm tỷ lệ 65,5%. Trong khi đó, năm 2010 chỉ có 2.795 học sinh tốt nghiệp THPT vào học TCCN tại các cơ sở có đào tạo TCCN trên địa bàn tỉnh, đạt tỷ lệ 11,1%, năm 2011 có 2.715 học sinh vào TCCN bằng 10,1%, năm 2012 có 1.670 học sinh vào TCCN bằng 6,7% số học sinh tốt nghiệp THPT. Như vậy, hằng năm số lượng học sinh tốt nghiệp THPT không đỗ CĐ, ĐH nhưng không có nguyện vọng vào học tập tại các cơ sở đào tạo nghề và TCCN còn tới 20-30% (ước tính có hàng ngàn học sinh mỗi năm!). Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh có 16 cơ sở có đào tạo bậc TCCN (gồm 4 trường ĐH, 5 trường CĐ, 7 trường TCCN), với quy mô hằng năm có khả năng tiếp nhận 8.000 học sinh học TCCN (hệ CĐ có thể tiếp nhận 15.000 người, hệ ĐH có thể tiếp nhận 10.300 người) theo học thuộc hơn 40 ngành nghề TCCN. Cùng với hệ thống các cơ sở có đào tạo bậc TCCN là các cơ sở đào tạo nghề, đến nay có 21 cơ sở (3 trường CĐN, 6 trường TCN và 12 trung tâm dạy nghề), quy mô đào tạo theo thiết kế bậc CĐN là 12.200 sinh viên/năm, bậc TCN là 4.500 học sinh/năm. Những năm gần đây, phần lớn các trường đều không tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo và chưa sử dụng hết công suất thiết kế được phê duyệt đối với đào tạo TCCN và nghề. Năm 2010 chỉ tuyển được 4.895 học sinh/7.820 chỉ tiêu, năm 2011 tuyển được 4.145/7.125 và năm 2012 là 3.502/6.405 chỉ tiêu.

Truyền thống hiếu học của nhân dân ta rất đáng trân trọng, tuy nhiên tâm lý chuộng bằng cấp, khoa cử đã làm lệch lạc động cơ học tập của các thế hệ học sinh, tác động tiêu cực đến ý thức chăm lo sự học cho con em của các bậc cha mẹ học sinh và mọi tầng lớp trong xã hội hiện nay. Rất ít học sinh (kể cả các bậc cha mẹ học sinh) lựa chọn cho mình một trường TCCN hoặc một ngành nghề hệ TCCN sau khi tốt nghiệp THPT, mặc dù kết quả học tập văn hoá bậc THPT trung bình hoặc yếu. Tình trạng cố bằng mọi giá để có được tấm bằng THPT nhưng không thể thi đỗ vào các trường CĐ, ĐH; cố thi để vào học một trường ĐH, CĐ nhưng khi tốt nghiệp không thể tìm được việc làm với tấm bằng đó, hoặc khi các doanh nghiệp cần tuyển lao động có tay nghề, trình độ trung cấp thì không có nguồn, đã và đang là một lãng phí lớn của nhiều gia đình và cả xã hội. Tình trạng tốt nghiệp CĐ, ĐH không có việc làm phù hợp khá phổ biến, chẳng hạn: năm 2010 có 426 người đăng ký tuyển dụng vào làm giáo viên THPT trong số 223 chỉ tiêu, có 221 người được tuyển dụng, năm 2011 có 363 người đăng ký trong khi chỉ tiêu có 128 và năm 2012 có tới 707 người đăng ký tuyển dụng thì chỉ có 98 chỉ tiêu tuyển…

Tuy nhiên, điều đáng mừng là, hậu quả của tâm lý chuộng bằng cấp, khoa cử, nạn háo danh khi lựa chọn trường học, ngành nghề học đã ngày càng được nhiều học sinh và gia đình họ cũng như xã hội nhận diện đầy đủ, chính xác. Cùng với hiệu quả của công tác hướng nghiệp mà ngành Giáo dục triển khai thực hiện trong những năm qua, nhận thức về lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn trường học của các đối tượng trong toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; do vậy công tác PLHS đang có chiều hướng tiến bộ khá rõ, một số biểu hiện đáng phấn khởi.

Học sinh tốt nghiệp THCS, năm học 2009-2010 có tỷ lệ học sinh đăng ký thi tuyển vào lớp 10 là 93,5% so với số tốt nghiệp, năm 2010-2011 giảm còn 84,3%, năm 2011-2012 còn 80,5%. Tỷ lệ này hoàn toàn không phản ánh nhu cầu học tập THPT của con em nhân dân suy giảm, mà là biểu hiện sự chuyển biến tích cực, sát thực tiễn hơn của các bậc cha mẹ học sinh và các em. Khi năng lực học tập, tiếp thu văn hoá yếu, lựa chọn một hình thức học nghề phù hợp năng khiếu, sở trường, điều kiện của gia đình sẽ mang lại hiệu quả hơn nhiều. Không nhất thiết cứ tốt nghiệp THCS phải vào học THPT. Tương ứng với hiện tượng giảm nhanh số học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT là sự tăng lên của học sinh các lớp văn hoá - nghề; đây là những học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường TCCN, TCN có đăng ký học văn hoá hệ bổ túc THPT, năm 2009-2010 có 1.985 học sinh, năm 2010-2011 có 2.150 học sinh, đến năm 2011-2012 đã có 2.274 học sinh loại hình này. Đối với học sinh tốt nghiệp THPT, tình hình đăng ký dự thi vào CĐ, ĐH cũng có những thay đổi tích cực, thiết thực hơn. Nhiều học sinh và các bậc cha mẹ học sinh trong tỉnh đã ý thức được việc lựa chọn ngành nghề, trường CĐ, ĐH phù hợp lực học, điều kiện gia đình, nhu cầu lao động của xã hội trước khi đăng ký dự thi; năm 2010 tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi (57.439 hồ sơ) so với số thí sinh tốt nghiệp THPT (25.073 học sinh) là 2,29 hồ sơ/1 học sinh tốt nghiệp THPT, năm 2011 có 2,20 hồ sơ/học sinh, năm 2012 là 2,10 hồ sơ/học sinh và năm 2013 chỉ còn 1,84 hồ sơ/1 học sinh tốt nghiệp THPT.

Để tiếp tục nhìn nhận đúng công tác PLHS và thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn; phát huy tốt hơn nữa kết quả PLHS, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó các ngành GD và ĐT, LĐ-TB và XH phải giữ vai trò chủ đạo. Trước hết phải là các giải pháp nâng cao nhận thức về vai trò của PLHS cho mọi người, từ người học, cha mẹ họ, người dạy đến đội ngũ lãnh đạo các cấp, các ngành. Cùng với việc nâng cao nhận thức về PLHS là việc ban hành các cơ chế, chính sách về PLHS; về đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp; về việc tuyển dụng, sử dụng lao động các trình độ đào tạo và chế độ trả lương… và phải được tổ chức thực hiện quyết liệt ở các cấp, các ngành. Trong số các giải pháp tăng cường PLHS, có những giải pháp mang tính vĩ mô, dài hạn, có giải pháp mang tính tình thế, ngắn hạn; có những giải pháp do các cơ quan Trung ương ban hành, có những giải pháp do địa phương, hoặc ngành, đoàn thể ban hành…

Trước mắt, trong mùa tuyển sinh năm 2013, ngành GD và ĐT và LĐ-TB và XH cần tập trung làm tốt công tác nâng cao nhận thức về PLHS để mỗi học sinh và gia đình các em tự đánh giá được năng lực, điều kiện của mình trước khi quyết định lựa chọn một trường học, ngành học và cấp học phù hợp; đồng thời cũng cần tìm hiểu xu thế của xã hội đối với những ngành, nghề mà mình lựa chọn. Có như vậy, khi được vào học cũng như sau khi tốt nghiệp mới có cơ hội học tập tiếp hoặc tìm kiếm được việc làm ổn định. Các cơ sở đào tạo nghề tăng cường công tác tư vấn nghề nghiệp; phối hợp, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong tổ chức thực hành, thực tập nghề nghiệp; bảo đảm đào tạo sát thực tiễn sản xuất, kinh doanh; tạo đầu ra ổn định, tin cậy cho người học.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về PLHS sau THCS và THPT, chắc chắn trong những năm tới, kết quả PLHS của tỉnh Nam Định sẽ ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn; tương lai của thanh niên Nam Định sẽ ngày càng tươi sáng; mỗi người, mỗi nhà ngày càng hạnh phúc hơn vì ai ai cũng có việc làm, thu nhập phù hợp năng lực, sở trường của mình, góp phần xây dựng một xã hội ổn định, phát triển bền vững./.

Anh Viết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com