Khó thực hiện quy định cấm dạy học cho trẻ trước khi vào lớp 1

08:06, 18/06/2013

Mặc dù Bộ GD và ĐT đã chỉ đạo Sở GD và ĐT các địa phương cấm tổ chức dạy trước cho trẻ vào lớp 1, nhưng đến nay, ở Thành phố Nam Định tình trạng các lớp học luyện chữ, dạy trước vẫn rất phổ biến và khó kiểm soát.

Nguyên nhân đầu tiên từ phía các bậc phụ huynh, bởi nhiều phụ huynh với tâm lý muốn con “thật sự vững vàng” trước khi vào lớp 1, thậm chí nhiều bậc phụ huynh có tâm lý muốn con mình phải hơn con người khác nên đã “ép” con luyện chữ, làm toán sớm. Việc cho con học trước chương trình đã gây không ít bàn cãi của các nhà quản lý giáo dục và dư luận xã hội, bởi không chỉ gây không ít áp lực cho trẻ trước khi chập chững cắp sách tới trường mà còn hết sức phản khoa học, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, khá nhiều người cho rằng, trẻ đã lên lớp mẫu giáo lớn, đặc biệt là khi đã học hết nửa năm học, thì phải được học viết, học đọc, học làm tính để chuẩn bị sẵn sàng trước khi vào lớp 1. Còn một lý do khác không thể không nhắc đến, đó là có rất nhiều ông bố, bà mẹ nghe nói chương trình tiểu học hiện nay nặng, yêu cầu cao hơn nên cô giáo không thể có thời gian uốn nắn từng nét chữ với từng em được. Thực tế cho thấy, những học sinh khi học trước chương trình khi vào học chính thức thường ít bỡ ngỡ, rụt rè và ít vất vả hơn trong việc học.

Tuy nhiên điều này không kéo dài lâu, bởi các bạn khác thường tập trung và hào hứng với bài giảng hơn, trong khi những trẻ đã biết trước thường không chú ý, không hứng thú và hăng hái học. Thậm chí có những trẻ thấy mọi thứ đối với mình đều đơn giản nên không nỗ lực, cố gắng, chủ quan ngay từ khi ở lớp học đầu đời. Ngoài ra, trẻ đi học trước chương trình nếu không được dạy một cách bài bản, rất dễ mắc những lỗi về tư thế ngồi, cầm bút sai. Từ đó, trẻ dễ bị vẹo lưng, cận thị và khiến trẻ dễ mỏi tay và điều này càng ảnh hưởng nhiều khi học lên các lớp trên. Đó là lý do tại sao không ít cô giáo tiểu học đã phải vất vả khi phải rèn lại cho các em, từ tư thế ngồi đến cách cầm bút, điểm đặt bút… Một nguyên nhân nữa là do ở một số trường mầm non, giáo viên đã “kết nối” với những giáo viên ở trường tiểu học có nhu cầu dạy thêm cho học sinh trước khi vào lớp 1, từ đó thông báo tới phụ huynh để đưa các em đến học. Và cũng từ những lớp học này, nhiều phụ huynh tiếp tục “kết nối” với giáo viên để thông qua đó “chạy” cho con vào trường điểm, lớp điểm - nơi giáo viên đó đang dạy. Như vậy, những lớp học trước chương trình đã “lợi cả đôi đường” cho cả giáo viên và phụ huynh, chỉ khổ cho những đứa trẻ chưa đi học đã có tâm lý “sợ” phải đến trường. Chị Nga ở đường Phù Nghĩa (TP Nam Định), có con trai năm nay vào lớp 1 khoe: Từ sau Tết âm lịch chị đã gửi con đến lớp tập viết của cô giáo H. dạy tại trường tiểu học T, nơi chị đang có ý định xin cho con vào học lớp 1. Mỗi tuần học 4 buổi, mỗi buổi 2 tiếng vào cuối giờ chiều, giờ cháu đã biết đọc và cộng trừ hai số. Chị tâm sự: “Nhiều lúc thấy cháu ngồi học căng thẳng nhìn cũng tội nghiệp, nhưng khi thấy trẻ con nhà khác đã đọc vanh vách, cộng trừ hai số thành thạo nên mình thấy sốt ruột, lại động viên con ngồi học!”. Đây cũng là suy nghĩ của không ít bậc làm cha làm mẹ. Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, giáo viên Trường Mầm non 2-9, phường Cửa Nam (TP Nam Định) cho biết: “Thực tế, trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở các trường mầm non đã được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng bước vào lớp 1. Đó là các chuyên đề về “Làm quen với toán’’, “Làm quen với văn học và chữ viết’’, “Làm quen với môi trường xung quanh’’. Theo đó, yêu cầu của chương trình đối với các cháu lớp 5 tuổi chỉ là “làm quen’’, nhận dạng 29 chữ cái và chữ số từ 1 đến 10; một số hình đơn giản như hình tròn, hình vuông, hình tam giác, chữ nhật. Có nghĩa là cho các em tiếp cận, làm quen để biết mặt chữ và mặt số. Ngoài ra, các em biết hướng đọc và viết theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải; được trang bị một số kiến thức thiết yếu về môi trường xã hội, tự nhiên, giao tiếp với thầy cô, bạn bè, rèn nền nếp, ý thức cá nhân… Vì vậy, cho trẻ học trước chương trình là không cần thiết và quá sức đối với các em”. Tuy nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ chỉ quan tâm đến việc cho con đi học để biết đọc, biết viết, biết làm toán mà không để ý trang bị cho con những kỹ năng cơ bản trước khi đi học, bởi vậy nhiều bậc phụ huynh cho con nghỉ kỳ 2 của chương trình lớp 5 tuổi để học trước chương trình lớp 1. Trong khi cấu trúc và yêu cầu kiến thức trong chương trình lớp 1 bảo đảm cho mọi trẻ bình thường về sức khỏe và nhận thức có thể học và tiếp thu được. Và từ nhiều năm nay Bộ GD và ĐT đã chính thức có văn bản cấm dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mầm non, trong đó nêu rõ dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mầm non là phản khoa học, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Đồng thời quy định: Khi dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải ký cam kết với UBND xã, phường, thị trấn về nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm về thực hiện đúng các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin công cộng của địa phương và tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước khi thực hiện dạy thêm, về giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm do cấp có thẩm quyền cấp… Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp dạy thêm, học thêm nói chung, dạy trước chương trình cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 bị cơ quan chức năng xử lý, bởi theo dư luận, xung quanh các quy định cấm dạy thêm, học thêm vẫn còn nhiều kẽ hở để giáo viên dạy thêm bình thường... Sắp tới, Bộ GD và ĐT tiếp tục có văn bản chấn chỉnh tình trạng dạy học trước lớp 1. Theo đó, các cấp quản lý giáo dục cần phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để cha mẹ học sinh và cộng đồng có nhận thức đúng đắn và chuẩn bị tốt tâm lý cho trẻ trước khi vào lớp 1; Quy định rõ trách nhiệm của giáo viên, hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục liên quan đến quy định dạy trước chương trình lớp 1. Các trường tiểu học công bố các giải pháp đảm bảo chất lượng của nhà trường đối với việc học của học sinh lớp 1, để phụ huynh yên tâm. Ưu tiên lựa chọn, đồng thời động viên khen thưởng giáo viên có kinh nghiệm. Đồng thời tiếp tục đổi mới đánh giá, đối với học sinh lớp 1, giáo viên tuyệt đối không cho điểm (ngoài bài kiểm tra nghiệm thu chất lượng cuối năm), chỉ nhận xét động viên, khuyến khích, khen ngợi, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày ở mỗi hoạt động của từng học sinh…, hướng dẫn tận tình giúp học sinh tự tin và hứng thú với các hoạt động học tập, đặc biệt quan tâm đến những học sinh có khó khăn trong học tập, tuyệt đối không chê trách học sinh, không yêu cầu học sinh làm các bài tập vượt quá yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng đã được quy định. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, đôn đốc giáo viên thực hiện; Sở GD và ĐT tham mưu quy hoạch xây dựng các trường tiểu học tại địa phương, từng bước khắc phục số học sinh trên lớp quá đông, đáp ứng nhu cầu của học sinh trên địa bàn./.

Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com