Xung quanh việc sinh viên sư phạm đi thực tập

09:03, 29/03/2013

Hằng năm, các trường sư phạm đều tổ chức cho sinh viên về các trường phổ thông thực tập, kiến tập. Đây là một học phần không thể thiếu trong chương trình đào tạo vì đi thực tập, kiến tập, sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với các hoạt động liên quan đến nghề nghiệp, củng cố, nâng cao kiến thức chuyên môn và các kỹ năng nghiệp vụ. Thông qua hoạt động thực tập, sinh viên vận dụng những lý luận dạy học được trang bị ở trường sư phạm vào thực tiễn giảng dạy. Đây là hoạt động mang tính tương tác có ý nghĩa tích cực đối với cả sinh viên, trường đại học nơi cử đi và trường phổ thông. Thế nhưng, trong thực tiễn qua phản ánh của cả sinh viên và các trường phổ thông, hoạt động này có nhiều bất cập như: cơ sở không mặn mà đón sinh viên, việc thực tập mang tính hình thức, không hiệu quả, dẫn đến sinh viên thiếu kiến thức thực tiễn.

Ảnh minh họa/Internet
Ảnh minh họa/Internet

Thông thường, vào mỗi đợt thực tập, các trường sư phạm sẽ gửi văn bản đề nghị Sở GD và ĐT chỉ đạo các trường tham gia hướng dẫn sinh viên. Các đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tập đều tạo điều kiện để sinh viên hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình. Sinh viên thực tập tại các trường hầu hết là người địa phương, nhiều người là học sinh cũ của trường. Vì vậy, phần lớn đều có ý thức tốt, muốn tiếp cận với các hoạt động giáo dục để biết việc, học việc. Tuy nhiên, nhiều sinh viên phản ánh với thời gian thực tập từ 6-8 tuần, họ ít nhận được sự hướng dẫn của giáo viên nên không học hỏi được nhiều về kỹ năng nghề. Khi thực tập tại các trường phổ thông, bên cạnh công tác chuyên môn, các giáo sinh sẽ phải thực hiện làm giáo viên chủ nhiệm lớp, là công việc đòi hỏi phải tích hợp kiến thức sư phạm và sự trải nghiệm nghề nghiệp, sinh viên phải tự tin và thể hiện tác phong mẫu mực của một người thầy đối với học sinh. Để đạt được yêu cầu, cùng với việc mỗi sinh viên phải chủ động xây dựng kế hoạch thực tập cho riêng mình, rất cần sự giúp đỡ của giáo viên hướng dẫn. Trong khi thực tế sự hợp tác, giúp đỡ này còn hạn chế với lý do các thầy cô bận, hoặc máy móc, cứng nhắc trong hướng dẫn, đánh giá sinh viên. Do vậy có tình trạng sinh viên nào “may mắn” thì gặp được giáo viên giỏi, nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm, sinh viên nào được phân công giáo viên hướng dẫn có trình độ chuyên môn bình thường và thiếu quan tâm thì việc học hỏi của sinh viên bị hạn chế rất nhiều. Trong khi đó, theo quy định nếu mỗi sinh viên phải dạy 6 giờ để đánh giá, thì tổ trưởng chuyên môn chỉ dự duy nhất một giờ, còn lại 5 giờ sẽ do giáo viên hướng dẫn toàn quyền quyết định. Việc hướng dẫn soạn giáo án đến góp ý, truyền đạt kinh nghiệm trong mỗi giờ lên lớp sẽ phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên hướng dẫn. Kết thúc kỳ thực tập, giáo viên hướng dẫn phải nhận xét đánh giá kết quả thực tập của sinh viên song các thầy, cô do không có điều kiện dự nhiều giờ của các sinh viên khác để so sánh, trao đổi nên rất khó đảm bảo đánh giá chính xác theo mặt bằng nhóm. Ở nhiều trường hợp việc thực tập mang nặng tính hình thức, nhiều sinh viên đi thực tập không tích cực, “cưỡi ngựa xem hoa”, không chịu khó lắng nghe và tiếp thu, học hỏi từ các tiết dự giờ và từ giáo viên hướng dẫn chuyên môn, thiếu khả năng xử lý tình huống sư phạm và kỹ năng sư phạm cũng như vốn chuyên môn, kiến thức xã hội cần có của một giáo viên. Vì vậy, dù đã trải qua quá trình kiến tập, thực tập, song không ít sinh viên sư phạm tốt nghiệp khi về nhận công tác tại trường phổ thông vẫn còn bỡ ngỡ, lúng túng.

Hiện tại, Bộ GD và ĐT đã có kế hoạch đổi mới quy trình đào tạo cử nhân sư phạm và sẽ triển khai trên hệ thống các trường sư phạm toàn quốc. Theo phương án này, sinh viên sẽ học kiến thức trong 3 năm, 1 năm sẽ trực tiếp gắn bó và làm việc tại trường phổ thông. Thời gian kéo dài hơn bảo đảm hoạt động này đúng tính chất thực tập công việc, tạo điều kiện cho sinh viên gắn bó sâu sắc với thực tiễn, không bỡ ngỡ khi vào làm việc trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên, để kỳ thực tập sư phạm đạt hiệu quả, phụ thuộc rất nhiều sự chuẩn bị của mỗi sinh viên về kiến thức, ý thức và văn hoá nghề chứ không chỉ ở sự nhiệt tình của giáo viên hướng dẫn./.

Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com